Báo Công An Đà Nẵng

Nhân kỷ niệm 63 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3-3-1959 - 3-3-2022):

Để ngư dân không vi phạm pháp luật, yên tâm vươn khơi bám biển

Thứ năm, 03/03/2022 13:16

Những năm qua, nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho ngư dân biển, các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã lãnh đạo, chỉ đạo và xem đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong việc tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật; từ đó, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, đánh bắt hải sản…

Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng tuyên truyền, hướng dẫn bà con ngư dân các quy định trước khi ra khơi đánh bắt trên biển.

Chấp hành nghiêm pháp luật, đoàn kết khi vươn khơi

Tính đến thời điểm này, TP Đà Nẵng có 1.241 tàu cá, trong đó, 596 tàu hoạt động khai thác hải sản vùng khơi. Số lượng tàu tương đối lớn, song Đà Nẵng là một trong số ít địa phương không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Có được kết quả đó phải nói đến sự nỗ lực của chính quyền địa phương và BĐBP trong thay đổi nhận thức và hành động của ngư dân chấp hành nghiêm pháp luật, phát triển kinh tế biển bền vững kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Điển hình, quận Sơn Trà là địa phương có lượng tàu đánh bắt hải sản lớn nhất thành phố với 1.102 phương tiện, trong đó có gần 500 tàu hoạt động vùng khơi. Nhằm mục đích tăng năng suất khai thác, đánh bắt thủy, hải sản của địa phương, đồng thời tăng cường mối đoàn kết, gắn bó, tương trợ của ngư dân trên biển, năm 2021, UBND quận Sơn Trà đã rà soát, ra quyết định công nhận thành lập 93 tổ tàu thuyền đoàn kết. Các tàu trong mỗi tổ cùng ngành nghề khai thác, có mối quan hệ chặt chẽ, vừa chia sẻ ngư trường, vừa hỗ trợ khi có thiên tai, biến cố trên biển.

Trong khi đó, các tổ tàu thuyền đoàn kết cũng là "đầu mối liên lạc" với các đài thông tin của BĐBP Đà Nẵng. Từ thông tin tàu cá, BĐBP luôn cập nhật diễn biến thời tiết, tàu bị nạn, hoặc tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển, đảo... Thượng tá Trần Doãn Toản, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sơn Trà cho hay, thông qua các tổ tàu thuyền đoàn kết, đơn vị đã tuyên truyền, vận động các chủ tàu thuyền chấp hành nghiêm các quy định khi đánh bắt trên biển; đồng thời, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Chúng tôi gặp thuyền trưởng tàu ĐN90758TS Nguyễn Văn Tiến (trú P. Nại Hiên Đông, Q. Sơn Trà) sau chuyến đánh bắt trở về âu thuyền Thọ Quang cuối tháng 2-2022 này. Anh Tiến cho biết, chuyến biển vừa rồi trúng lớn đàn cá, nên anh và các thuyền viên ai cũng phấn khởi, vui như mở cờ trong bụng. Là Tổ trưởng Tổ tàu thuyền đoàn kết Tiến Lên của P. Nại Hiên Đông, anh Tiến khẳng định tổ tàu thuyền đoàn kết hoạt động rất hiệu quả: "Không chỉ chia sẻ về ngư trường, anh em chúng tôi còn tương trợ cho nhau khi lao động trên biển. Các tàu cũng đã được lắp thiết bị giám sát hành trình, di chuyển thế nào thì cơ quan chức năng, BĐBP cũng nắm được. Vì vậy, ai cũng tự rút ra bài học cho bản thân, và nhắc nhớ nhau rằng, phải chấp hành tốt các quy định của pháp luật, và đoàn kết một lòng khi vươn khơi đánh bắt. Đặc biệt là sự rút kinh nghiệm từ những vụ việc của ngư dân tỉnh bạn khi vi phạm vùng biển nước ngoài...", anh Tiến nói.

Rất nhiều ngư dân khác chúng tôi gặp gỡ, chuyện trò ai cũng nhận thức rõ được ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân khi rời bến tiếp cận ngư trường đánh bắt. Kết quả này cũng chính nhờ các Đồn Biên phòng Sơn Trà, Phú Lộc, Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Đà Nẵng, BĐBP Đà Nẵng thường xuyên phối hợp với Hội Nông dân các cấp tuyên truyền cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng, thuyền viên nắm chắc các quy định về vùng khai thác cũng như các văn bản pháp luật liên quan đến việc khai thác, đánh bắt hải sản trên biển.

