Báo Công An Đà Nẵng

Đệ nhất phu nhân - từ "sau cánh gà" ra "sân khấu"

Thứ sáu, 11/07/2014 11:57

(Cadn.com.vn) - "Đằng sau thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ". Vâng, trong nền chính trị cấp cao cũng vậy, theo truyền thống, các đệ nhất phu nhân luôn giữ vai trò đứng sau hỗ trợ và xây dựng hình ảnh cho các chính trị gia.

 Tuy nhiên, quyền lợi của phụ nữ tiến bộ trong những năm qua, một vài trường hợp ngoại lệ bắt đầu xuất hiện. Trong đó, đáng chú ý nhất là cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton của Mỹ; bà Bành Lệ Viện, phu nhân của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; hay phu nhân có tài ăn nói Akie Abe của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Và trong bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến lịch sử gần đây của Pháp và Nhật, hai quốc gia có cả những điểm tương đồng lẫn khác biệt về truyền thống xã hội khi nói đến vai trò của phụ nữ, và những vị đệ nhất phu nhân đang phá vỡ truyền thống này.

Sự độc lập của các phu nhân Pháp

Nền chính trị Pháp vẫn là thế giới của nam giới và cho đến những năm 1980, phụ nữ vẫn giữ vai trò truyền thống của một người vợ, người mẹ tận tụy. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một số phụ nữ có tư tưởng độc lập đã vượt ra khỏi mô hình truyền thống đó.

Đầu tiên phải kể đến bà Danielle Mitterrand, phu nhân ông Francois, chủ tịch Đảng xã hội Pháp giai đoạn 1981-1995. Là cựu chiến binh kháng chiến trong thời gian Đức chiếm đóng, bà Danielle cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp viện trợ nhân đạo cho những người bị áp bức trên toàn thế giới, với một tình cảm đặc biệt dành cho người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq.

Trung thành với niềm tin của mình, bà Danielle từng từ chối đi cùng chồng trên chuyến thăm nhà nước quan trọng tới Thổ Nhĩ Kỳ - mà theo quan điểm của bà là một trong những kẻ hành hạ người Kurd. Điều này buộc ông Francois phải đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ một mình.

Ít gây tranh cãi hơn bà Danielle, bà Bernadette Chirac là chính trị gia địa phương lâu năm khi chồng, ông Jacques thay thế ông Mitterrand trở thành Tổng thống Pháp năm 1995. Bà nổi tiến với sự thẳng thắn, không ngần ngại chỉ trích đối thủ chính trị của chồng.

Khi ông Nicolas Sarkozy thay thế ông Chirac, trở thành ông chủ điện Elysée, vợ ông, bà Cecilia trong một cuộc phỏng vấn năm 2006 tuyên bố, bà ghét vai trò của một đệ nhất phu nhân. Và đúng như vậy, ngay sau khi ông Sarkozy được bầu làm Tổng thống (2007-2012), bà Cecilia nhanh chóng ly hôn và rời khỏi Pháp đến New York sống.

1 năm sau, ông Sarkozy kết hôn với bà Carla Bruni, người mẫu kiêm ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng. Ông Sarkozy đã kết thúc nhiệm kỳ của mình với "danh hiệu" nhà lãnh đạo đương nhiệm đầu tiên của Pháp đã ly hôn, kết hôn, và có con trong khi đang giữ chức vụ cao nhất.

Sau ông Sarkozy, năm 2012, ông Francois Hollande làm nên lịch sử của riêng mình khi chuyển đến Điện Elysée với một "đối tác", bạn tình lâu năm Valerie Trierweiler. Tình trạng này khiến các quan chức ngoại giao đau đầu, bởi họ không biết có nên gọi bà Valerie là đệ nhất phu nhân hay không. Vấn đề sau đó được giải quyết khi bà Valerie chia tay ông Hollande vào đầu năm nay sau khi phát hiện tổng thống có quan hệ với một nữ diễn viên.

Bà Akie trong một lần tháp tùng chồng, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ra nước ngoài. Ảnh: Diplomat

Sự mạnh mẽ của đệ nhất phu nhân Nhật Bản

Dù là nền dân chủ hiện đại, vấn đề bình đẳng giới tại Nhật vẫn chưa được thực hiện tốt. Số lượng phụ nữ làm chính trị có thể tăng lên, nhưng chính phủ vẫn chủ yếu do nam giới nắm quyền, thể hiện rõ ở vụ bê bối gần đây liên quan đến một nữ nghị sĩ bị quấy rối với những lời lăng mạ phân biệt giới tại một phiên họp Quốc hội.

Trong bối cảnh này, phu nhân của các chính trị gia chủ yếu vẫn giới hạn ở vai trò hỗ trợ chồng. Cho đến khi ông Shinzo Abe đắc cử nhiệm kỳ thủ tướng thứ hai vào năm 2013, đệ nhất phu nhân Akie Abe mới quyết định phá vỡ truyền thống này, dù không đi quá xa để thực sự gây rắc rối cho chồng.

Để bắt đầu, người phụ nữ 52 tuổi này được nhìn thấy âu yếm nắm tay chồng tại một đất nước mà hành vi thân mật tại chốn công cộng vẫn là điều cấm kỵ. Nhưng động thái vừa nhận được sự ngưỡng mộ rộng rãi vừa bị chỉ trích là bà Akie công khai lên tiếng chống lại các chính sách bảo thủ và ưu tiên dành cho doanh nghiệp của chính phủ. Điều này khiến bà nhận được biệt danh "Đảng đối lập gia đình".

Cuộc tranh cãi đầu tiên xuất hiện khi bà công khai đặt câu hỏi về chính sách tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân và xuất khẩu công nghệ hạt nhân của Nhật ra nước ngoài. Hơn thế nữa, tại thời điểm khi Nhật đang bị lôi kéo vào các cuộc tranh cãi gay gắt với cả Trung Quốc và Hàn Quốc về tranh chấp lãnh thổ cũng như bị cáo buộc chối bỏ lịch sử, bà Akie tham dự các sự kiện được các quan chức và công dân của hai nước này tổ chức nhằm hàn gắn mối quan hệ. Nhiều nhà phê bình nghi ngờ, thủ tướng và đảng bảo thủ của ông có thể sử dụng sự phản đối của vợ mình nhằm xoa dịu sự hiếu chiến, vốn được gắn cho phe cánh hữu của ông.

An Bình
(Theo Diplomat)