Báo Công An Đà Nẵng

Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII:

Đề nghị xã hội hóa hoạt động khí tượng thủy văn

Thứ năm, 14/05/2015 08:58

(Cadn.com.vn) - Chiều 13-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật khí tượng thủy văn và Tờ trình của Chính phủ về Đề án điều chỉnh địa giới hành chính huyện, xã.

Thông qua các Tờ trình, Đề án của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao

Sáng 13-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XIII đã cho ý kiến và biểu quyết thông qua các Tờ trình, Đề án của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về các nội dung: Phê chuẩn bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn các đơn vị trong bộ máy làm việc của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; phê chuẩn danh sách ủy viên Ủy ban Kiểm sát của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; thành lập Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao; phê chuẩn danh sách Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; thành lập và giải thể Viện Kiểm sát quân sự quân khu và tương đương, Viện Kiểm sát quân sự khu vực; phê chuẩn bộ máy làm việc của Viện Kiểm sát quân sự các cấp; quy định về Kiểm tra viên Viện Kiểm sát nhân dân.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại phiên họp.

Dự thảo Luật khí tượng thủy văn gồm 11 Chương, 61 Điều. Tờ trình của Chính phủ khẳng định việc xây dựng và ban hành Luật khí tượng thủy văn là hoàn toàn cần thiết. Luật sẽ tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khí tượng thủy văn trong công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia. 

Qua thảo luận, đa số ý kiến trong UBTVQH đánh giá cao dự án Luật được chuẩn bị công phu, đầy đủ, cơ bản đúng với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nhất trí dự án Luật khí tượng thủy văn đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp 9. Điểm đáng chú ý trong dự án Luật là có quy định về xã hội hóa trong hoạt động khí tượng thủy văn.

Về nội dung này, nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu quy định cụ thể và rõ hơn nữa những nội dung này để bảo đảm tính khả thi của Luật, phát huy được mọi nguồn lực trong nước cũng như quốc tế góp phần hiện đại hóa, bảo đảm tính thống nhất, chính xác, kịp thời cho hoạt động khí tượng thủy văn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh và quốc phòng...

Cho ý kiến về Điều 4: Nguyên tắc hoạt động khí tượng thủy văn, trên cơ sở tán thành với 4 nội dung đã nêu trong dự thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị bổ sung thêm nội dung hoạt động khí tượng thủy văn phải phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, phòng chống thiên tai, đảm bảo an sinh xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn và nhiều ý kiến khác đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ về cơ chế chịu trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi dự báo sai, gây thiệt hại cho đời sống người dân. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa đề nghị cần bổ sung vào dự thảo Luật cơ chế để khuyến khích, quan tâm đối với cán bộ ngành...

Thời gian còn lại của phiên làm việc chiều 13-5, UBTVQH nghe các Tờ trình của Chính phủ về 5 Đề án: thành lập thị xã Duyên Hải và các phường thuộc thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh; thành lập thị xã Long Mỹ và 4 phường thuộc thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang; thành lập mới H. Phú Riềng thuộc tỉnh Bình Phước; thành lập thị xã Phổ Yên và 4 phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành lập P. Lương Sơn thuộc thị xã Sông Công và thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên; thành lập thị xã Giá Rai và 3 phường thuộc thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu.

UBTVQH cho ý kiến Tờ trình của Chính phủ về Đề án điều chỉnh địa giới hành chính huyện, xã để mở rộng địa giới hành chính thị xã Sầm Sơn, thị trấn Nông Cống thuộc H. Nông Cống, thị trấn Rừng Thông thuộc H. Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Thu Thủy – TTXVN