Báo Công An Đà Nẵng

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV:

Đề xuất cho phép lao động nữ lựa chọn tuổi nghỉ hưu

Thứ sáu, 10/11/2017 09:33

Ngày 9-11, Quốc hội thảo luận về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Tại đây, nhiều vấn đề liên quan đến chính xây dựng, thực thi chính sách đối với nữ giới được nhiều đại biểu tập trung thảo luận.

Tuổi nghỉ hưu của nữ giới là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Đại biểu Trương Minh Hoàng đánh giá, phụ nữ không chỉ là người chăm lo mái ấm gia đình mà còn cùng nam giới xây dựng, làm giàu cho đất nước, vì thế, phải có chiến lược cụ thể để nâng cao vai trò, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển. Đặc biệt, trong quy hoạch, đào tạo, các cơ quan chức năng cần đề bạt, cân nhắc, không nên tính đến độ tuổi để phụ nữ có cơ hội làm cán bộ chủ chốt ở độ tuổi như nam. “Nếu vẫn giữ độ tuổi nghỉ hưu chênh lệch giữa nam và nữ là 5 tuổi, cách tính lương, nâng quân hàm phải thay đổi để làm sao khi nghỉ hưu, hai giới bằng nhau. Ví dụ, nếu như nam chuyên viên chính 3 năm lên lương một lần, cấp hàm 3 năm lên một cấp thì nữ chỉ cần 2,5 năm. Như vậy, tới tuổi nghỉ hưu, nữ giới mới hưởng cuộc sống bằng nam giới được”, đại biểu Trương Minh Hoàng nêu vấn đề. Đồng quan điểm, đại biểu Châu Quỳnh Dao cho rằng, trong Bộ luật Lao động, tuổi nghỉ hưu của nam và nữ có sự khác biệt, dẫn đến hệ lụy là cơ hội được đề bạt, đào tạo, thăng tiến của nữ giới bị cản trở. Đại biểu đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, làm rõ hơn vấn đề này.

Chia sẻ với đại biểu Dao về việc quy định của pháp luật chưa tạo điều kiện, cơ hội cho phụ nữ muốn tiếp tục cống hiến, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng giải thích: Vấn đề này có tính lịch sử, bởi trước đây Bộ luật Lao động cho phép phụ nữ được nghỉ sớm hơn, chính vì vậy thời gian nghỉ hưu của nữ giới kéo dài hơn. Tuy nhiên, quy định này cũng dẫn đến nhiều bất cập. Để giải quyết hài hòa vấn đề, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị, Chính phủ sửa đổi Bộ luật Lao động trong đó quy định nam và nữ nghỉ hưu bằng tuổi nhau, nhưng phụ nữ được lựa chọn nghỉ hưu trước tuổi quy định (trong khoảng từ 55 – 60 tuổi).

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ: Quốc hội đề nghị Chính phủ sẽ tiếp thu và quan tâm hơn về các giải pháp tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bình đẳng giới, thực hiện lồng ghép giới trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và trong xây dựng pháp luật.

* Ngày 9-11, trả lời báo chí bên lề Kỳ họp thứ 4, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trong 3 ngày chất vấn sắp tới (16 đến 18-11), 5 thành viên Chính phủ gồm Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao sẽ đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

 THU THỦY – TTXVN