Báo Công An Đà Nẵng

Để di sản văn hóa là tài nguyên phát triển du lịch

Thứ sáu, 26/02/2016 12:14

(Cadn.com.vn) - Ngày 25-2,  Sở VH-TT và DL TP Đà Nẵng tổ chức triển khai nhiệm vụ công tác năm 2016. Tại hội nghị, nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu đặt câu hỏi về những đóng góp của văn hóa cho sự phát triển du lịch thành phố.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng tặng Bằng khen của UBND thành phố cho các cá nhân Sở VH-TT và DL thành phố đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2015.

Báo cáo của Sở VH-TT và DL thành phố cho thấy, du lịch đang dần hưởng quả ngọt khi lượng khách đến với Đà Nẵng ngày càng đông. Theo đó, trong năm 2015 tổng lượt khách tham quan, du lịch Đà Nẵng đạt 4,6 triệu lượt, tăng hơn 22% so với năm 2014, đạt trên 105 % kế hoạch. Điều đáng nói, lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng tăng mạnh, đạt hơn 1,2 triệu lượt, tăng 32,5% so với năm 2014, khách nội địa cũng tăng 19,3% so với năm 2014. Tổng thu du lịch đạt trên 12,8 nghìn tỷ đồng, tăng 29,9% so với năm 2014. Những con số trên cho thấy, Đà Nẵng đang trở thành điểm đến ưa thích của du khách.

Trong dịp triển khai công tác năm 2016 của Sở VH-TT và DL, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã tặng Cờ thi đua cho 2 tập thể là Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng và Cung thể thao Tuyên sơn. Tặng Bằng khen cho 5 tập thể và 10 cá nhân Sở VH-TT và DL thành phố đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2015. Bộ VH-TT và DL tặng Cờ thi đua cho 1 đơn vị, tặng Bằng khen cho 6 tập thể và 12 cá nhân thành phố Đà Nẵng đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng và tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch tại địa phương năm 2015.

Nhiều người đã chỉ ra rằng, Đà Nẵng có  những bãi biển, thắng cảnh đẹp nên thu hút được du khách, chứ không phải là những di sản văn hóa hay lễ hội. So với nhiều địa phương, thì những di sản văn hóa, lễ hội ở Đà Nẵng chẳng mấy thua kém nhưng chưa được tận dụng tốt để phát triển du lịch. Ông Hồ Tấn Tuấn- Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản văn hóa thành phố cho rằng, những năm qua, thành tựu của khảo cổ học đã cho thấy thành phố Đà Nẵng là một vùng đất cổ được con người khai phá và cư ngụ từ rất sớm, là nơi hội tụ, giao thoa của nhiều nền văn hóa khác nhau: Sa Huỳnh, Chăm, Việt và Hoa...

Ngày nay, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ở Đà Nẵng còn lại khá phong phú. Trong quá trình tụ cư, hình thành và phát triển của thành phố, cư dân Đà Nẵng qua các thời kỳ đã để lại nhiều di tích lịch sử - văn hóa có giá trị như di chỉ khảo cổ học Nam Thổ Sơn, di chỉ Vườn đình Khuê Bắc (thời kỳ Văn hóa Sa Huỳnh tiền Chămpa), các phế tích kiến trúc đền tháp Chăm Phong Lệ, Quá Giáng, Hóa Quê (thế kỷ IX -XI), các văn bia cổ ở núi Ngũ Hành Sơn, ở chùa Long Thủ (thế kỷ XVII), cùng các di tích kiến trúc nghệ thuật như đình làng Bồ Bản, Túy Loan, Hải Châu, Thạc Gián... là những bằng chứng vật chất sinh động của tiền nhân, trải qua bao thế hệ khai phá đất đai lập làng, tụ cư và sinh tồn để lại.

