Báo Công An Đà Nẵng

VỤ ÁN TIÊU CỰC TRONG ĐẤU THẦU THUỐC TẠI SỞ Y TẾ GIA LAI:

Đề nghị hủy 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm

Thứ tư, 14/05/2014 11:11

(Cadn.com.vn) - Đây từng được xem là vụ án "điểm" không chỉ của Gia Lai mà còn của cả nước trong năm 2013, bởi trong vụ án này có đến 9 cán bộ, lãnh đạo chủ chốt của Sở Y tế Gia Lai bị tuyên án về các tội danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Thế nhưng mới đây, Chánh án TAND Tối cao quyết định kháng nghị hủy toàn bộ bản án hình sự phúc thẩm và sơ thẩm vì việc xét xử "chưa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật".

Báo Công an TP Đà Nẵng đã có nhiều bài viết về vụ án liên quan đến 9 cán bộ, lãnh đạo của Sở Y tế tỉnh Gia Lai "dính chàm" trong vụ tiêu cực trong đấu thầu thuốc tân dược tại Sở này. Cụ thể, từ năm 2008 đến 2010, trong quá trình đấu thầu và xét duyệt hồ sơ đăng ký dự thầu, tổ chuyên gia đấu thầu thuốc của Sở Y tế Gia Lai đã biến nhiều cơ số thuốc có nguồn gốc trong nước thành ngoài nước..., thông đồng với nhà thầu, xét thầu không đúng với hồ sơ mời thầu và tiêu chuẩn đánh giá được duyệt, xét thầu sai 16 mặt hàng thuốc, gây thiệt hại ngân sách Nhà nước hơn 8,59 tỷ đồng.

Sau khi điều tra rõ vụ án, TAND tỉnh Gia Lai đã xét xử, tuyên phạt án tù treo đối với nhóm bị cáo phạm tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", gồm: Phùng Xuân Quýnh (nguyên Giám đốc Sở Y tế) 18 tháng, Lê Khánh Lân (nguyên  cán bộ Phòng Kế hoạch- Tài vụ) 24 tháng, Nguyễn Công Nhân (nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế) 30 tháng. Đối với nhóm bị cáo phạm tội: "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", gồm: Đoàn Cường (nguyên Phó phòng Nghiệp vụ dược) 48 tháng tù giam, Phan Minh Hiếu (nguyên Phó phòng Nghiệp vụ Y) 45 tháng tù giam, Đặng Đức Châu (nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế) 39 tháng tù giam, Nguyễn Thị Kim Liên (Dược sĩ) 36 tháng tù giam, Rmah Plih (nguyên Trưởng phòng Kế hoạch-Tài vụ) 36 tháng tù treo, Bùi Ngọc Thư (nguyên Phó phòng Kế hoạch-Tài vụ) 36 tháng tù treo. Đến phiên tòa cấp phúc thẩm, HĐXX đã sửa bản án hình sự sơ thẩm giảm hình phạt cho bị cáo Đặng Đức Châu, đồng thời cho bị cáo Châu và bị cáo Nguyễn Thị Kim Liên được hưởng án treo.

9 bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm.

Song mới đây, TAND Tối cao đã có kháng nghị đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy toàn bộ Bản án hình sự phúc thẩm số 292/2013/HSPT ngày 23-8-2013 của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng và Bản án hình sự sơ thẩm số 26/2013/HSST ngày 26-4-2013 của TAND tỉnh Gia Lai. Theo đó, TAND Tối cao kháng nghị hủy 2 bản án nói trên về trách nhiệm hình sự, dân sự, án phí đối với 9 bị cáo nguyên là cán bộ, lãnh đạo Sở Y tế Gia Lai để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Theo kháng nghị của TAND Tối cao, HĐXX cấp sơ thẩm đã đánh giá không đúng tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội của các bị cáo, áp dụng không đúng quy định của pháp luật về chế định án treo, chưa thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật và chưa đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Bởi lẽ, hành vi của các bị cáo phạm vào tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại khoản 3 Điều 165 Bộ luật Hình sự có khung hình phạt từ 10-20 năm tù; tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại khoản 2 Điều 285 Bộ luật Hình sự có khung hình phạt từ 3-12 năm tù.

Riêng tòa án cấp phúc thẩm không phát hiện sai sót của cấp sơ thẩm để kiến nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm mà căn cứ việc bị cáo Đặng Đức Châu nộp thêm 350 triệu đồng; bị cáo Nguyễn Thị Kim Liên đang có thai và nộp thêm 100 triệu đồng là tình tiết mới để sửa bản án hình sự sơ thẩm giảm hình phạt cho bị cáo Châu và cho cả 2 bị cáo trên được hưởng án treo là áp dụng không đúng Bộ luật Hình sự về chế định án treo, không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và gây dư luận không tốt trong xã hội.

Bên cạnh đó, TAND Tối cao cũng chỉ rõ: các bị cáo Phan Minh Hiếu, Đoàn Cường, Đặng Đức Châu tham gia xét thầu 3 năm (từ 2008-2010), Nguyễn Công Nhân, Lê Khánh Lân tham gia xét thầu 2 năm (từ 2008-2009) nhưng tòa án các cấp không áp dụng tình tiết "Phạm tội nhiều lần" là thiếu sót. Đồng thời, bị cáo Phùng Xuân Quýnh kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm nhưng Tòa án cấp phúc thẩm không quyết định về phần dân sự đối với kháng cáo của bị cáo là sai lầm nghiêm trọng.

Bài, ảnh: Minh Tân