Báo Công An Đà Nẵng

Đề phòng sạt lở núi sau bão số 6

Thứ ba, 12/11/2019 16:40

Với đặc thù là huyện miền núi, địa hình hiểm trở nhiều sông suối, đồi núi đá nên năm nào cũng xảy ra sạt lở núi vào mùa mưa bão. Bão số 6 vừa tan,  các huyện vùng cao Quảng Ngãi đã khẩn trương công tác ứng phó lũ, sạt lở đất, núi.

CAH Ba Tơ khắc phục một điểm sạt lở trên QL24.

Tại xã Ba Giang, H. Ba Tơ, chính quyền địa phương di dời 32 hộ dân, hơn 120 khẩu ở thôn Ba Nhà đến nơi an toàn. Đây là những hộ dân nằm dưới chân núi nguy cơ sạt lở đe dọa tính mạng người dân. Bà Trần Thị Thanh Thúy- Chủ tịch UBND xã Ba Giang (H. Ba Tơ) cho biết: "Hiện nay chính quyền địa phương đã bố trí các lực lượng đóng chốt các thôn, các vùng trọng yếu. Lương thực, phương tiện, vật tư, vật dụng luôn đảm bảo cần thiết từ 5 đến 7 ngày. Khi xảy ra sạt lở núi đoạn đường xung yếu thì bố trí 2 tổ công tác ở 2 điểm. Một điểm đoạn QL 24 và Ba Giang. Tổ còn lại khu vực trung tâm xã Ba Giang ứng trực chốt chặn đảm bảo an toàn khi sạt lở núi xảy ra tại 2 điểm". Theo bà Thúy, tuyến đường từ trung tâm huyện về xã Ba Giang thường xuyên bị sạt lở nặng, các phương tiện giao thông không thể qua lại. Tháng 3-2019, huyện đã đầu tư dự án khắc phục khẩn cấp với tổng kinh phí 10 tỷ đồng. Công trình đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng.

Tại xã Ba Dinh (H. Ba Tơ), ngoài một số điểm sạt lở đường còn có nhiều điểm nguy cơ sạt lở núi. Khu vực sạt lở núi ở thôn KaLa, xã Ba Dinh vùi lấp 3 nhà dân, làm nhiều người bị thương năm 2017 nhưng hiện nay vẫn còn nhiều nhà dân dưới chân núi vẫn chưa dời nhà đến khu tái định cư. Ông Phạm Văn Ôn- Chủ tịch UBND xã Ba Dinh cho hay: "Nếu thời tiết mưa liên tục thì dễ gây lở núi khu vực thôn KaLa. Do núi  cao, dốc lớn gần khu dân cư. Phương án của xã là khi mưa lớn kéo dài thì vận động đưa người dân khu vực dưới chân núi về khu tái định cư và trụ sở UBND xã để đảm bảo an toàn".

Chính quyền các xã vùng cao đang được yêu cầu rà soát, kiểm tra, cảnh báo đến các khu dân cư đang sống ở vùng trũng thấp, ven sông suối, hạ lưu các hồ đập, vùng có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét, đặc biệt các khu dân cư đang có diễn biến sạt lở biết thông tin để chủ động phòng tránh, tổ chức sơ tán dân để đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Tại huyện miền núi Sơn Tây, mưa lũ sạt lở khiến nhiều hộ đồng bào Ca Dong khẩn cấp di dời đi nơi khác trong ngày 10-11. Nhiều tuyến đường tại huyện này xảy ra sạt lở, gây tắc nghẽn giao thông cục bộ. Ông Đinh Quang Ven- Chủ tịch UBND H. Sơn Tây thông tin: "Hiện huyện đang khảo sát, túc trực ở những nơi có nguy cơ sạt lở cao để cảnh báo với người dân. Đồng thời huy động lực lượng khẩn trương khắc phục những điểm sạt lở để người dân đi lại".

Với đặc điểm là địa bàn đồi núi, sông suối, nhiều khu dân cư dưới triền núi nên có nguy cơ sạt lở đất đá, nhất là mưa kéo dài trong nhiều ngày. Do vậy việc chủ động phòng chống của các cơ quan chức năng, địa phương và nâng cao ý thức của người dân là hết sức quan trọng. Điều này góp phần đáng kể vào việc ổn định, đảm bảo an toàn cho cuộc sống, tính mạng, tài sản của người dân, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại sạt lở núi gây ra.

T.S