Báo Công An Đà Nẵng

Để môn Sử hấp dẫn hơn

Thứ hai, 07/12/2015 12:34

(Cadn.com.vn) - Sau gần 3 tháng tranh luận về đề án tích hợp môn Lịch sử, ngày 27-11, Quốc hội đã đưa ra nghị quyết Lịch sử là môn độc lập và bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông. Quyết nghị này làm nức lòng nhiều người, đặc biệt là giới sử học và giáo viên dạy môn Lịch sử, nhưng không thể bằng lòng với thực tại, bởi tình trạng học sinh chán học môn Sử là một thực tế không thể phủ nhận. Trách nhiệm bây giờ là làm cho môn Sử hấp dẫn hơn...

Sáng suốt, hợp lòng dân

Với tầm quan trọng của mình, Lịch sử là môn xã hội bắt buộc trong giáo dục phổ thông với mọi quốc gia. Bởi, "Lịch sử là bó đuốc soi đường", là "Dựng người chết dậy vì người đang sống". Nhà văn Liên Xô Rasul Gamzatop từng nói: "Nếu chúng ta bắn vào quá khứ bằng một phát súng lục thì tương lai sẽ bắn chúng ta bằng một phát đại bác".

Việt Nam là một đất nước có nền văn hiến từ lâu đời, có truyền thống lịch sử hào hùng thì cần phải biết lấy lịch sử làm "điểm tựa", làm "bệ phóng" cho sự vươn lên của dân tộc. Bởi, giáo dục lịch sử là giáo dục về văn hóa, truyền thống, lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc, là giáo dục cốt cách con người Việt Nam; giáo dục lòng khoan dung, vị tha, yêu nước thương nòi; biết trân quý những máu xương của cha ông... để ra sức học tập, rèn luyện góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.

Theo nhà báo Thu Uyên, người gắn tên tuổi với chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly", "Trở về từ ký ức", cho rằng từ bỏ lịch sử hay quên lãng lịch sử không chỉ có tội với tổ tông, với những người đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc, không chỉ là thứ vong ân bội nghĩa mà còn khó có thể làm người. Bởi vì mỗi một con người sinh ra và lớn lên trên trái đất này đều có một nguồn cội.

Thế nên, quyết định không bỏ môn Lịch sử của Quốc hội là một quyết định sáng suốt, hợp lòng dân.

Học sinh ngán sử

Tuy hào hứng với quyết định sáng suốt của Quốc hội nhưng phải thừa nhận rằng tình trạng học sinh chán học môn Sử là có thật, cần thiết phải thay đổi thực trạng đáng buồn này. Em Linh Chi (học sinh Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Đà Nẵng) cho biết, em rất ngán học môn Lịch sử vì quá nhiều số liệu, quá nhiều sự kiện cần phải nhớ, phải thuộc.

Ngay cả một giáo viên (xin không nêu tên) cũng cho rằng nếu là học sinh tôi cũng chán môn Sử. Vì sao vậy? Đơn giản bởi cách dạy học của thầy cô là cùng học trò học thuộc dữ kiện, số liệu trong trận đánh này, trận đánh kia. Sau đó, nêu nguyên nhân thất bại, ý nghĩa bài học lịch sử... Bài nào, chương nào và quyển sách sử của lớp nào cũng chừng đó, hỏi sao không chán?

PGS.TS Kiều Thế Hưng (ĐH Sư phạm Hà Nội) nói thẳng, học sinh chán môn Sử là do thầy dạy. Theo PGS. TS Hưng, hiện nay, có nhiều thầy dạy đúng, dạy đủ, nhưng tẻ nhạt, kém hấp dẫn, sinh động. Trong những giờ học như thế, học sinh buộc phải học chứ không phải khao khát, hứng thú.

Mà khi không hứng thú thì giá trị lịch sử không còn ý nghĩa vốn rất cao đẹp của nó. Điều đó giết chết niềm say mê, sáng tạo không những của học sinh mà còn của chính những người thầy dạy Lịch sử. Người thầy dạy Lịch sử giỏi bây giờ không chỉ là người nắm kiến thức sử mà phải là người giỏi kỹ năng sư phạm. Muốn thế phải đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới đào tạo giáo viên Lịch sử.

Cùng với những thay đổi về chương trình sách giáo khoa, phương pháp dạy và kiểm tra môn Lịch sử cần thay đổi. Ảnh: Internet

Để môn Lịch sử hấp dẫn hơn

Có thể khẳng định, tình trạng học sinh chán học môn Sử là do chương trình sách giáo khoa quá nặng nề, khô khan; do cách dạy chưa hấp dẫn; áp lực thi cử... Do đó, cần phải thay đổi bằng cách khắc phục những hạn chế này chứ không phải tích hợp để rồi hạ thấp vai trò và vị thế của môn Lịch sử là điều không nên.

