Báo Công An Đà Nẵng

Để rừng mãi xanh

Thứ tư, 30/05/2018 10:06

Mùa nắng đã đến đồng nghĩa với việc hàng chục ngàn héc-ta rừng trên địa bàn TP Đà Nẵng đứng trước nguy cơ làm mồi cho "giặc lửa". Trong những năm qua lực lượng Kiểm lâm TP Đà Nẵng đã nỗ lực hết mình để những cánh rừng mãi mãi tươi xanh, thực sự là lá phổi xanh...

   Lực lượng Kiểm lâm H. Hòa Vang kiểm tra phương tiện PCCC rừng. 

Đà Nẵng có 3 khu rừng đặc dụng là Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa và Khu bảo vệ cảnh quan Nam Hải Vân và 2 khu rừng phòng hộ đầu nguồn là Khu phòng hộ hồ Hòa Trung và Khu phòng hộ hồ Đồng Nghệ, với tổng diện tích lên đến 33.226 ha. Vì thế, việc quản lý, bảo vệ những cánh rừng này trước sự "xâm thực" của con người là vấn đề không dễ dàng. Đặc biệt là việc đối phó với "giặc lửa" khi nắng nóng miền Trung luôn tiềm ẩn nguy cơ cao về cháy nổ, chỉ một sơ suất nhỏ của du khách hoặc người dân sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Do vậy, ngoài việc kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ việc khai thác gỗ rừng tự nhiên, lực lượng Kiểm lâm phải thường xuyên tham mưu cho chính quyền chú trọng đến công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Ông Lê Mạnh Hùng-Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng, cho biết: Thực hiện các chương trình quốc gia về phát triển rừng, hằng năm các Ban quản lý rừng đã thực hiện giao, khoán bảo vệ rừng cho hộ dân địa phương từ 8.000 - 10.000 ha rừng, trồng mới rừng đặc dụng, phòng hộ từ 100-150 ha rừng, chăm sóc từ 250-300 ha rừng trồng đặc dụng, phòng hộ, gieo tạo 50.000 - 60.000 cây giống lâm nghiệp, làm giàu và khoanh nuôi từ 150 - 200 ha rừng tự nhiên và đã thu hút gần 300 hộ gia đình tham gia, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Hiện tại, đã giao hơn 10.000 ha đất lâm nghiệp cho các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình... Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm đã tham mưu chính quyền địa phương và ngành quản lý, phát triển hiệu quả quy hoạch 17.368 ha rừng và đất rừng sản xuất và thường xuyên phối hợp với Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy làm tốt công tác thanh, kiểm tra các địa phương, chủ rừng về an toàn trong phòng cháy, chữa cháy rừng.

Trả lời câu hỏi: Làm thế nào để không để xảy ra cháy rừng? Ông Lê Đình Thám-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H. Hòa Vang, cho biết: Đây là một quá trình lâu dài, đồng bộ từ chính quyền địa phương, lực lượng Kiểm lâm và chính quyền các địa phương. Cụ thể, chỉ đạo các chủ rừng, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch xây dựng phương án, củng cố các Ban chỉ huy, tổ đội tham gia PCCCR, thường xuyên tổ chức tuyên truyền trên đài truyền thanh, xe lưu động cho người dân hiểu rõ tác hại cũng như các biện pháp phòng cháy, chữa cháy. Buộc các chủ rừng phải ký cam kết với chính quyền địa phương và lực lượng Kiểm lâm không vi phạm về PCCCR... Ông Nguyễn Văn Truyền- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu, trao đổi: Chúng tôi thường xuyên tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện và có biện pháp xử lý các đối tượng xâm nhập trái phép vào rừng. Ngoài ra, khi phát hiện những dấu hiệu bất thường sẽ có biện pháp xử lý kịp thời... Nhờ vậy, trong năm 2017 đến nay không xảy ra vụ cháy rừng. Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài công việc PCCCR, lực lượng Kiểm lâm TP Đà Nẵng còn làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng. Mỗi năm, tổ chức từ 100 đến 200 lần kiểm tra, truy quét, đưa ra khỏi rừng hàng trăm người hoạt động khai thác lâm sản, săn bắt động vật rừng và đào đãi vàng trái phép, thu hủy nhiều loại công cụ, phương tiện của các đối tượng khai thác gỗ, săn bắt động vật, thu giữ hàng chục mét khối gỗ bị khai thác trái phép. Trung bình, mỗi năm lực lượng kiểm lâm thành phố xử lý từ 170 đến 200 vụ vi phạm lâm luật.

Qua đó đã  phạt tiền từ 450 - 500 triệu đồng/năm; tịch thu từ 350 - 400 m3 gỗ (quy tròn), thu thả lại rừng và chuyển giao trung tâm cứu hộ hàng ngàn cá thể động vật hoang dã bị bẫy, buôn bán trái phép, trong đó có nhiều loài nguy cấp, quý hiếm, như: tê tê, voọc chà vá, rùa nước ngọt, trăn, rắn hổ mang, chim hồng hoàng ... và đã chuyển cho CQĐT 26 vụ vi phạm về khai thác rừng, phá rừng để điều tra, xử lý. Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm đã thu nộp vào ngân sách 5 tỷ đồng tiền thuế tài nguyên và gần 20 tỷ đồng tiền xử phạt vi phạm hành chính và bán lâm sản, phương tiện tịch thu. Trong hoạt động bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên ngành thực hiện các điều tra chuyên đề về đa dạng sinh học, theo dõi, giám sát tài nguyên động, thực vật của địa phương; phối hợp với các tổ chức bảo tồn trong và ngoài nước thực hiện một số hành động khẩn cấp về bảo vệ các loài động vật hoang dã quý hiếm, đặc biệt đối với loài Voọc chà vá chân nâu tại Đà Nẵng...

Có thể nói, rừng của TP Đà Nẵng mãi xanh là nhờ vào sự tận tâm của những người làm công tác Kiểm lâm. Ngày qua ngày, họ gắn bó, gìn giữ và bảo tồn để rừng ngày một phát triển, phục vụ cho việc phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

M.T