Để người dân giám sát các dự án đầu tư công
(Cadn.com.vn) - Chiều 7-7, TP Đà Nẵng phối hợp với TP Seoul, Hàn Quốc tổ chức buổi tọa đàm “Hệ thống cung cấp thông tin dự án xây dựng công Allimi tại TP Đà Nẵng”. Phó Chủ tịch UBND TP Trần Văn Miên và ông In Seok Koh Trợ lý thị trưởng, Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng, hạ tầng thủ đô Seoul, Hàn Quốc chủ trì buổi tọa đàm.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Văn Miên mong muốn nhận được sự hỗ trợ, tư vấn từ chính quyền thủ đô Seoul trong việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý, công bố thông tin các dự án xây dựng công tại Đà Nẵng góp phần tăng cường tính hiệu quả, sự minh bạch cũng như sự tham gia giám sát, đóng góp của người dân trong lĩnh vực xây dựng công...
Các đại biểu TP Seoul và TP Đà Nẵng chụp ảnh lưu niệm tại buổi tọa đàm. |
Ông In Seok Koh cho biết, TP Seoul từng đối mặt với nhiều hệ lụy trong xây dựng như vụ sập cầu Seongsu năm 1994 làm 50 người thiệt mạng, sập Trung tâm thương mại Sampoong năm 1995 khiến 1.500 người thương vong... Vì vậy, chính quyền TP Seoul luôn nỗ lực ngăn chặn tình trạng thi công kém chất lượng trong ngành Xây dựng thông qua hệ thống xây dựng sạch chống tham nhũng bao gồm quản lý vận hành dự án xây dựng, hệ thống thanh toán tự động đối với nhà thầu phụ và hệ thống quản lý lực lượng lao động tại các công trình xây dựng và các dịch vụ phúc lợi, đặc biệt là hệ thống cung cấp thông tin xây dựng công khai cho người dân (Allimi).
Đà Nẵng là địa phương có nhiều điểm tương đồng với Seoul đều có dòng sông Hàn thơ mộng nằm giữa thành phố và có nhiều công trình đang xây dựng. Vì vậy, Đà Nẵng phải tăng cường tính minh bạch trong các dự án đầu tư công để giảm thiểu tham nhũng thông qua việc ban hành bộ tiêu chuẩn hóa các quy trình và báo cáo xây dựng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp không cần thiết giữa các bên có liên quan (nhà thầu, đơn vị giám sát và chủ đầu tư), cung cấp thông tin cập nhật, kịp thời để kiểm tra lẫn nhau...
Theo ông Nguyễn Văn Nam, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, Đà Nẵng là thành phố có tốc độ xây dựng, chỉnh trang đô thị nhanh, mục tiêu đến năm 2020 Đà Nẵng phải xây dựng được hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hoàn chỉnh, đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của thành phố và khu vực, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Vì vậy, hàng loạt dự án đã, đang và sẽ triển khai như: Đường bộ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Đà Nẵng – Cam Lộ (Quảng Trị); nâng cấp QL14 với 4 làn xe; nâng cấp đường Hồ Chí Minh đoạn qua Đà Nẵng; mở rộng 4 tuyến đường bộ vào thành phố và xây dựng các nút giao thông đi các tỉnh; xây dựng cảng mới Liên Chiểu với công suất 7 triệu tấn/năm, cảng Thọ Quang, nâng cấp cảng Tiên Sa; nâng cấp cảng Hàng không quốc tế; xây dựng ga đường sắt mới; hệ thống giao thông công cộng; hệ thống đê, kè biển, sông đảm bảo nâng cao năng lực phòng chống bão lũ; hệ thống cấp, thoát nước, xử lý nước thải; cây xanh đô thị;...
Trên cơ sở đó, ông Nam cho hay: “Việc triển khai hệ thống Allimi tại Đà Nẵng là cần thiết nhằm tích hợp tất cả các thông tin liên quan đến dự án đầu tư công bao gồm vị trí, quy mô dự án, hồ sơ thiết kế, dự toán được phê duyệt, kết quả đấu thầu, thông tin năng lực của đơn vị hoạt động xây dựng tại dự án, thông tin hợp đồng cho đến tiến độ dự kiến, tiến độ thực tế, tiến độ thanh toán dự án...”.
Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến cũng đề nghị muốn công khai thông tin cho người dân giám sát, Đà Nẵng phải sớm đầu tư hạ tầng CNTT, chuẩn bị xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu hỗ trợ quản lý đa chiều.
Xuân Đương