Đề nghị bổ sung hành vi “ép người khác uống rượu, bia” vào điều khoản cấm của luật!
Chiều 12-11, Quốc hội (QH) thảo luận ở Tổ về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) và dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Đà Nẵng tham gia thảo luận cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh: Sơn La, Ninh Bình và Tây Ninh. Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa chủ trì phiên thảo luận. Đây là phiên làm việc tại Tổ cuối cùng của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ. |
Về dự án Luật PC tác hại của rượu, bia, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề nghị nên lấy tên gọi là “Luật PC tác hại của lạm dụng rượu, bia” hoặc “Luật PC tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn” với lý do hướng trọng tâm vào hành vi của người sử dụng. Theo ĐB, rượu, bia chỉ có hại khi con người lạm dụng, tên gọi này cũng phù hợp với thuật ngữ đã được sử dụng trong Chính sách quốc gia PC tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn do Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2014 và một số văn bản quốc tế.
Liên quan đến quy định tại khoản 3, Điều 20 về việc “Không được bán rượu, bia trên mạng Internet”. ĐB Thúy cho rằng, thực hiện Nghị định 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu, trong đó có quy định việc “Không được bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên quan Internet” cho đến nay đã được 1 năm nhưng chưa có bất kỳ đánh giá nào để đo lường tính thực thi của NĐ. Mặt khác, Luật PC tác hại của thuốc lá cũng không có bất kỳ quy định nào liên quan đến việc cấm bán thuốc lá trên mạng Internet. Do đó, quy định này sẽ tạo nên rào cản thương mại, phân biệt đối xử và trái với Luật Đầu tư. Trong khi đó, bán hàng trên mạng Internet là một trong những công cụ giúp nhà nước tiết kiệm chi phí và nguồn lực kiểm soát hoạt động bán hàng của DN, góp phần chống thất thu thuế... phù hợp với xu thế phát triển công nghệ 4.0. Vì vậy, ĐB đề nghị bỏ quy định này ra khỏi dự thảo Luật.
ĐB Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng) thì đề nghị nên bổ sung quy định “Cấm ép người khác uống rượu, bia” vào các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 5 của dự thảo luật. Bên cạnh đó, ĐB Yến cho rằng, dự thảo Luật chưa quan tâm nhiều đến việc quản lý, kiểm soát việc sản xuất, mua bán rượu thủ công; trong khi đó, thời gian qua nhiều vụ việc liên quan đến ngộ độc do rượu thủ công mang lại gây bức xúc, hoang mang trong dư luận. Mặt khác, theo ĐB đến ngày 31-12-2022 mới hoàn thành việc tổng kiểm tra chất lượng rượu sản xuất thủ công trên phạm vi toàn quốc là quá chậm, đề nghị cần quy định rút ngắn lộ trình này.
Sáng cùng ngày, Quốc hội tiến hành làm việc tại tổ để thảo luận về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.
Tham gia thảo luận về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cho rằng, hiện nay bên cạnh các khoản thuế, phí, thu khác NSNN do cơ quan Thuế, Hải quan thu còn có một số khoản thu do các cơ quan QLNN khác trực tiếp quản lý thu nhưng tổ chức thu nộp, hạch toán vào NSNN theo các quy định chuyên ngành khác nhau. Do đó, việc bổ sung phạm vi điều chỉnh đối với các khoản thu khác thuộc NSNN không do cơ quan quản lý thuế quản lý thu tại Khoản 2, Điều 1 của dự thảo Luật là cần thiết. Tuy nhiên, ĐB đề nghị Chính phủ cần làm rõ việc quản lý thu đối với các khoản thu khác thuộc NSNN không do cơ quan quản lý thuế thu đang thực hiện có vướng mắc gì trong thực tiễn, từ đó làm rõ các khoản thu này sẽ thực hiện quy trình nào của Luật Quản lý thuế và quy trình nào thực hiện theo các quy định của pháp luật khác có liên quan; đồng thời, quy định vấn đề này ngay trong Luật.
