Đêm Đà Nẵng
Ấn tượng đầu tiên với du khách là những chiếc thuyền xuôi ngược trên sông Hàn với ánh điện giăng mắc tựa như muôn vàn ngôi sao trên trời đang sà xuống. Ngồi trên khoang thuyền, quan khách được nhìn thấy đêm Đà Nẵng từ hình ảnh của những chiếc cầu bắc qua sông. Gần nhất là cầu Tiên Sơn khiêm tốn nhưng mạnh mẽ như nàng út trong truyện cổ tích khi gồng mình chịu đựng từng đoàn xe lưu thông mang trọng tải lớn. Từ 20 giờ trở đi, chiếc cầu rộn rã hơn với hàng nối dài xe tải, container ra cảng nhận, chuyển hàng; để khi thành phố về khuya, những chiếc xe đầy ăm ắp từ đây túa đi khắp các ngả. Dòng sông Hàn đến đoạn giữa thành phố, chần chừ không muốn xuôi về biển để tận hưởng hết vẻ đẹp của những cây cầu văng mà mỗi cây là một diện mạo khác nhau. Cầu Trần Thị Lý thanh mảnh nghiêng nghiêng soi gương mặt sông chải tóc, mang dáng hình của cánh buồm vươn ra biển lớn, tượng trưng cho khát vọng hòa nhập và vươn lên của người dân thành phố. Cầu Nguyễn Văn Trỗi dành cho người đi bộ ngắm cảnh và chụp hình lưu niệm có hình dáng cổ kính với mái vòm cong cong màu vàng như ánh nắng dịu nhẹ của mùa xuân. Cầu Rồng đẹp lộng lẫy hơn vào đêm thứ bảy, chủ nhật, du khách tấp nập hồi hộp chờ đợi giờ phút Rồng phun nước, phun lửa. Hình dáng Rồng bay qua sông vươn ra biển với kết cấu dầm thép hiện đại khiến cho chiếc cầu trở thành điểm thu hút cho Đà Nẵng vào đêm. Khách du lịch tứ phương đến tham quan, chỉ muốn được lưu trú ở những khách sạn bên Sơn Trà để vừa thuận tiện ngắm cầu Rồng phun lửa trong những đêm cuối tuần, xem cầu sông Hàn quay lúc nửa đêm, vừa tranh thủ sáng sớm chạy ùa ra biển nhìn mặt trời giỡn sóng. Đặc biệt, hằng đêm vào khoảng từ 23 giờ đến 0 giờ phần giữa của cầu sông Hàn quay 90 độ quanh trục và nằm dọc theo hướng chảy của dòng sông, mở đường cho tàu lớn đi qua. Thức khuya để ngắm thành phố yên ắng tiếng xe cộ và lặng nhìn chiếc cầu quay mới thấy hết nét đẹp của đêm Đà Nẵng.
Mới đây thôi, con đường ven sông hướng bờ đông còn san sát những dãy nhà chồ, muốn qua bên kia sông để ngắm nhìn phố xá lung linh ánh điện, người xe tấp nập; người dân An Hải phải ngược qua cầu Nguyễn Văn Trỗi cả chục cây số, nếu không phải chờ phà hay thuê đò ngang. Còn hôm nay, bạn có thể dạo xe thỏa mái trên những chiếc cầu, những con đường tấp nập mà chỉ mất có vài ba phút. Dòng sông Hàn trước khi xuôi ra biển tại cửa vịnh Đà Nẵng hội ngộ cùng chiếc cầu treo dây văng dài nhất Việt Nam bắc ngang cơ thể mình. Cầu Thuận Phước trông xa như một chiếc võng dệt bằng kim tuyến mắc giữa hai dãy ngân hà. Nhắc đến tên nó, ta hình dung lại những màn pháo hoa rực rỡ sắc màu báo hiệu một Đà Nẵng với giấc mơ “hóa rồng” trong niềm giao lưu cùng bè bạn năm châu. Hai năm nay vì COVID-19 hoành hành, lễ hội đáng nhớ ấy tạm ngừng nhưng đây sẽ là khoảng thời gian vàng để ngành du lịch chậm lại mà suy nghĩ, định hướng hoạt động tiếp theo, có những đột phá hơn để quảng bá hình ảnh sông Hàn cho du khách. Thiết nghĩ, cần đầu tư những đoàn thuyền trên sông từ việc đảm bảo an toàn đến khâu trang trí, tổ chức các hoạt động nghệ thuật, dịch vụ ăn uống phù hợp… để khách du lịch có những đêm thưởng thức vẻ đẹp khác lạ của Hàn giang xuôi theo chiều từ ngã ba sông ra cửa biển.
Riêng với tôi, một người dân rất gắn bó với thành phố, ấn tượng trong thời khắc về đêm không chỉ là ngắm nhìn những chiếc cầu lấp lánh ở mặt đất mà còn dõi mắt nhìn bầu trời Đà Nẵng, nơi những chiếc máy bay như những ngôi sao nhấp nháy đang trôi thật nhanh. Khi màn đêm buông xuống, ngồi bên bờ đông sông Hàn; khúc ngã ba sông hợp lưu dòng chảy của sông Cái (hạ lưu sông Vĩnh Điện), nghe làn gió thổi từ sông, tâm hồn thấy thư thái lạ; dường như mọi bận rộn, lo toan đời thường đã lùi lại sau lưng. Trong cái tĩnh lặng của đoạn đường này, chúng tôi ngắm nhìn những đốm sáng trên thân những chiếc máy bay hạ và cất cánh từ sân bay Đà Nẵng. Có lần, nhóm bạn thân sang ngồi chơi từng độ nhau, hễ một chiếc máy bay hạ cánh sẽ “dô” một cốc bia. Chẳng ngờ, tần suất bay dày đặc, người không chỉ say bia mà còn say vì đếm máy bay hạ cánh. Thật vậy, đến sân bay thành phố trong những ngày đầu tháng 5 này, ta mới thấy hết sự rộn rã trong bước chân của tiếp viên và du khách. Chỉ cần bạn nán lại nơi đây chỉ vài mươi phút là đã thấy cả chục chuyến bay trả khách. Người người đến Đà Nẵng công tác và du lịch xếp hàng, nối nhau qua cổng trong những chiếc va-ly đủ kích cỡ, sau đó nhanh chóng lên taxi tỏa về các khách sạn. Thành phố du lịch đã thực sự khởi sắc sau những đêm dài dịch dã, lòng người lâng lâng chào đón ngày mới tràn đầy niềm tin và hy vọng.
NGUYỄN THỊ THU THỦY