Đề nghị lấy ý kiến nhân dân đối với Bộ luật Dân sự (sửa đổi)
(Cadn.com.vn) - Sáng 27-10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).
Tờ trình dự án Luật do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày nêu rõ, Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) có tổng số 710 điều, được bố cục thành 6 phần, 29 chương. So với Bộ luật Dân sự năm 2005, dự thảo Bộ luật giữ nguyên 265 điều, sửa đổi 298 điều, bổ sung 174 điều, bãi bỏ 147 điều.
Cần thiết sửa đổi cơ bản, toàn diện Bộ luật Dân sự
Bộ luật Dân sự quy định về những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các quan hệ khác hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm của các chủ thể tham gia quan hệ.
* Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), cho ý kiến vào nhiệm kỳ của thẩm phán (Điều 69), đại biểu Đặng Công Lý (Bình Định) cho rằng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao là ngạch thẩm phán đặc biệt với những tiêu chuẩn, điều kiện để bổ nhiệm rất cao. Để đáp ứng được các tiêu chuẩn thì người được bổ nhiệm thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao phải trải qua một quá trình công tác lâu dài, trải nghiệm qua công tác cơ sở, có năng lực thực tiễn và uy tín của họ được thể hiện và ghi nhận qua vài chục năm công tác. Từ những phân tích trên, đại biểu đề nghị sửa Điều 69 như sau: Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao được bổ nhiệm không kỳ hạn cho đến khi nghỉ hưu. |
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban pháp luật cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi cơ bản, toàn diện Bộ luật Dân sự. Việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự không chỉ nhằm giải quyết những vấn đề vướng mắc, tồn tại, đáp ứng được các yêu cầu phát triển KT-XH mà điều quan trọng hơn là phải phản ánh, bảo vệ và phát huy được giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng Bộ luật Dân sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật liên quan đến các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại, góp phần bảo đảm tính ổn định, bền vững của các quan hệ xã hội trên cơ sở kế thừa, phát triển pháp luật dân sự Việt Nam.
Ủy ban pháp luật tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc lấy ý kiến nhân dân đối với Bộ luật này. Theo đó sau khi Quốc hội cho ý kiến về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội giao Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) trong khoảng thời gian từ tháng 1-2015 đến 3-2015.
Trên cơ sở kết quả tổng hợp ý kiến nhân dân, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án phối hợp với các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức liên quan tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Bộ luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.
Còn nhiều tranh luận về quyền công tố
Buổi chiều các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi). Trước thực tiễn thời gian qua với những vụ án oan, vi phạm các nguyên tắc tố tụng, chạy án, trong xét xử, hoạt động tố tụng... các đại biểu thể hiện sự quan tâm nhiều về chức năng thực hành quyền công tố và chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp (Điều 3, Điều 4 dự thảo mới) của ngành Kiểm sát.
Các đại biểu cũng kiến nghị về thời điểm bắt đầu thực hành quyền công tố sớm hơn với các thời điểm cụ thể khác nhau. Có ý kiến đề nghị thực hành quyền công tố ngay từ khi có hành vi tội phạm xảy ra hoặc từ khi cơ quan điều tra thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố.
Có ý kiến đề nghị từ khi khởi tố vụ án, hoặc áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với người bị tình nghi thực hiện tội phạm. Tuy nhiên, có đại biểu đề nghị Viện KSND chỉ thực hiện chức năng kiểm sát, không thực hành quyền công tố trong giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; theo đó không quy định Viện KSND có thẩm quyền trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Liên quan đến thẩm quyền của VKSND trong việc khởi tố và việc Viện KSND trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra trong giai đoạn điều tra, một số đại biểu Quốc hội đề nghị không quy định Viện KSND “quyết định việc khởi tố”, mà chỉ có quyền yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố, xác định phạm vi trong những trường hợp nào thì VKSND được tiến hành một số hoạt động điều tra để tránh chồng chéo với thẩm quyền của cơ quan điều tra.
Thu Thủy – TTXVN