Khoản 4, Điều 7 quy định “Người nộp thuế (NNT) được biết thời hạn giải quyết hoàn thuế, số thuế không được hoàn và căn cứ pháp lý đối với số thuế không được hoàn”. ĐB Sơn đề nghị xem xét, biên tập lại nội dung này để đảm bảo giúp NNT thuận lợi hơn trong thực hiện các chính sách thuế; vì NNT không chỉ đề nghị cơ quan thuế giải quyết hoàn thuế mà NNT còn nhiều nội dung cần cơ quan thuế giải quyết và họ cần biết thời hạn giải quyết như: Xác nhận hoàn thành nghĩa vụ với NSNN, các đơn thư khiếu nại với cơ quan thuế, các hỏi đáp thắc mắc, miễn giảm thuế... Tại Khoản 2, Điều 22 quy định “Trường hợp quyết định của cơ quan quản lý thuế có sự khác biệt với báo cáo kiểm toán về nghĩa vụ thuế thì thực hiện theo quyết định của cơ quan quản lý thuế”. ĐB Sơn cho rằng, quy định này là không phù hợp với Hiến pháp 2013, Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN) 2015 về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN. Đồng thời, đề nghị viết lại theo hướng “KTNN chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kết luận do KTNN ban hành”, có nghĩa là cơ quan được kiểm toán có thể khiếu nại hoặc kiện ra tòa án kết luận của KTNN theo luật định nếu cho rằng không đúng.
ĐB Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) thì đề nghị dự thảo luật cần quy định theo hướng tăng cường việc sử dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; quy định này sẽ giúp thuận lợi cho cơ quan thuế trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình, góp phần giảm thất thu thuế rất lớn.
Thảo luận về dự án Luật SĐ, BS một số điều của Luật Đầu tư công, ĐB Như Hoa đề nghị xem xét, bổ sung quy định “về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư công” là nội dung cần phải công khai, minh bạch trong đầu tư công quy định tại Khoản 1, Điều 14. Theo ĐB, hiện nay vấn đề lựa chọn nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư công còn nhiều hạn chế và tiêu cực. Một trong những nguyên nhân đó là chưa thực hiện đầy đủ nguyên tắc công khai, minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư. Điều này dẫn đến kết quả là chưa chọn được nhà đầu tư thực sự phù hợp nhất, có năng lực nhất để thực hiện hiệu quả dự án đầu tư.
Về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án có sử dụng nguồn vốn của nhiều cấp. Theo ĐB, Điều 17 dự thảo quy định trong trường hợp chương trình, dự án có sử dụng nguồn vốn của nhiều cấp chính quyền thì cấp cao nhất có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, đối với trường hợp sử dụng nguồn vốn của Trung ương và địa phương thì dự thảo chưa quy định do cấp nào quyết định chủ trương đầu tư. Do đó, ĐB đề nghị rà soát, bổ sung để đảm bảo đầy đủ.
VŨ HƯNG
Thông qua 2 nghị quyết quan trọng Chiều 12-11, với 96,7% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Nghị quyết nêu rõ: Áp dụng toàn bộ nội dung của Hiệp định CPTPP, trong đó áp dụng trực tiếp các quy định của Hiệp định CPTPP tại Phụ lục 2. Quốc hội giao Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao và các tổ chức, cơ quan có liên quan theo thẩm quyền tiến hành rà soát các dự án luật tại Phụ lục 3 và các văn bản pháp luật khác để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới kịp thời, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP. * Sáng 12-11, với 89,48% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Quốc hội quyết nghị điều chỉnh tăng tổng mức vốn nước ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 từ 300.000 tỷ đồng lên tối đa 360.000 tỷ đồng, đồng thời điều chỉnh giảm tương ứng vốn vay trong nước để đáp ứng yêu cầu giải ngân đối với những dự án sử dụng vốn nước ngoài. Điều chỉnh giảm nguồn vốn cho các dự án quan trọng quốc gia 10.000 tỷ đồng (từ 80.000 tỷ đồng xuống 70.000 tỷ đồng). |