Báo Công An Đà Nẵng

Để starup nhận được cái “gật đầu” từ các Quỹ đầu tư

Thứ ba, 27/11/2018 13:19

Ngày 26-11, tại Quảng Nam và Thừa Thiên Huế cùng diễn ra các hội thảo xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo địa phương và kiến nghị chính sách từ các tổ chức, cá nhân hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

Đại biểu tham quan các sản phẩm khởi nghiệp tại Quảng Nam.

Quảng Nam: Tăng tốc cho các hoạt động khởi nghiệp

Tại Quảng Nam, hội thảo có sự tham dự của ông Trần Văn Tùng – Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ, ông Trần Văn Tân – Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cùng hơn 200 đại biểu là các chuyên gia cố vấn, cá nhân, tổ chức khởi nghiệp. Đây cũng là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình “Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia – Techfest 2018” mà Quảng Nam là một trong những điểm đến của “Hành trình chuyến xe khởi nghiệp”.  Hội thảo đã tập trung thảo luận và đưa ra các giải pháp nhằm tăng tốc cho các hoạt động khởi nghiệp tại địa phương.

Chính thức khởi động vào quý I-2017, sau khi tham khảo các địa phương, UBND tỉnh Quảng Nam đã quyết định thành lập Tổ công tác hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh. Tính đến nay, Quảng Nam đã thành lập được 5 câu lạc bộ khởi nghiệp sáng tạo. Hàng loạt hoạt động được tổ chức khá phong phú, sôi nổi như các diễn đàn, giao lưu, tập huấn về kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin cho khởi nghiệp... cho các bạn trẻ, các doanh nghiệp khởi nghiệp. Cụ thể như diễn đàn “Doanh nghiệp Quảng Nam với cách mạng công nghiệp 4.0”; “Sinh viên Quảng Nam với khởi nghiệp sáng tạo”; “Phụ nữ Quảng Nam sáng tạo đồng hành cùng khởi nghiệp”... đã thu hút đông đảo cộng đồng doanh nghiệp hưởng ứng tích cực. Tuy nhiên bên cạnh những thành tích thì cũng có vô vàn khó khăn mà cụ thể là vấn đề đào tạo cho các startup mới ra đời.

Là Giám đốc Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng, ông Phạm Đức Nam Trung cho rằng Quảng Nam cần gắn liền khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với mục tiêu xây dựng thành phố thông minh. “Hai mục tiêu này ban đầu có vẻ không liên quan tuy nhiên nếu nhìn sâu hơn sẽ thấy chúng có sự tương tác qua lại. Nếu đô thị thông minh cần những giải pháp mới, đột phá thì đô thị khởi nghiệp cần những mô hình công ty khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ để truyền cảm hứng cho cộng đồng. Một trong những câu trả lời chung cho cả hai yêu cầu này đó là việc tạo điều kiện để giúp hình thành phát triển các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo nằm trong chính thành phố thông minh”, ông Trung cho biết. Ông Trung cũng khẳng định Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng sẽ cùng đồng hành với Quảng Nam trên con đường sắp đến, hứa hẹn chinh phục thành công tương lai cho các startup.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Trần Trí Dũng - Đại diện mạng lưới cố vấn khởi nghiệp VMI nhận xét rằng các startup Quảng Nam hiện nay rất cần có cố vấn trong quá trình hoạt động. Tuy nhiên các cá nhân khởi nghiệp không nên dựa dẫm, chờ đợi vào sự hỗ trợ của chuyên gia mà cần phải có sự chắt lọc, soi chiếu từ chính thất bại của bản thân mình từ đó mà có những hướng đi cụ thể nhất cho doanh nghiệp mình quản lý. Ông Dũng lấy ví dụ từ mô hình khởi nghiệp của 2 bạn trẻ tại Hà Nội đã bỏ công việc tại ngân hàng để bắt tay vào kinh doanh quán nem không chiên. Mô hình này đã phát triển rất nhanh chóng với sự ra đời của hàng loạt chi nhánh tuy nhiên sau đó thất bại. Sau khi thất bại, các bạn trẻ này đã tìm tới sự cố vấn của các chuyên gia và các chuyên gia đã chỉ cho họ thấy nguyên nhân của sự thất bại.

