Báo Công An Đà Nẵng

Đề xuất áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn nhằm kiềm chế dịch bệnh

Thứ sáu, 30/07/2021 11:22

* Bắt đầu triển khai tiêm vaccine diện rộng 

Chiều 29-7, tại cuộc họp nhằm đánh giá lại tình hình, diễn biến của dịch bệnh COVID-19 sau 7 ngày áp dụng các biện pháp siết chặt kiểm soát, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng cho rằng, bên cạnh các kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, thì vẫn còn đó nhiều vấn đề đặt ra. Bên cạnh số ca nhiễm tăng nhanh, thì việc biến chủng của virus SARS-CoV-2 đã làm phát sinh nhiều ca mới trong cộng đồng, nguy cơ dịch bệnh bùng phát là rất cao. Vì vậy, đa số các đơn vị, địa phương đều thống nhất đề xuất Ban Chỉ đạo thực hiện một số biện pháp nghiêm ngặt hơn, trong đó có kiến nghị cấm người dân ra khỏi nhà từ 20 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau...

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng yêu cầu các địa phương chuẩn bị tinh thần, lực lượng để triển khai các biện pháp mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Cần biện pháp mạnh hơn

Tại cuộc họp, ông Phan Văn Sơn - Phó Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho biết, trong kỳ báo cáo (ngày 29-7-2021), Đà Nẵng ghi nhận 51 ca mắc mới COVID-19. Trong đó, có 28 ca đã được cách ly; 5 ca từ khu vực phong tỏa; 18 ca chưa được cách ly khi lấy mẫu xét nghiệm (có 5 ca có triệu chứng đến khám bệnh tại BV 199, BV Vinmec và BV Tâm Trí liên quan chuỗi N.B.K phát hiện tại Cảng cá Thọ Quang), 2 ca đến khám bệnh tại BV Thiện Nhân và TTYT Liên Chiểu, chưa rõ nguồn lây; 3 ca lấy mẫu hộ gia đình; 6 ca lấy mẫu tiểu thương chợ; 2 ca lấy mẫu khu vực dân cư nguy cơ cao. Cộng dồn từ ngày 10-7-2021 đến 14 giờ 30 ngày 29-7 là 565 ca.

Đánh giá tình hình, kết quả sau 7 ngày thực hiện Công văn số 4537 của UBND TP về “Bổ sung các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình hiện nay”, ông Sơn cho biết, bên cạnh một số kết quả quan trọng đã đạt được thì vẫn còn nhiều khó khăn, phức tạp. Nổi lên là số ca trong cộng đồng ghi nhận càng ngày càng nhiều, số ca mắc mới trong 7 ngày thực hiện Công văn 4537 là 189 ca, thấp hơn 7 ngày trước đó (288 ca), tuy nhiên, với 47/56 phường, xã có xuất hiện các ca F0 thì đối chiếu với Quyết định 2868 của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống dịch thì Đà Nẵng được đánh giá là có nguy cơ rất cao. 

Đảm bảo giãn cách trong quá trình tiêm vaccine là yêu cầu bắt buộc. 

Ngoài ra, mặc dù thực hiện giãn cách theo Công văn 4537, đặc biệt là đã xét nghiệm PCR cho 165 ngàn lượt người, gần 8 ngàn lượt người được test nhanh kháng nguyên, qua đó phát hiện 236 F0, cho thấy nguồn lây trong cộng đồng đang còn nhiều, diễn biến đang còn phức tạp, các ca bệnh phát sinh ở những nơi tập trung đông người như cảng cá, lò mổ, chợ, doanh nghiệp có số lượng công nhân đông..., cho thấy công tác phòng, chống dịch tại các nơi này còn nhiều bất cập, chưa được kiểm soát, kiểm tra chặt chẽ. 

Ngoài ra, vẫn còn một số loại hình kinh doanh không thiết yếu chưa thực hiện triệt để tạm dừng, người dân ra đường hôm sau đông hơn hôm trước, các chợ vẫn chưa được kiểm soát nghiêm ngặt, còn những hành vi tụ tập, ăn uống tại nhà, chưa thực hiện nghiêm nhà cách ly với nhà, đã có trường hợp làm phát sinh dịch bệnh… Nguyên nhân được cho là việc xử lý các hành vi vi phạm chưa mang tính răn đe, một số  bộ phận người dân vẫn còn chủ quan, lơ là; công tác phòng, chống dịch tại nhiều doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, mang tính đối phó, việc thực hiện “3 tại chỗ” trên thực tế vẫn còn ít doanh nghiệp đủ điều kiện thực hiện; tổ COVID cộng đồng tại một số nơi chưa hoạt động hiệu quả; công tác phối hợp xử lý tình huống giữa các cơ quan, địa phương còn lúng túng, chưa nhịp nhàng (đơn cử như tại cảng cá Thọ Quang), vẫn còn chức năng, nhiệm vụ “của anh, của tôi”…