Vì vậy, ngay sau khi Quốc hội biểu quyết giữ môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông, ngày 30-11, tại Đại hội lần VII của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam ở Hà Nội, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam thẳng thắn chia sẻ: "Hân hoan mừng thắng trận nhưng chúng ta không quên thắng lợi to lớn hôm nay chỉ là bước khởi đầu và sự quyết định thành bại vẫn đang còn ở phía trước. Để phát huy được vị thế, vai trò của môn học này, chúng ta phải dồn tâm, dốc sức xây dựng lại chương trình, biên soạn lại sách giáo khoa, nâng cao chất lượng giáo viên, thay đổi cách dạy, cách học và cách thi... ".

Theo GS. TS Nguyễn Quang Ngọc, sự yếu kém của sách giáo khoa lịch sử phổ thông đang lưu hành chính là do quá chú trọng đến kiến thức lịch sử, đặc biệt là kiến thức lịch sử phục vụ tuyên truyền chính trị, mà ít quan tâm đến Lịch sử với tư cách là một môn khoa học trong tính hệ thống và toàn diện. Đây là vấn đề cần rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc.

Thầy Hà Văn Thịnh (giảng viên môn Lịch sử Trường ĐHKH Huế) chỉ ra những bất cập của sách giáo khoa lịch sử và đề nghị thay đổi từ 10 năm trước! Thầy Thịnh nêu ví dụ như sách giáo khoa lịch sử lớp 12 phần Lịch sử Việt Nam hầu như chỉ đề cập đến lịch sử đấu tranh chống phong kiến và chống giặc ngoại xâm, rồi cứ thế liên hồi chiến công, hết chiến dịch này đến chiến dịch khác, lúc nào ta cũng thắng địch thua....

Trong khi đó, những nội dung quan trọng như kinh tế, văn hóa, nghệ thuật... thì rất mờ nhạt! "Tại sao chúng ta không lồng ghép những câu chuyện hay vào từng giai đoạn lịch sử để học sinh dễ nhớ hơn? Dạy sử phải giống như kể một câu chuyện hay, không cần học thuộc lòng học sinh vẫn nhớ hết", thầy Thịnh đề xuất.

Cô Nguyễn Thị Sáu, người nhiều năm bồi dưỡng đội tuyển thi học sinh giỏi Quốc gia môn Lịch sử Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp (Quảng Bình) nêu quan điểm: "Có một thực tế là tiết Sử của thầy giáo này học sinh rất thích thú, còn tiết dạy của cô giáo kia hết sức tẻ nhạt, học sinh uể oải không hào hứng. Đó là do phương pháp, nghệ thuật sư phạm của một số thầy cô chưa phù hợp, chưa hấp dẫn học sinh. Nói thật, dạy Sử mà không có gì mới mẻ ngoài sách giáo khoa, không có được sự phân tích, lý giải thuyết phục thì học sinh không chán mới lạ".

Theo cô Sáu, giáo viên nên để học sinh được chủ động nhận định, được đánh giá, được bình phẩm, được nêu quan điểm, được phân tích dựa trên sự tìm tòi (dù chưa hoàn toàn chính xác), qua đó hình thành cho các em khả năng phản biện và sàng lọc thông tin thì kết quả dạy và học môn Sử sẽ khác, chứ không đến nỗi học hết phổ thông mà không biết gì nhiều về sử nước nhà!

Còn học sinh khi được hỏi thì cho biết là đừng bắt họ nhớ quá nhiều ngày tháng cụ thể chi tiết mà chỉ cần nắm những dấu mốc quan trọng là được. Học sinh mong muốn được nghe, được đọc nhiều hơn các giai thoại liên quan đến nhân vật lịch sử. "Thay vì lúc nào cũng làm bài kiểm tra với những câu hỏi mang tính học thuộc thì cho học sinh diễn kịch lịch sử, làm bài tập tiểu luận hoặc sưu tầm tư liệu về lịch sử, lấy điểm", em Linh Chi nêu ý kiến.

Cùng với những thay đổi về chương trình sách giáo khoa, phương pháp dạy và kiểm tra đánh giá, nên có quy định Lịch sử là môn thi tốt nghiệp bắt buộc, đồng thời là môn làm điều kiện cần (thi tốt nghiệp môn Sử được 5 điểm trở lên) thì mới được trở thành sinh viên..., đảm bảo môn Sử sẽ có được vị thế và phát huy đầy đủ vai trò tích cực của mình. Khi đó, chắc chắn "Dân ta sẽ biết sử ta, biết tường gốc tích nước nhà Việt Nam", một giáo viên quả quyết.

Phạm Được