“Nhiệm vụ của chuyên gia đối với những trường hợp như thế này là lắng nghe và gợi mở để các bạn nhìn lại xem tại sao mình thành công và tại sao mình lại nhanh chóng thất bại. Sự thất bại có phải chăng đến từ việc các bạn đã quá tự tin khi mở rộng quy mô mà chưa tính toán đến việc quản lý như thế nào ra sao? Từ câu chuyện đó ta có thể thấy rõ mối quan hệ giữa startup và chuyên gia cố vấn rất quan trọng để doanh nghiệp khởi nghiệp luôn biết mình đang ở đâu, làm gì. Người cố vấn là người truyền cảm hứng và họ vừa là người thầy cũng đồng thời là một người bạn. Có rất nhiều cố vấn đã cùng đồng hành với doanh nghiệp khởi nghiệp thậm chí sau khi kết thúc các khóa học ươm tạo”, ông Dũng cho biết.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Trần Văn Tùng khẳng định khởi nghiệp sáng tạo là con đường rất dài, khó khăn của những người có đam mê, khát vọng và sự dấn thân nhằm tạo ra những giá trị kinh tế cho xã hội, cộng đồng. Qua hội thảo, ông Tùng mong muốn Quảng Nam sẽ nỗ lực hơn nữa, tìm kiếm những giải pháp mới về mặt con người, cơ chế để ươm mầm thế hệ doanh nhân mới, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Thừa Thiên Huế: Nguồn lực còn hạn chế

Ngày 26-11, tại Đại học Huế, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đại học Huế tổ chức Hội thảo “Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương và kiến nghị chính sách từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần”. Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia, các quỹ đầu tư, hơn 300 sinh viên Đại học Huế cùng 50 thanh niên, sinh viên ưu tú thuộc Đoàn hành trình “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” từ Hà Nội.

Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho biết, Việt Nam đang trở thành nơi hấp dẫn cho doanh nghiệp nước ngoài mở rộng vì các chương trình hỗ trợ, ưu đãi và tiềm năng của thị trường. Đề án 844 về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia được Chính phủ thông qua bao gồm Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (TECHFEST), Ngày đổi mới sáng tạo quốc gia. Thông qua những ngày hội này, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước được tiếp xúc thị trường quốc tế và có cơ hội tìm hiểu, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp với các nước bạn.

Tại Thừa Thiên-Huế, Đại học Huế đang đào tạo khoảng 43.000 sinh viên, nhân lực khoa học và công nghệ đứng thứ 3 toàn quốc với 5.872 người chiếm 7,27% nguồn lao động của tỉnh. Với sự hợp tác của các tổ chức khởi nghiệp lớn, uy tín, sau hơn 2 năm, vấn đề khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn được chú ý nhiều hơn, trở thành một làn sóng mới. Tuy nhiên, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh Thừa Thiên – Huế vẫn chưa tương xứng tiềm năng, thế mạnh địa phương và rời rạc. Nguyên nhân do nguồn lực đầu tư cho khởi nghiệp còn hạn chế, hơn 4.000 doanh nghiệp trên toàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, lẻ.

Bà Trần Thị Thùy Yên, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên-Huế kiến nghị, cần hỗ trợ ươm tạo và phát triển ý tưởng khởi nghiệp. Ngoài ra cũng cần có, hỗ trợ chế tạo thử sản phẩm, quảng bá, kết nối đầu tư thị trường và định hướng về khả năng phát triển ý tưởng, dự án khởi nghiệp...

Hiện nay, nước ta gặp nhiều khó khăn trong phát triển khởi nghiệp, đặc biệt là làm sao để các doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận và nhận được cái “gật đầu” từ các Quỹ đầu tư. Theo ông Nguyễn Tiến Trung - Chủ tịch Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư khởi nghiệp quốc gia, nguyên nhân khiến tỷ lệ gọi vốn thành công tại Việt Nam không cao là do sự vắng bóng các "nhà đầu tư thiên thần", chất lượng starup nước ta còn yếu... Ông Trung cho rằng, cần có ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân từ đầu tư cho các starup; hỗ trợ đào tạo, nâng cao nhận thức, thúc đẩy thành lập mạng lưới đầu tư thiên thần và cơ chế đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có sử dụng ngân sách nhà nước như đầu tư chung với quỹ mạo hiểm, thiên thần.

HÀ DUNG – H.L