Đề nghị thủy điện Đắk Mi 4 sớm hỗ trợ thiệt hại cho người dân
Đã 5 tháng kể từ ngày thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ gây thiệt hại nặng nề cho hàng trăm hộ dân ở H. Nam Giang (Quảng Nam), nhưng đến nay chủ đầu tư là Cty Cổ phần thủy điện Đắk Mi vẫn chưa thống nhất số tiền hỗ trợ cho dân. Để đảm bảo quyền lợi cho người dân bị thiệt hại, mới đây UBND H. Nam Giang tiếp tục có buổi làm việc với chủ đầu tư thủy điện Đắk Mi 4. Tuy nhiên, cũng như những lần trước, thiệt hại của bà con lại bị chủ đầu tư "cân, đong, đo, đếm".
Nhà dân xã Cà Dy (H. Nam Giang) bị thiệt hại nặng sau khi thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ. |
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đăng Chương- Trưởng phòng NN-PTNT H. Nam Giang cho hay, việc xả lũ của Nhà máy thủy điện Đắk Mi 4 ngày 28-10-2020 với hơn 7.000m3/s gây ra thiệt hại cho gần 900 hộ dân tại địa phương. Nhiều hộ dân bị trôi toàn bộ nhà cửa, tài sản xe máy, ti-vi..., khiến họ phải đi ở ghép, không có đất sản xuất, cuộc sống rất khó khăn. Qua đó tổ công tác của huyện nhận rất nhiều thống kê từ người dân với tổng thiệt hại hơn 47 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi rà soát cũng như áp dụng hỗ trợ thiệt hại của người dân theo chỉ đạo của tỉnh Quảng Nam thì mức thiệt hại còn lại hơn 16 tỷ đồng. "Đến thời điểm này, huyện đã nhận 9 đơn kiến nghị của người dân cho rằng mức hỗ trợ như thế là quá thấp so với thiệt hại của dân", ông Chương nói.
Ông Phan Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thạnh Mỹ (H. Nam Giang) thông tin thêm, đây không phải là lần đầu tiên thủy điện xả lũ gây ảnh hưởng đến người dân. Năm 2017, trời đang nắng nhưng thủy điện Đắk Mi 4 bất ngờ xả lũ khiến người dân không kịp trở tay. Trận lũ gây thiệt hại nhiều trâu bò và ghe của người dân nhưng đến nay thủy điện vẫn chưa đền bù. "Trước kia chưa có thủy điện thì con sông là nguồn sống của người dân, giúp người dân làm ăn, mưu sinh. Nhưng giờ thủy điện xả lũ gây thiệt hại cho người dân đến 47 tỷ đồng, nhưng sau khi áp dụng mức hỗ trợ theo quy định cũng như sàng lọc kỹ càng thì còn hơn 16 tỷ đồng, thế mà chủ đầu tư nhà máy không hỗ trợ được cho dân thì cần phải xem xét lại. Họp thì quá nhiều rồi, giờ không nói đúng sai, nhưng hậu quả như thế cần kịp thời khắc phục cho người dân ổn định cuộc sống", ông Bình nhận xét.
Cũng tại buổi làm việc, ông Vũ Đức Khánh- Tổng giám đốc Cty Cổ phần thủy điện Đắk Mi 4 cho rằng, ông không có đủ thẩm quyền để quyết định hỗ trợ thiệt hại cho người dân, việc này cần phải báo cáo lên hội đồng cổ đông mới có quyền quyết định. Ông cho rằng, với mức hỗ trợ trên là quá cao. Với trách nhiệm của mình, ông Khánh cho biết sẽ kiến nghị hỗ trợ về thiệt hại cho người dân khoảng là 3,3 tỷ đồng.
"Đừng nói thủy điện vận hành đúng quy trình, thiệt hại vừa qua là do thiên tai bão lũ là không được. Đừng nói đúng quy trình bởi thủy điện quản lý lưu lượng nước trên các con sông đổ về và dự đoán được tình hình mà xả sớm để cắt lũ chứ không có chuyện một "túi nước" đổ ầm xuống nhà dân như vậy. Đã 5 tháng trôi qua nhưng các cấp thẩm quyền của thủy điện Đắk Mi vẫn chưa giải quyết cho người dân. Nay tôi đề nghị thủy điện Đắk Mi 4 phải có trách nhiệm, sớm có biện pháp để giải quyết cho người dân. Hiện còn nhiều hộ có nhà cửa bị cuốn trôi phải đi ở ghép với bà con rất bất tiện... Với mức đề xuất hỗ trợ của thủy điện Đắk Mi 4 như vậy là quá thấp. Thiệt hại của người dân rất lớn như thế mà lại đi cân, đo, đong, đếm như vậy không phù hợp", ông Lê Văn Hường- Bí thư Huyện ủy Nam Giang bức xúc nói.
Qua buổi làm việc, lãnh đạo UBND H. Nam Giang cũng cho rằng, việc thủy điện chậm hỗ trợ cho người dân khiến họ đã khổ nay càng thêm khổ hơn. Do đó, huyện đề nghị phía thủy điện khẩn trương hỗ trợ cho người dân trước ngày 15-4-2021 để họ sớm ổn định cuộc sống, tránh gây thêm bức xúc trong nhân dân.
B.B