Báo Công An Đà Nẵng

PHIÊN HỌP THỨ 25, ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI KHÓA XIII:

Đề nghị tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm

Thứ sáu, 21/02/2014 23:07

* Xem lại thẩm quyền định giá dịch vụ chuyên ngành hàng không

(Cadn.com.vn) - Sáng 21-2, tiếp tục phiên họp thứ 25 cho ý kiến về báo cáo đánh giá, rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/2012/QH13 ngày 21-11-2012 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm là việc mới, được nhân dân đánh giá cao.

Các thành viên UBTVQH khẳng định, nhân dân coi việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là một kênh đánh giá cán bộ, để nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cán bộ, hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước. Kết quả việc lấy phiếu tín nhiệm cũng đã phản ánh đúng tình hình đất nước.

Nhiều thành viên UBTVQH cũng cho rằng một số nội dung trong Nghị quyết 35/2012/QH13 còn nhiều ý kiến khác nhau, cần nghiên cứu, sửa đổi Nghị quyết 35 trên cơ sở đánh giá, tổng kết lần lấy phiếu tín nhiệm năm 2013. Nhiều ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí đề nghị kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII (tháng 5-2014) sẽ tạm dừng không lấy phiếu tín nhiệm, chờ đánh giá rút kinh nghiệm trong việc sửa Nghị quyết 35 để tiếp tục thực hiện.

Đề cập cụ thể vấn đề trên, trong thông cáo ngày 21-2 của UBTVQH viết: “Việc lấy phiếu tín nhiệm là sự thể chế hóa chủ trương của Đảng và quy định pháp luật, là bước tiến mới về dân chủ trong hoạt động của QH, HĐND; là hình thức giám sát quan trọng, có hiệu quả của cơ quan dân cử.

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII và kỳ họp Hội đồng nhân dân đầu năm 2013, lần đầu tiên QH, HĐND đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn đạt kết quả tốt, được cử tri, nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết trên và tổng hợp ý kiến của các cơ quan, địa phương, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn cũng còn gặp một số vấn đề hạn chế, vướng mắc.

Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35/2012/QH13 là cần thiết để tiếp tục hoàn thiện quy trình, thủ tục trong việc lấy phiếu tín nhiệm, nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, các quy định của pháp luật, đề cao quyền làm chủ của nhân dân thông qua việc thực hiện quyền giám sát của Quốc hội đối với những cán bộ chủ chốt của Đảng và Nhà nước.

UBTVQH nhất trí chủ trương và giao các cơ quan có liên quan nghiên cứu, chuẩn bị nội dung, tài liệu sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35/2012/QH13 trình UBTVQH cho ý kiến tại phiên họp tháng 4-2014 trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định”.

Sáng cùng ngày, UBTVQH đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Các thành viên UBTVQH đề nghị Cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát lại các quy định của dự án luật để bảo đảm tính hệ thống, phù hợp với quy định của các luật khác như luật về giá, năng lượng nguyên tử...

Về thẩm quyền quy định giá dịch vụ chuyên ngành Hàng không, dự án Luật giao Bộ Giao thông Vận tải quy định giá đối với giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh; điều hành bay đi, đến; hỗ trợ bảo đảm hoạt động bay; soi chiếu an ninh; giá phục vụ hành khách và giá dịch vụ công ích chuyên ngành hàng không khác.

Tuy nhiên, một số thành viên UBTVQH cho rằng với chức năng là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giá, Bộ Tài chính có vai trò quan trọng trong việc quyết định đối với một số giá các loại dịch vụ này, do đó cần quy định Bộ GTVT quyết định giá dịch vụ hàng không sau khi thống nhất với Bộ Tài chính.

Chiều cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật đầu tư công và dự án Luật Xây dựng (sửa đổi).

Thu Thủy – TTXVN