Rồi đến các di tích lịch sử như thành Điện Hải; Nghĩa trủng Phước Ninh; Nghĩa trủng Hòa Vang..., là những di tích gắn liền với sự nghiệp đấu tranh của nhân dân Đà Nẵng trong buổi đầu kháng Pháp (1858). Ông Tuấn chia sẻ: "Đà Nẵng có những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú như vậy nhưng tiếc rằng chưa được khai thác tốt để phục vụ du lịch. Thực tiễn đã cho thấy các di sản văn hóa  đã và đang trở thành tài nguyên du lịch đặc biệt thu hút sự quan tâm của nhân dân và du khách quốc tế; nhiều địa phương trong cả nước đã và đang sử dụng các di tích lịch sử - văn hóa nói riêng, di sản văn hóa nói chung, để mở rộng tiềm năng du lịch, thành phố Đà Nẵng cũng phải tận dụng lợi thế đó".

 Đưa tuồng xuống phố, hoạt động văn hóa này đã thu hút được sự quan tâm của người dân và du khách.

Những năm qua, một số di tích lịch sử - văn hóa của Đà Nẵng sau khi trùng tu, tôn tạo đã góp phần không nhỏ vào việc tham quan của du khách trong và ngoài nước như danh thắng Ngũ Hành Sơn, Thành Điện Hải, Hải Vân Quan..., nhiều lễ hội cũng thu hút du khách như Lễ hội đình làng Hòa Mỹ, đình làng Túy Loan, Lễ hội cầu ngư Thanh Khê, Mân Thái và Lễ hội Quán Thế Âm ở danh thắng Ngũ Hành Sơn. Tuy vậy, những di sản văn hóa và lễ hội vẫn chưa được phát huy triệt để thu hút du khách, phát triển du lịch. "Để phát triển tốt và toàn diện hơn tiềm năng du lịch văn hóa của thành phố, tôi cho rằng thành phố cần tiếp tục đầu tư bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích và xây dựng, điều chỉnh quy hoạch các tuyến, điểm tham quan du lịch gắn với khai thác hệ thống di sản văn hóa của thành phố"- ông Tuấn nói.

Về vấn đề này, ông Ngô Quang Vinh- Giám đốc Sở VH-TT và DL thành phố cho biết, những năm qua ngành đã chú trọng tổ chức nhiều hoạt động kết hợp giữa văn hóa với du lịch, tuy nhiêu kết quả mang lại chưa lớn. "Các hoạt động văn hóa mang lại bản sắc riêng có cho Đà Nẵng, có sức hút đối với khách du lịch. Chúng tôi nhận thấy rằng giữa văn hóa và du lịch còn rất nhiều tiềm năng kết hợp. Vì vậy trong năm 2016, ngành có kế hoạch cụ thể để gắn bó và hỗ trợ lẫn nhau giữa các hoạt động văn hóa và du lịch,  ví dụ như mở các tuyến du lịch đường sông đến những làng cổ ở Đà Nẵng, nâng cao hoạt động chuyên đề và thuyết minh ở các bảo tàng làm sao để thu hút du khách, tổ chức nhiều hoạt động lễ hội dọc trục sông Hàn... tạo ra những điểm đến văn hóa, lễ hội thú vị cho du khách đến Đà Nẵng", ông Vinh nói.

Phát biểu tại hội nghị, ông Đặng Việt Dũng- Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng, trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ như hiện nay, thì việc giữ được những bản sắc riêng có của Đà Nẵng là đòi hỏi rất quan trọng. "Ngành văn hóa cần gìn giữ cho được bản sắc đó, đưa các di sản văn hóa và lễ hội trở thành điểm mạnh để thu hút khách du lịch đến với thành phố. Có kế hoạch quảng bá, giới thiệu văn hóa Đà Nẵng với công chúng và đánh giá một cách khách quan hiệu quả của các hoạt động văn hóa. Trong quá trình hội nhập chúng ta chỉ chắt lọc, tiếp thu những tinh hoa của văn hóa thế giới, còn những di sản văn hóa riêng có của mình phải giữ gìn", ông Dũng nhấn mạnh.

                             Minh Hà