Báo Công An Đà Nẵng

Phiên họp thứ 35, Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Đề nghị làm rõ sự cần thiết của dự án sân bay Long Thành

Thứ sáu, 27/02/2015 11:03

(Cadn.com.vn) - Sáng 26-2, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 35, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp sáng 26-2.

Làm rõ một số nội dung dự án Long Thành

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và Hội trường về Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Để tiếp tục làm rõ thêm một số nội dung của Dự án, Ủy ban Kinh tế đã tổ chức Đoàn công tác khảo sát thực địa Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, sân bay quân sự Biên Hòa và địa điểm quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Đồng Nai; làm việc với Sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không – Không quân (đơn vị quản lý đất quốc phòng tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất và sân bay quân sự Biên Hòa), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, UBND tỉnh Đồng Nai và lắng nghe ý kiến chuyên gia...

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế về một số vấn đề lớn còn nhiều ý kiến về Dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành trình UBTVQH cho rằng việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là cần thiết. Việc đầu tư để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát, tính toán lại diện tích của Dự án xem có cần thiết sử dụng đến 5.000 ha đất không vì một phần lớn diện tích không liên quan trực tiếp đến Dự án là 2.250 ha, bao gồm 1.050 ha đất dành cho quốc phòng và 1.200 đất dành cho các hạng mục phụ trợ và đầu tư xây dựng khu công nghiệp hàng không.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến trong UBTVQH cơ bản nhất trí với những đánh giá và đề nghị của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Tuy nhiên, để đảm bảo đầy đủ cơ sở, thuyết phục Quốc hội, Dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành cần tập trung hoàn thiện, làm rõ hơn một số nội dung cụ thể.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị rà soát lại quy mô và dự báo hành khách để xác định mục đích xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành với vai trò trung chuyển. Đại biểu dẫn ý kiến chuyên gia cho rằng Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ khó phát huy được vai trò trung chuyển vì khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành đưa vào sử dụng chỉ có thể làm trung chuyển cho 3 nước là Indonesia, Philippines, Australia. Tuy nhiên 2 nước Indonesia, Philippines lại rất gần Long Thành nên khó có thể khai thác chức năng trung chuyển, như vậy, Cảng hàng không quốc tế Long Thành chỉ có thể trung chuyển cho Australia. Làm rõ nội dung này để khẳng định được sự cần thiết của Dự án - Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Về tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn, phân kỳ đầu tư, Chính phủ đã tiến hành rà soát lại đơn giá và mức đầu tư, qua rà soát cho thấy tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của Dự án là 5.236 triệu USD, giảm khoảng 2.601,6 triệu USD so với dự toán trình Quốc hội với cơ cấu vốn là: ODA 1.389,4 triệu USD (chiếm 26,53%), vốn ngân sách Nhà nước 578,3 triệu USD (chiếm 11,05%), vốn doanh nghiệp, cổ phần, PPP... 3.268,8 triệu USD (62,42%).

Thảo luận về nội dung này, một số ý kiến trong UBTVQH đề nghị tiếp tục rà soát, bảo đảm tính chính xác tổng vốn đầu tư của toàn bộ Dự án (3 giai đoạn), tránh phát sinh lớn chi phí đầu tư khi thực hiện; có phương án huy động vốn khả thi trên cơ sở cân đối ngân sách Nhà nước và vấn đề nợ công... Ngay trong việc giảm đơn giá và mức đầu tư của giai đoạn 1 cũng cần phải giải trình cụ thể nguyên nhân vì sao giảm đơn giá... Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý và một số ý kiến khác đề nghị báo cáo cần làm rõ hơn về cơ chế thu hồi vốn của Dự án...

Tại buổi làm việc, UBTVQH đã thảo luận và cho ý kiến cụ thể về các nội dung: bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, bảo đảm sinh kế cho người dân sau di dân; về chồng lấn vùng trời bay; hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án...

Đề nghị bỏ quy định về thưởng vượt thu

Chiều 26-2, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 35, UBTVQH thảo luận về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật ngân sách Nhà nước (sửa đổi).

Về những nội dung cụ thể như: Tên gọi của Luật, theo báo cáo của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, đa số ý kiến nhất trí giữ nguyên tên gọi là Luật ngân sách Nhà nước để bảo đảm sự ngắn gọn, cô đọng, kế thừa tên gọi từ trước đến nay và phù hợp với quy định về ngân sách Nhà nước trong Hiến pháp năm 2013.

Đối với vấn đề thưởng vượt thu, một số ý kiến đề nghị bỏ quy định về thưởng vượt thu đối với các khoản thu phân chia. Vấn đề này, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội và Cơ quan soạn thảo cho rằng cần bỏ quy định về thưởng vượt thu, như vậy sẽ tránh được tình trạng dự báo thu thấp để được thưởng vượt thu, không công bằng giữa các địa phương. Đồng thời tránh xảy ra trường hợp ngân sách trung ương hụt thu nhưng vẫn phải bố trí thưởng vượt thu cho các địa phương. Việc thu đúng, thu đủ theo quy định của pháp luật là trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền.

Đối với việc phân cấp quản lý ngân sách Nhà nước giữa trung ương và địa phương, các ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ về phân cấp nguồn thu ngân sách Nhà nước giữa trung ương và địa phương.

Tại phiên họp chiều nay, UBTVQH đã thảo luận về phương án phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012 – 2015. Theo Tờ trình của Chính phủ, sẽ dành 7.500 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012 – 2015 phân bổ cho một số dự án, công trình.

Qua thảo luận, UBTVQH nhất trí về phương án phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012 – 2015 và cho rằng cần ưu tiên, bố trí khoảng 2.000 tỷ đồng cho Chương trình kiên cố hóa trường lớp học; 800 tỷ đồng đối với Dự án Đường Trường Sơn Đông; giảm bớt một phần vốn phân bổ của Chương trình kiên cố hóa nhà công vụ cho giáo viên sang các dự án thủy lợi.

Thu Thủy – TTXVN