Báo Công An Đà Nẵng

Đề thi mở phải hợp lý, có tính giáo dục

Thứ hai, 02/05/2016 09:28

(Cadn.com.vn) - Ra đề mở là cần thiết với yêu cầu đổi mới kiểm tra đánh giá hiện nay. Thế nhưng, một bộ phận giáo viên đang có sự ngộ nhận về xu hướng này khi chạy theo trào lưu gây sự chú ý thì nhiều, trong khi hiệu quả giáo dục lại không bao nhiêu...

Chạy theo trào lưu

Xu hướng ra đề mở dường như đang là trào lưu ở nhiều cơ sở giáo dục hiện nay với việc đưa câu chuyện thời sự, sự kiện nóng, tên tuổi người nổi tiếng... vào đề thi. Chỉ riêng trong đợt thi học kỳ 2 vừa qua có rất nhiều trường "ăn theo"  gây sự chú ý với câu hỏi về bộ phim Hàn Quốc "Hậu duệ của mặt trời" đang nổi đình nổi đám.

Đầu tiên phải kể đến đề thi Vật lý học kỳ 2 lớp 10 của Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (TPHCM) đưa cảnh trong phim "Hậu duệ của mặt trời" với câu hỏi như sau: "Trong tập 1 bộ phim "Hậu duệ của mặt trời", cảnh đại úy Yoo Shi Jin (do diễn viên Song Joong Ki thủ vai) hất điện thoại trên tay bác sĩ Kang Mo Yeon (do diễn viên Song Hye Kyo thủ vai) thật ấn tượng. Giả sử chiếc điện thoại nặng 150g được đại úy ném thẳng đứng lên cao với vận tốc 18 km/h từ vị trí cách mặt đất 1,5m. Chọn gốc thế năng ở mặt đất. a. Tính động năng, thế năng, cơ năng của điện thoại ở vị trí ném. b. Tính độ cao cực đại mà điện thoại lên đến. c. Ở độ cao nào thì có thế năng bằng một nửa động năng? Tính vận tốc lúc đó".

Cảnh trong bộ phim không liên quan đến yêu cầu chính của đề nhưng người ra đề vẫn khéo léo nhắc đến bộ phim đang làm mưa làm gió khắp Châu Á, đặc biệt là đánh giá cảnh phim "thật ấn tượng". Việc "lồng ghép" này không tác động trực tiếp đến nội dung đề thi, học sinh xem phim hay không cũng không ảnh hưởng đến việc làm bài. Việc đưa cảnh phim vào đề ở trường hợp này đơn thuần là tạo thêm sự vui vẻ, dí dỏm và nhẹ nhàng có thể xem như một sự sáng tạo của người ra đề ở mức chấp nhận được.

Tuy nhiên, nếu xét về góc độ giáo dục, nội dung đề thi ngoài mục đích kiểm tra kiến thức của học sinh còn có nhiệm vụ giáo dục, định hướng lối sống cho học sinh. Thế nhưng, cảnh hất điện thoại trong phim "Hậu duệ của mặt trời" sẽ giáo dục được gì cho học sinh? Đề kiểm tra cho rằng cảnh phim "thật ấn tượng", mà đã ấn tượng thì rất có thể học sinh sẽ học theo, làm theo. Thử tưởng tượng, ngoài đời thường mà học sinh hất điện thoại của người không quen biết theo như phim thì sẽ như thế nào?

Trong đề thi môn Văn học kỳ 2 lớp 12 của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Quảng Trị), nội dung liên quan bộ phim "Hậu duệ của Mặt trời" chiếm vị trí "đình đám" với 4 điểm. Đề trích dẫn một đoạn bình luận về bộ phim này xuất hiện trên Đài truyền hình Việt Nam, qua đó kiểm tra khả năng đọc hiểu, kỹ năng tiếp nhận, phân tích văn bản của học sinh. Học sinh bám vào văn bản trích dẫn để làm bài, không quan tâm đến việc các em có xem bộ phim hay không. Nhưng, một câu hỏi trong đề chiếm đến 50% điểm số của đề: "Với niềm cảm hứng được gợi lên từ bộ phim cùng những gì văn bản này thể hiện, hãy viết một đoạn văn (không quá 15 dòng) với chủ đề: Nếu tôi là đạo diễn...", thì lại đặt học sinh vào thế phải xem bộ phim. Mà bộ phim này dù "hot" nhưng không phải học sinh nào cũng xem. Sự bất hợp lý chính là ở chỗ đó. Còn nói về tính giáo dục lòng yêu nước từ đề thi này e rằng quá khiên cưỡng.

Cũng một trường học khác ở Quảng Trị, đề thi Văn cũng "tranh thủ" sử dụng bộ phim "Hậu duệ của Mặt trời" cho câu nghị luận, nhưng lại theo hướng nghiêm trọng hóa vấn đề từ một bộ phim. Đề thi yêu cầu học sinh trình bày ý kiến, chia sẻ của mình trong cuộc tranh luận giữa việc một bên khen "Hậu duệ của Mặt trời" là một bộ phim hay, có tính nhân văn sâu sắc và một bên cho rằng nếu tung hô bộ phim này là đang đánh mất lòng tự trọng dân tộc.

Nhiều người không khỏi băn khoăn không hiểu đề thi này được đặt ra kiểm tra kiến thức gì hay yêu cầu khả năng lập luận chủ đề gì ở học sinh? Yêu cầu của đề không có ý nghĩa, mục đích và cũng không tính giáo dục. Ngay cả người lớn, đề thi này cũng chưa hẳn vừa sức chứ đừng nói học sinh!

Đề thi văn học kỳ 2 của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Quảng Trị với câu hỏi về phim "Hậu duệ của mặt trời".

Phải có tính giáo dục

Ra đề mở sát với thực tế cuộc sống, tạo điều kiện tối đa cho học sinh thể hiện được quan điểm và tư duy phân tích thực tế, hình thành những kỹ năng cần thiết trong đời sống là đúng đắn, tích cực, được nhiều người ủng hộ. Tuy nhiên, qua đề thi của 3 trường nói trên cho thấy nhiều  người chưa có nhận thức đúng về xu hướng này. Họ cứ nghĩ rằng đưa câu chuyện thời sự, sự kiện nóng, tên tuổi người nổi tiếng... vào đề thi như thế là "mở", là đưa hơi thở cuộc sống vào mà quên mất yếu tố định hướng giáo dục, dẫn đến phản tác dụng.

Theo một chuyên gia giáo dục, đề thi gắn với thông tin thời sự là cả một vấn đề khoa học giáo dục, chứ không phải đơn giản là muốn làm thế nào cũng được. Mục đích của cách làm đề thi dạng này không phải chỉ để học sinh nắm được thông tin thời sự, mà phải hiểu vấn đề thời sự ấy như thế nào, biết vận dụng các kiến thức được học để giải thích vấn đề thời sự ấy, từ đó đánh giá được năng lực của người học chứ không phải chỉ nhằm mục đích gây sự chú ý hay làm cho một bộ phận giới trẻ thích thú.

Do vậy, khuyến khích ra đề theo xu hướng mở nhưng tránh chạy theo trào lưu, tùy tiện và cần xác định rõ mục đích của việc ra đề thi là kiểm tra kỹ năng, giúp học sinh thể hiện sự hiểu biết, sáng tạo, qua đó hình thành những kỹ năng cần thiết trong đời sống. Ra đề mở là cần thiết nhưng phải hợp lý và có tính giáo dục!

Thu Thủy