Hiệu quả thiết thực

Theo Đại tá Trần Công Thành, Thành ủy viên, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố, điểm nổi bật của công tác tuyên truyền PBGDPL là gắn nội dung tuyên truyền với từng nhóm đối tượng. Điều này phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương của từng ngành, cơ quan, đơn vị và thực sự hướng về cơ sở với các hình thức ngày càng phong phú, đa dạng.

Thống kê cho thấy, hiện địa bàn 17 phường thuộc khu vực biên giới biển thành phố Đà Nẵng đã thành lập, củng cố, kiện toàn và duy trì hoạt động hiệu quả của 33 câu lạc bộ pháp luật, 6 tổ tư vấn trợ giúp pháp lý. Một số địa phương đã thành lập các câu lạc bộ công tác xã hội và phòng chống tội phạm. Riêng BĐBP thành phố, đã thành lập Tổ báo cáo viên giáo dục quốc phòng - an ninh và tuyên truyền biển, đảo... Qua đó, phục vụ tốt nhu cầu cần tư vấn, giải đáp những vấn đề về pháp luật cho quần chúng nhân dân trên địa bàn, tạo hiệu ứng lan tỏa trong xã hội về hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật.

Các Đồn Biên phòng thực hiện công tác vận động quần chúng, tuần tra, kiểm soát tàu, thuyền ra vào; CBCS đơn vị thì tuyên truyền cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng, thuyền viên chấp hành tốt việc khai thác đánh bắt hải sản trên biển, không xâm phạm vùng biển nước ngoài. Riêng năm 2021, BĐBP thành phố đã phối hợp với chính quyền địa phương các phường biên giới biển tổ chức tuyên truyền được 115 buổi/11.250 lượt người nghe về các nội dung cơ bản của Luật Biển Việt Nam năm 2012; Nghị định 71/2015/CT-TTg và phát động phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới" theo Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 9-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ; đặc biệt là tuyên truyền về luật Biên phòng đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2022. Bên cạnh đó các đơn vị phối hợp tuyên truyền về chống "khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định" (IUU) được 25 buổi cho 10.768 lượt ngư dân, các chủ phương tiện, thuyền trưởng; tổ chức cho 80 chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm pháp luật trên biển và xâm phạm vùng biển nước ngoài khi khai thác hải sản.

Anh Nguyễn Văn Xuân, chủ tàu ĐNa 91070 (P. Nại Hiên Đông, Q. Sơn Trà chia sẻ: "Tàu chúng tôi thường xuyên đánh bắt xa bờ có khi kéo dài hằng tháng trời trên biển. Mỗi khi tàu về cập cảng cá Thọ Quang, tàu chúng tôi đều được cán bộ, chiến sĩ ở Trạm Kiểm soát Biên phòng Mân Quang, Đồn Biên phòng Sơn Trà phổ biến, tuyên truyền pháp luật rất kỹ càng. Các anh chỉ rõ trên bản đồ nơi nào ngư dân Việt Nam không được phép xâm phạm để đánh bắt hải sản. Ngoài ra, còn phát tờ rơi ghi khá đầy đủ những thông tin cần thiết để ngư dân tiện liên lạc mỗi khi gặp sự cố trên biển. Với sự hướng dẫn đó, chúng tôi đã hiểu được nhiều vấn đề về pháp luật trên biển".

Trung tá Trần Văn Tuynh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phú Lộc cho hay, những năm gần đây, đơn vị đã tích cực, chủ động phối hợp tốt với cấp ủy, các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương các phường tổ chức tốt việc tuyên truyền cho ngư dân, các chủ phương tiện, thuyền trưởng, thuyền viên khi tham gia đánh bắt hải sản trên biển. Bên cạnh đó, tổ chức cho ngư dân ký cam kết không vi phạm pháp luật khi làm ăn trên biển, không sử dụng những loại ngư lưới cụ bị cấm để đánh bắt hải sản, khi xuất lạch phải mang đủ giấy tờ...

Phải nói rằng, công tác tuyên truyền pháp luật cho nhân dân của BĐBP thành phố đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật và chấp hành pháp luật cho ngư dân và bà con nhân dân khu vực biên giới biển thành phố. Nhờ đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại khu vực biên giới biển được ổn định; quần chúng nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, vùng biển Tổ quốc.

Công Hạnh - Bá Vĩnh