Để những phiên tòa diễn ra an toàn
(Cadn.com.vn) - Những ai đã từng một lần đến chốn pháp đình thì chắc chắn sẽ không còn lạ lẫm với lực lượng mang sắc phục Công an nhân dân (CAND) luôn túc trực tại đây. Đó là những cán bộ chiến sĩ (CBCS) Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (CSTHA & HTTP) CATP Đà Nẵng.
Để có một phiên tòa diễn ra an toàn, lực lượng CSTHA & HTTP phải có một thời gian chuẩn bị nhất định, xây dựng kế hoạch bảo vệ, dự báo giả định các tình huống và đề ra phương án giải quyết cụ thể. Suốt quá trình phiên tòa diễn ra, lực lượng này có nhiệm vụ luôn giám sát chặt chẽ mọi hành vi của bị cáo, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, không để xảy ra hành vi gây rối, xúc phạm danh dự các thành viên Hội đồng xét xử (HĐXX) hoặc giữa các bị cáo, bị hại hành hung lẫn nhau. Những CBCS được phân công làm nhiệm vụ trong phiên tòa nào cũng bắt buộc phải có mặt trước khi phiên tòa diễn ra ít nhất 30 phút để kiểm tra kiểm soát chặt chẽ và hướng dẫn người được vào phòng xử án, nơi xét xử lưu động để dự phiên tòa theo đúng quy định. Khi kết thúc phiên tòa xét xử, CBCS chỉ được rời khỏi vị trí bảo vệ sau khi HĐXX, người tham dự phiên tòa, bộ phận áp giải, hộ tống đã ra khỏi khu vực xử án ít nhất 15 phút.
Nếu chỉ nghe, có thể có người cho rằng công việc ấy quá đơn giản, nhẹ nhàng tuy nhiên những người trong cuộc mới thấu hiểu họ luôn chịu áp lực rất lớn. Đại tá Trần Minh Quang- Trưởng phòng CSTHA & HTTP chia sẻ: Để làm tốt công tác bảo vệ an toàn cho mỗi phiên tòa đòi hỏi mỗi CBCS phải cố gắng hết mình, không ngừng trau dồi kỹ năng ứng xử, xử lý tình huống. Trước ngày 1-6-2016, CSTHA & HTTP chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ tại tòa, việc trích xuất, dẫn phạm ra tòa thuộc nhiệm vụ của Trại tạm giam Hòa Sơn. Sau khi có quy định mới, CSTHA & HTTP kiêm luôn vai trò trích, dẫn phạm và bảo vệ phiên tòa nên gặp không ít khó khăn bởi không trực tiếp quản lý phạm nên không hiểu được tâm tư, tính cách của bị can; vừa làm việc trước giờ hành chính vừa kiểm tra, giám sát chặt chẽ các điểm chốt, khu vực người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa... Tuy nhiên, với trách nhiệm được giao, thời gian qua CSTHA & HTTP CATP Đà Nẵng đã thực hiện tốt nhiệm vụ, không để xảy ra những tình huống “khó giải quyết”, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho những phiên tòa.
Lực lượng CSTHA & HTTP làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa lưu động. |
Kể về những áp lực trong khi thực thi nhiệm vụ, Trưởng phòng Trần Minh Quang nhớ lại, ngày 25-9-2016, TAND Đà Nẵng mở phiên tòa lưu động tại Hòa Vang xét xử bị cáo Võ Thành Tân (Hòa Vang, Đà Nẵng) về tội giết người với hàng ngàn người dự khán khiến CBCS của đơn vị khá vất vả. Biết đây là vụ án nghiêm trọng, lại được xét xử công khai tại nơi vụ án xảy ra nên sẽ có nhiều người tham dự nên ngay từ đầu CBCS CSTHA &HTTP đã có kế hoạch cụ thể, ngoài huy động toàn bộ nguồn nhân lực, đơn vị còn phối hợp thêm với lực lượng CA địa phương... Chính vì vậy, khi phiên tòa diễn ra, dẫu lượng người tham dự nhiều hơn dự kiến nhưng phiên tòa vẫn đảm bảo độ an toàn tuyệt đối.
Không ít trường hợp, khi nghe HĐXX tuyên án người thân của mình mức án chung thân hoặc tử hình, đã không kìm được cảm xúc nên có những hành động tiêu cực như lao đến vành móng ngựa, gào thét thậm chí chửi bới... Trước những tình huống như thế, các CBCS tham gia bảo vệ tại phiên tòa phải kịp thời trấn an tinh thần bị cáo cũng như người thân của họ, đồng thời cương quyết ngăn chặn không để cho họ có hành vi gây mất trật tự tại phiên tòa và khu vực xét xử. “Có những phiên tòa khi làm nhiệm vụ chúng tôi không thể kìm lòng. Đó là khi một người cha tóc bạc phơ nhìn con trai trong tuyệt vọng vì không biết còn có cơ hội để gặp lại con hay không. Là khi họ đứng cách nhau có một khoảng trống nhỏ nhưng vẫn không thể chạm lấy tay nhau... Song vì nội quy chúng tôi không thể làm khác. Những lúc như vậy chỉ có thể dùng tình cảm của một người con để động viên người cha, dùng tâm tư của một cán bộ để an ủi người lầm lỡ đứng dậy quay về nẻo thiện... Mọi tình huống cần phải được xử lý nghiêm theo quy định nhưng cũng phải có tình như vậy mới đạt kết quả tốt”, Thiếu úy Phan Lê Hoa chia sẻ.
Có thể nói, với nhiệm vụ đặc thù, CBCS CSTHA & HTTP CATP Đà Nẵng luôn phải đối mặt với mức độ rủi ro cao. Bởi lẽ, họ được phân công áp giải nên phải luôn theo sát phạm nhân, bị can, bị cáo trong khi đó, không ít bị cáo nhiễm HIV, mắc bệnh lây nhiễm, có thể gây ảnh hưởng đến cán bộ thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, để giữ an toàn cho một phiên tòa xét xử và các vấn đề liên quan, trong thời gian qua lực lượng CSTHA & HTTP không ngừng rèn luyện, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Trang Trần