Trước tình hình trên, trên cơ sở ý kiến của các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, lãnh đạo Văn phòng UBND TP đề xuất Ban Chỉ đạo thực hiện thêm các biện pháp mạnh mẽ, nghiêm ngặt hơn. Cụ thể, dừng, đóng cửa tất cả các hoạt động trên địa bàn trong vòng 14 ngày, kể cả các hoạt động đang cho phép là bán hàng mang về tại các cửa hàng ăn uống và hoạt động xây dựng cơ bản (trừ 4 hoạt động được phép tiếp tục: hoạt động của các chợ, siêu thị (áp dụng giãn cách 50% các quầy bán hàng thiết yếu), tăng cường quản lý thẻ đi chợ, quét mã QRCode, giãn, giảm tuyệt đối các quầy trong chợ; hoạt động công vụ, công sở Nhà nước với biện pháp 50% người làm việc, dừng tiếp nhận tại tổ 1 cửa tiếp công dân; doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ thiết yếu được hoạt động và hoạt động vận chuyển hàng hóa thiết yếu trong nội đô, vận chuyển hàng hóa thiết yếu ra và vào Đà Nẵng.

Đáng chú ý, đề xuất áp dụng biện pháp cách ly xã hội trên toàn TP, gia đình cách ly với gia đình, tổ dân phố, thôn cách ly với tổ dân phố, thôn; phường, xã cách ly với phường, xã; quận, huyện cách ly với quận, huyện. Yêu cầu mọi người dân ở nhà, trừ các trường hợp ra khỏi nhà để thực hiện 4 hoạt động được phép nêu trên. Giới nghiêm không ra khỏi nhà với toàn bộ người dân trên địa bàn TP từ 20 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau, trừ các lực lượng làm nhiệm vụ, đi cấp cứu, hỏa hoạn, thiên tai. Sau thời gian 14 ngày, nếu ổn ở khu vực nào thì cho mở dần các hoạt động đó…

Trước khi tiêm, nhân viên y tế sẽ khám, sàng lọc cho các đối tượng.

Trong buổi sáng 29-7, tất cả các mũi tiêm đều đảm bảo an toàn.

Sẵn sàng tinh thần, lực lượng

Tại cuộc họp, trên cơ sở ý kiến của các ngành, đơn vị, địa phương, nhất là tổng hợp của Văn phòng UBND TP, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, không chỉ riêng Đà Nẵng mà hiện nay, T.Ư Đảng, Chính phủ, Quốc hội đặc biệt quan tâm đến công tác phòng chống dịch với biện pháp quyết liệt hơn, cơ chế đột phá hơn. Về các biện pháp mà TP đang triển khai, nhất là nội dung Công văn 4537, ông Quảng khẳng định có tiêu chí cao hơn so với yêu cầu mà Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đề ra. 

Vấn đề theo ông Quảng, đó là nhiều đơn vị, địa phương vẫn còn nhận thức chưa đến nơi, đến chốn, dẫn đến lúng túng trong việc triển khai ở cấp cơ sở. “Từ nhận thức như vậy dẫn đến việc triển khai các biện pháp theo Công văn 4537 của TP chưa hiệu quả, việc xử phạt còn rất ít trong khi thực tế, người dân vi phạm rất nhiều. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện, biện pháp để triển khai còn hạn chế”, ông Quảng nhấn mạnh. Ông cho biết, trong tối 29-7, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ tổ chức cuộc họp mở rộng, trong đó có sự tham gia của Bí thư các quận ủy, huyện ủy, Thường trực HĐND, Bí thư Ban Cán sự Đảng UBND TP và một số sở ngành liên quan đến quyết định các biện pháp tiếp theo. Tinh thần là sẽ họp, sẽ thảo luận và quyết định các biện pháp mạnh hơn. Vì vậy, ông Quảng đề nghị các địa phương chuẩn bị tinh thần, lực lượng để triển khai khi quyết định được đưa ra.

* Sáng cùng ngày, Sở Y tế TP Đà Nẵng đã tổ chức tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho các đối tượng có nguy cơ cao, lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch và những người hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ thiết yếu. 

Được biết, vaccine phòng COVID-19 lần này là vaccine Moderna được Bộ Y tế phân bổ cho Đà Nẵng với 33.600 liều (tương đương với 2.400 lọ), được cấp 2 đợt để tiêm đủ 2 mũi cho cho 16.800 người. Các đối tượng được tiêm được quy định tại Quyết định số 3355/QĐ-BYT của Bộ Y tế, trong đó có người cung cấp dịch vụ thiết yếu như bưu chính viễn thông, xăng dầu, vận tải, dược phẩm; người làm nhiệm vụ thu gom vận chuyển rác thải trong khu cách ly, phong tỏa; người lao động các khu công nghiệp và các doanh nghiệp khác; người làm việc trong các cơ sở y tế… Thời gian tiêm mũi 1 bắt đầu từ ngày 29-7 đến ngày 5-8 và tiêm mũi 2 dự kiến vào ngày 28-8 đến ngày 6-9. Các địa điểm tổ chức tiêm gồm Cung thể thao Tiên Sơn, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Đà Nẵng.

DOÃN HÙNG