Báo Công An Đà Nẵng

Đề xuất điều động trực thăng cứu hộ và tiếp lương thực người dân bị chia cắt tại Phước Sơn

Thứ sáu, 30/10/2020 08:17

Sáng 30-10, Sở chỉ huy tiền phương thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn vụ sạt lở tại thôn 6, xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam tổ chức cuộc họp khẩn bàn các phương án tiếp cận hiện trường.

Ông Nguyễn Mạnh Hà yêu cầu lực lượng chức năng nhanh chóng triển khai kết hợp cứu hộ và tiếp tế lương thực cho người dân đang cạn kiệt lương thực

Trung tá Nguyễn Trung Kiên - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự H. Phước Sơn cho biết, đến thời điểm hiện tại để cơ động vào các vị trí tìm kiếm 8 người mất tích còn lại của xã Phước Lộc đang gặp rất nhiều khó khăn do đường sá sạt lở, sông suối ngập, nước lớn chảy xiết.

Cơ quan quân sự thông tin về các phương án tiếp cận hiện trường

Trong khi đó, vị trí 217 công nhân thủy điện Đắk Mi 2 hệ thống cầu bê tông, cầu sắt của công trình thủy điện này đã bị nước cuốn trôi. Do đó không thể cơ động để tiếp tế lương thực, thực phẩm. Để bắt đầu triển khai các nhiệm vụ, Trung tá Kiên đề xuất đóng Sở chỉ huy tiền phương tại xã Phước Công để tính phương án cắt rừng đi bộ mới có thể đảm bảo tính liên lạc, cắt rừng đi bộ đến các khu vực bị chia cắt. Phương án này cũng cần rất nhiều thời gian.

Người dân địa phương tìm kiếm những người mất tích

Trao đổi với phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Mạnh Hà – Trưởng ban Nội chính tỉnh ủy Quảng Nam, người trực tiếp chỉ huy công tác tìm kiếm, cứu hộ cho hay, đường sá bị chi cắt, sạt lở hàng nghìn điểm trên đường lên các xã vùng cao đã khiến các hoạt động triển khai gần như bị tê liệt. Điều lo lắng hiện nay không chỉ tìm kiếm những người mất tích mà còn là việc tiếp tế lương thực, thực phẩm cho các hộ dân tại các xã Phước Lộc, Phước Thành, Phước Kim. “Hàng chục hộ dân bị cuốn trôi nhà, người dân chỉ còn bộ đồ mặc trên người. Bằng mọi giá phải tiếp tế lương thực kịp thời vì lương thực tại dân đã cạn kiệt”, ông Hà cho hay.

Một góc công trình thủy điện Đắk Mi 2 bị cuốn phăng, hiện còn 217 công nhân đang bị cô lập

Về phương án tiếp cận hiện trường, ông Hà đề xuất nếu ngày hôm nay không thể triển khai các phương án tiếp cận đường bộ thì lực lượng quân đội cần thiết sử dụng máy bay để cứu hộ, cứu nạn, tiếp tế lương thực cho cả người dân cũng như hơn 200 công nhân thủy điện kết hợp trinh sát địa hình. “Trong điều kiện cấp thiết mà lực lượng mặt đất chưa thể tiếp cận, chúng tôi đề nghị dùng máy bay trực tăng tiếp cận. Tình hình hiện đang rất khó khăn. Lương thực trong dân đang cạn kiệt dần”, ông Hà trao đổi.

Công Khanh