Báo Công An Đà Nẵng

Đề xuất xây dựng đập ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ kết hợp mở rộng cầu Hòa Xuân

Thứ năm, 12/11/2020 08:53

Ngày 11-11, Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) chính thức có Công văn số 877/CTCN-KHĐT trình Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng về việc đề xuất bổ sung công trình ngăn mặn vào Quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Có thể coi đây là bước tính toán lâu dài không chỉ riêng Dawaco, mà của cả Đà Nẵng về giải pháp ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Cầu Đỏ, đảm bảo nguồn nước thô phục vụ các nhà máy cấp nước trên địa bàn thành phố.

Phối cảnh công trình ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ kết hợp mở rộng cầu Hòa Xuân.

Công văn do Phó Tổng Giám đốc Dawaco Hồ Minh Nam ký ngày 11- 11 nêu rõ: Để đảm bảo nguồn cấp nước thô an toàn và bền vững cho hệ thống cấp nước thành phố, đáp ứng nhu cầu dùng nước của người dân theo quy hoạch cấp nước thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, Dawaco đã có Công văn số 691/CTCN-KHĐT ngày 31-7-2019 gởi Sở Xây dựng Đà Nẵng về việc báo cáo phương án đảm bảo nguồn cấp nước thô cho thành phố theo yêu cầu tại Văn bản 5610/SXDHTKT ngày 23/7/2019. Đồng thời, tại buổi làm việc kiểm tra công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão lũ mới đây tại các tỉnh miền Trung, Thủ tướng Chính phủ cũng đã lưu ý đến công tác đảm bảo an ninh nguồn nước ngay trong mùa khô hạn đối với các đô thị, vùng dân cư lớn ở hạ lưu các sông miền Trung. Đơn cử tình trạng nhiễm mặn đáng báo động tại khu vực Nhà máy nước Cầu Đỏ gây thiếu hụt trầm trọng nguồn nước ngọt sinh hoạt, sản xuất cho người dân Đà Nẵng thời gian qua, do vậy phải thấy vấn đề đó để tính đập ngăn mặn cần thiết như thế nào trong quy hoạch chung TP Đà Nẵng.

Theo Quy hoạch cấp nước thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, thì tổng nhu cầu cấp nước đô thị và nông thôn của thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 là 462.000m3 /ngày, đến năm 2030 là 832.000m3 /ngày. Khi đó, công suất của các nhà máy sản xuất nước được quy hoạch như sau: NMN Cầu Đỏ từ 290.000m3 /ngày năm 2020 nâng lên 530.000m3 /ngày năm 2030. Nhà máy nước sân bay vẫn duy trì công suất 30.000m3 /ngày. Với quy hoạch cấp nước như trên, để đảm bảo đủ nguồn cấp nước cho thành phố, dự kiến nhu cầu nguồn nước thô cấp cho các nhà máy nước năm 2020 là: 320.000 x 1,1 = 352.000 m3 / ngày (tương đương 4,07 m3 /s). Đến năm 2030 sẽ là: 560.000 x 1,1 = 616.000 m3 /ngày (tương đương 7,13 m3 /s).

Tại Quyết định số 4256/QĐ-UBND ngày 3/8/2017 về việc phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình: Mở rộng cầu Hòa Xuân và đường dẫn đầu cầu, UBND thành phố Đà Nẵng đã thống nhất xây dựng mở rộng cầu Hòa Xuân tại vị trí cách cửa thu nước NMN Cầu Đỏ khoảng 4.500m về phía hạ lưu. Để đảm bảo nguồn cấp nước thô ổn định cho Đà Nẵng đồng thời tiết kiệm chi phí đầu tư chung cho Nhà nước, Dawaco đề xuất phương án xây dựng công trình ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ kết hợp mở rộng cầu Hòa Xuân cách cửa thu nước Cầu Đỏ khoảng 4.500m (Hạ lưu NMN Cầu Đỏ).

Công trình với các hạng mục đầu tư chính bao gồm: Xây dựng công trình ngăn mặn kết hợp cầu giao thông rộng 12,75 m với 7 nhịp, mỗi nhịp dài 42m (tổng chiều dài:7 x 42m = 294 m), tải trọng HL 93 và làm âu thuyền bên bờ phải để đảm bảo giao thông đường thủy. Theo phương án này, lòng sông rộng khoảng 200m, cao độ đáy sông sâu nhất khoảng - 7,0m; chiều cao cửa van điều tiết mức nước là 8,0m. Không phải đầu tư tuyến ống chuyển dẫn nước thô từ công trình ngăn mặn về NMN Cầu Đỏ. Tổng vốn đầu tư xây dựng dự kiến khoảng 410 tỷ đồng.

Lãnh đạo Dawaco khẳng định: Với phương án xây dựng công trình ngăn mặn kết hợp cầu giao thông thì ngoài chi phí đầu tư thấp, vận hành thuận lợi, tiết kiệm ngân sách Nhà nước, công trình còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội to lớn. Lớn nhất là tạo vùng ngọt hóa sẽ rộng hơn. Chất lượng nước cấp sau xử lý tốt hơn, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước cũng như góp phần phát triển các dịch vụ khác như: du lịch, chế biến, sản xuất công nghiệp (ẩm thực, sản xuất rượu bia, chế biến thực phẩm, chế biến thủy hải sản, da giày, dệt may…). Đặc biệt, thành phố sẽ chủ động phát triển nguồn cấp nước theo tốc độ phát triển đô thị trong từng giai đoạn cụ thể theo thực tế. Giảm khí phát thải nhà kính, bảo vệ môi trường do không phải vận hành các trạm bơm nước thô cấp nước cho các nhà máy. Ngoài ra, dự án sẽ giúp ổn định nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp của huyện Hòa Vang nhất là các xã dọc theo sông Cầu Đỏ - Cẩm Lệ về hướng thượng lưu sông.

Công văn nhấn mạnh: Trên cơ sở đánh giá về vị trí, phương án đầu tư, vận hành. Dawaco kính đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng xem xét và có ý kiến thống nhất về phương án đảm bảo nguồn cấp nước thô cho thành phố Đà Nẵng bằng giải pháp xây dựng công trình này, đồng thời đề nghị UBND thành phố xem xét có ý kiến để bổ sung vào Quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 công trình ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ tại vị trí cầu Hòa Xuân mở rộng.

Trong bối cảnh hệ lụy biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, tình trạng xâm nhập mặn diễn ra gay gắt gây nguy cơ mất an toàn an ninh nguồn nước ngọt ở các đô thị lớn như Đà Nẵng những năm qua, đề xuất xây dựng công trình đập ngăn mặn kết hợp mở rộng cầu Hòa Xuân là bước đi quyết liệt, có tính toán sự phát triển bền vững về lâu dài cần được ngành chức năng tổ chức xem xét, đánh giá cụ thể để có thể sớm triển khai, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân như tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII đề ra.

V.K