Báo Công An Đà Nẵng

Đề nghị cho phép Đà Nẵng không tổ chức HĐND ở 11 xã

Thứ ba, 27/08/2013 10:30

(Cadn.com.vn) - Chiều 26-8, Đoàn Giám sát của UBTVQH do đồng chí Nguyễn Thị Nương, Ủy viên T.Ư Đảng, Ủy viên UBTVQH, Phó trưởng Ban Tổ chức T.Ư làm trưởng đoàn đã có cuộc làm việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng về tình hình thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường tại TP Đà Nẵng.

Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Trần Thọ, Phó Bí thư thường trực phụ trách Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP;  Văn Hữu Chiến, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; Huỳnh Nghĩa, UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH TP; Nguyễn Thanh Quang, UVBTV Thành ủy, Chủ tịch UBMTTQVN TP và đại diện lãnh đạo các sở, ngành, các địa phương liên quan. 

Báo cáo của đồng chí Văn Hữu Chiến tại buổi làm việc cho biết: TP Đà Nẵng là 1 trong 10 địa phương được chọn thí điểm thực hiện không tổ chức HĐND tại 7 quận, huyện và 45 phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội và Nghị quyết số 724/2009/NQ-UBTVQH12 của UBTVQH.

Đồng chí Nguyễn Thị Nương phát biểu tại buổi làm việc.

Qua hơn 4 năm tổ chức thực hiện cho thấy việc thí điểm không tổ chức HĐND đã đảm bảo quy định theo tiến độ, kế hoạch; công tác tổ chức bộ máy, hoạt động của chính quyền các cấp ổn định; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý vẫn thông suốt; việc bố trí, sắp xếp cán bộ sau khi thực hiện thí điểm được thực hiện kịp thời; đảm bảo các chế độ thỏa đáng trong sắp xếp; các kế hoạch phát triển KT-XH, kế hoạch đầu tư, xây dựng, dự toán, quyết toán ngân sách được thống nhất trong điều hành phân cấp. UBND các quận, huyện, phường vẫn hoạt động ổn định trong tình hình mới, quyền làm chủ của nhân dân cơ bản vẫn được duy trì, HĐND các xã vẫn hoạt động bình thường.

Qua thí điểm không tổ chức HĐND đã tạo được sự đồng thuận của cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân thành phố. Kết quả rõ nét nhất là đã giảm biên chế và bộ máy trung gian, giảm một phần chi phí hành chính. Tính chủ động của bộ máy chính quyền được nâng cao, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính được chú trọng, quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực vẫn tiếp tục duy trì tốt, KT-XH tại các địa phương tiếp tục phát triển, QP-AN được giữ vững.

Tuy nhiên, cũng qua thí điểm còn bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc như: Trung ương quy định bổ sung nhiều nhiệm vụ cho HĐND TP nhưng chưa có cơ chế và các quy định để cụ thể  hóa làm cơ sở cho việc thực hiện trong khi đó không bổ sung số lượng đại biểu (ĐB) HĐND. Thành viên các ban HĐND đa phần là ĐB kiêm nhiệm, khi triển khai các hoạt động, nhất là giám sát thì không đủ ĐB tham dự. Các tổ ĐB HĐND khi hoạt động ở cơ sở gặp khó khăn do số lượng ĐB ít, dễ xảy ra tình trạng công việc quá tải, ĐB chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo luật định, việc tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của nhân dân còn hạn chế...

Đồng chí Văn Hữu Chiến cũng kiến nghị với đoàn giám sát một số đề xuất như: Đề nghị Trung ương sớm tổng kết, đánh giá thật khách quan, khoa học mô hình này để có cơ sở sửa đổi Luật Tổ chức HĐND và UBND và thực hiện thống nhất trong toàn quốc; khi không còn mô hình HĐND thì nên đổi tên gọi UBND thành Ủy ban hành chính và đổi cơ chế lãnh đạo tập thể của UBND thành cơ chế thủ trưởng.

Đề nghị cơ cấu ít nhất 1 ĐB chuyên trách ở các tổ ĐB HĐND TP tại quận, huyện để nắm tình hình, thực hiện công tác giám sát tại địa phương, đề nghị bổ sung thêm 1 phó chủ tịch UBND ở những nơi thực hiện thí điểm bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND. Đề nghị cho phép TP Đà Nẵng không tổ chức HĐND tại 11 xã của H. Hòa Vang vì hiện nay tốc độ đô thị hóa cao và việc thực hiện xây dựng nông thôn mới đang phấn đấu sớm đạt mục tiêu.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Thọ cảm ơn Đoàn đã thực hiện việc giám sát tại TP Đà Nẵng và mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của Đoàn để TP Đà Nẵng tổ chức tốt hơn các hoạt động của UBND khi không còn mô hình HĐND.

Đồng chí Trần Thọ phát biểu tại buổi làm việc. 

Đồng chí Nguyễn Thị Nương đánh giá tốt những kết quả đạt được qua hơn 4 năm thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường của TP Đà Nẵng và công tác chuẩn bị chu đáo cho buổi làm việc của Đoàn giám sát. Đồng chí Nguyễn Thị Nương cho biết, trên cơ sở kết quả giám sát, Đoàn sẽ tổng hợp, tham mưu phục vụ Trung ương tổng kết, đánh giá, kết luận mô hình không tổ chức HĐND, làm cơ sở cho việc nghiên cứu, định hướng sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và sửa đổi Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 và thực hiện thống nhất 1 mô hình trong toàn quốc.

* Sáng cùng ngày, Đoàn giám sát của Quốc hội đã có buổi làm việc với P. Thạc Gián, Q. Thanh Khê-ĐN cũng về nội dung này. Đoàn đã lắng nghe, tiếp thu và trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến kết quả qua hơn 4 năm thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường.

K.Thanh - P.Kiếm