Báo Công An Đà Nẵng

Để mất hơn 60 ha rừng ở Tuy Đức (Đắc Nông): Chẳng ai chịu trách nhiệm

Thứ bảy, 31/05/2014 10:15

(Cadn.com.vn) - Trong vòng 5 năm từ 2009 đến nay, hơn 60 ha rừng tại tiểu khu 1479 và 1499 do Nông lâm trường Cao su Tuy Đức (Lâm trường Tuy Đức) và Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Liên Thành (Cty Liên Thành) quản lý đã bị mất trắng. Hơn 28 biên bản được lập cùng một số đối tượng hủy hoại rừng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã bị khởi tố. Tuy nhiên, điều mà dư luận quan tâm là trách nhiệm trong việc để mất diện tích đất rừng kể trên thuộc về ai.

Liên tục để mất rừng

Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Đắc Nông về việc đồng ý cho Lâm trường Tuy Đức bàn giao đất rừng tại các tiểu khu 1479 và 1499 thuộc địa giới hành chính xã Quảng Tâm, H. Tuy Đức với tổng diện tích là 530 ha cho Cty Liên Thành khảo sát lập dự án trồng rừng, kết hợp với kinh doanh dịch vụ, chăn nuôi động vật hoang dã. Từ năm 2009 đến nay tại khu vực này liên tục bị chặt phá trái phép, một phần đã bị người dân canh tác hoặc sang nhượng bất hợp pháp cho người khác canh tác. Trước tình hình trên, Hạt Kiểm lâm H. Tuy Đức phối hợp với Đoàn liên ngành 12 xã Quảng Tâm tiến hành kiểm tra và lập 28 biên bản với tổng diện tích là 62,136 ha rừng bị phá, chưa xác định được đối tượng.

Ngay sau khi nhận toàn bộ hồ sơ từ Hạt kiểm lâm huyện, CAH Tuy Đức đã xác lập chuyên án đấu tranh làm rõ các hành vi chặt phá, mua bán đất rừng trái phép, vi phạm các quy định sử dụng đất đai trên toàn bộ khu vực đất nêu trên. Quá trình điều tra, CAH Tuy Đức đã sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, đến nay đã khởi tố hình sự 5 vụ án với 9 bị can về hành vi hủy hoại rừng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến đất rừng.

Điển hình như vụ án Trịnh Công Thuần trú tại xã Quảng Tâm, H. Tuy Đức phá 3,7 ha rừng tại tiểu khu 1479 rồi sau đó cùng lúc sang nhượng trái phép cho người khác và chiếm đoạt 185 triệu đồng, hay vụ hai vợ chồng Phạm Ngọc Duy và Lý Thị Dung cùng trú tại xã Quảng Tâm chặt phá rừng sản xuất tại tiểu khu 1499 rồi bán cho các đối tượng khác canh tác. Quá trình điều tra, CAH Tuy Đức đã giám định số rừng bị thiệt hại do vợ chồng Phạm Ngọc Duy chặt phá là 1,13ha rừng sản xuất, giá trị thiệt hại về gỗ và môi trường hơn 300 triệu đồng…

Rừng bị phá – ảnh chụp tại khu rừng bị phá.

Chuyền tay nhau “quả bóng trách nhiệm”

Trực tiếp cùng cán bộ điều tra CAH Tuy Đức xuống hiện trường tại các tiểu khu 1479 và 1499 thuộc địa bàn xã Quảng Tâm mới thấy hết được rừng bị tàn phá. Những cánh rừng bị đốn hạ một cách không thương tiếc thay vào đó là những mảnh đất đang được cày xới, san ủi cho bằng phẳng để trồng khoai lang và hồ tiêu. Nhiều khoảnh rừng vừa bị chặt phá ngổn ngang cây tạp và cỏ dại đang chờ được dọn sạch để canh tác. Nhìn xa xa, có một nhóm người đang ngang nhiên dựng trụ tiêu trên khoảng đất lấn chiếm thuộc tiểu khu 1499 nhưng không có một cán bộ quản lý bảo vệ rừng nào ra ngăn cản.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Trương Quang Hương, Giám đốc Lâm trường Tuy Đức cho biết: “Sở dĩ để xảy ra việc mất rừng như hôm nay là vì UBND tỉnh mới chỉ có công văn giao đất cho Cty Liên Thành nhưng chưa ra quyết định thu hồi. Theo đó, Cty Liên Thành vẫn triển khai các dự án xây dựng trên phần đất đã được bàn giao còn trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng thì lờ đi coi như không biết. Phía đơn vị chúng tôi phải lo toàn bộ công tác quản lý bảo vệ rừng luôn cho Cty Liên Thành, nhưng do địa bàn quá rộng lại phức tạp nên không thể kiểm soát hết”.

Đối tượng chặt phá rừng bị CAH Tuy Đức bắt, xử lý.

Còn theo Thượng tá Dương Danh Quế, Phó trưởng CAH Tuy Đức thì quá trình điều tra, cả hai đơn vị trên liên tục đổ lỗi cho nhau, không ai chịu trách nhiệm về số rừng bị thiệt hại. Bởi theo Cty Liên Thành thì UBND tỉnh mới chỉ ra quyết định giao đất cho họ lập dự án thành lập khu du lịch sinh thái, chưa ra quyết định thu hồi nên họ không có trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Còn theo Lâm trường Tuy Đức thì UBND tỉnh đã giao đất cho Cty Liên Thành thì công ty này phải có trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ, không nhất thiết phải chờ quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh.

Ai cũng có cái “lý” của mình, nhưng trong khi chờ “hạ hồi phân giải” thì hàng chục héc-ta rừng đã bị tàn phá. Nếu để tình trạng “cha chung không ai khóc” như trên kéo dài, tin chắc rằng con số diện tích đất rừng bị thiệt hại trong thời gian tới sẽ không dừng lại ở con số 60 ha như trong chuyên án mà CAH Tuy Đức đang tích cực điều tra.

Hồng Long – Minh Tín