Báo Công An Đà Nẵng

Đêm trắng ở cảng cá Thọ Quang

Thứ bảy, 09/01/2016 11:05

(Cadn.com.vn) - Đêm, cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng) như một bức tranh nhiều sắc màu về cuộc sống những người mưu sinh bằng nghề cá và cả những người đứng trên “đầu sóng ngọn gió” mỗi khi vươn khơi bám biển đầy gian khổ.

Nhọc nhằn mưu sinh

12 giờ đêm, không gian tĩnh mịch ở cảng cá Thọ Quang như bị xé toạc bởi tiếng còi tàu cập bến, những bước chân hối hả và cả tiếng trả giá giữa tiểu thương với ngư dân. Cuộc sống mưu sinh nơi đây bắt đầu như thế…Nhiều phương tiện, ô tô, xe máy, xe đẩy, từng đoàn tấp nập ngã giá mua bán rồi hối hả đưa cá đến các chợ để kịp phiên chợ sớm. Chúng tôi chen vào dòng người mua bắt chuyện với chị Lê Thị Phơn (trú P. Nại Hiên Đông, Q. Sơn Trà) khi chị đang lựa mua số cá tươi vừa được chuyển vào cảng. Chị Phơn bảo: “Phải đến chợ thật sớm, tranh nhau mua, sau đó mang đến các chợ bán lại, cứ làm quần quật cho đến sáng hôm sau. Ngày nào may thì bán hết, kiếm được vài trăm nghìn đồng lời, còn khi nào biển động, tàu không vào thì xem như chẳng có chi. Nhưng tính ra công việc mình vẫn thuận lợi hơn vì gần nhà, chứ nhiều người ở xa đến như Quảng Nam, TT–Huế khó khăn và nguy hiểm hơn. Như trước đây có đôi vợ chồng ở H. Phú Lộc (TT – Huế) chở cá về bán chẳng may bị tai nạn trên đường đi”.

Cũng giống như chị Phơn, cảng cá Thọ Quang là nơi mưu sinh của nhiều phụ nữ làm nghề gánh cá thuê đến từ các địa phương Quảng Nam, Quảng Ngãi, TT-Huế... Vừa gánh cá xong cho một chủ cá, chị Trần Thị Bé (H. Thăng Bình, Quảng Nam) trò chuyện: “Ở quê cuộc sống vốn khốn khó, túng quẫn nên tôi phải ra Đà Nẵng kiếm sống. Ban ngày thì đi làm thêm, tối tranh thủ đến đây để gánh cá thuê. Mỗi gánh được dăm ba ngàn, cao nhất cũng mười mấy ngàn nhưng phải chịu khó gánh nhiều, gánh nặng, ai có sức khỏe mới làm được, làm tối mặt đến 8-9 giờ sáng cũng chỉ vài chục ngàn”. Nói vừa xong chưa nghỉ được mươi giây có người gọi là chị lại tất bật chạy ngay vì sợ mất mối. Nhìn chị như cánh cò trong đêm lầm lũi, len lỏi bước qua đám đông với đôi gánh trĩu nặng trên vai.

Các ngư dân Quảng Ngãi chuyển cá dưới buồng tàu lên bán.

Vươn khơi lúc bình minh

Rảo bước tiếp, chúng tôi bắt chuyện với những ngư dân Quảng Ngãi đang bốc xếp cá dưới thuyền. Biển không chỉ là nơi gắn bó nghề nghiệp mà còn là hồn cốt của họ. Ngay từ nhỏ theo nghiệp cha sống chung với biển, anh Nguyễn Văn Long (H. Mộ Đức, Quảng Ngãi) tâm sự: “Biển mặn chát đời người, nhưng chẳng thể quay lưng bởi không còn lựa chọn nào khác. Ngay từ nhỏ đã nghe cha và thế hệ đi trước kể nhiều giai thoại và truyền đạt những kinh nghiệm để chống chọi với bão bùng, tìm kiếm nguồn hàng, rồi cứ thế kiếm kế sinh nhai qua ngày”. Thế nhưng, cuộc sống mưu sinh trên “đầu sóng ngọn gió” này chưa bao giờ là ổn khi thu nhập rất bấp bênh, trông chờ vào số cá đánh bắt mang tính thời vụ này. Cùng quê với anh Long, chú Trần Văn Đức (53 tuổi), bộc bạch: “Nghề cá vất vả mà thu nhập lại bấp bênh. Mỗi chuyến đi biển nếu được mùa thì trừ các khoản chi phí anh em bạn biển mỗi người được 9-10 triệu đồng, nhưng cũng có những chuyến chỉ được 1–2 triệu đồng, thậm chí có lúc về tay trắng”.

Chú Đức cũng cho biết thêm, với mức thu nhập như vậy cuộc sống gia đình rất khó khăn, vì cuộc đời gắn bó với biển nên lận đận, chăm lo cho việc học tập của con cũng không được đầy đủ, vì vậy chúng sớm bỏ học để theo cha đi biển…Càng về sáng sương sớm càng lạnh, lại thêm thức trắng nhiều đêm liền, trên gương mặt các ngư dân hằn lên nét mệt mỏi. Tôi hỏi đùa: “Thế những anh em trẻ mình, ra khơi không thấy nhớ vợ con sao?”, mọi người cười ồ lên, một anh trai trẻ sôi nổi: “Nhớ cũng chịu thôi anh ơi, nghề biển mà, cứ lênh đênh như con sóng. Nhiều lúc cũng thấy thương vợ  thủy chung, chịu thương chịu khó chăm lo cho gia đình”. Nghề đi biển nhọc nhằn, hiểm nguy là thế, nhưng đôi mắt họ luôn sáng ngời niềm tin vào mỗi chuyến đi hứa hẹn mùa đánh bắt bội thu.

Ngày nay, mỗi chuyến ra khơi thực sự là một thử thách với ngư dân khi một bên là gánh nặng cuộc sống mưu sinh và bên kia là mối nguy hiểm khi gặp tàu lạ uy hiếp ngoài khơi xa. Anh Nguyễn Thanh Tiển, chủ thuyền cá ở Quảng Ngãi cho biết: “Mỗi lần anh em trên thuyền ra khơi cũng lo ngay ngáy, muốn có được mẻ cá lớn buộc phải vươn thuyền ra 170-200 hải lý nhưng lại bị tàu lạ xua đuổi, có hôm lại gặp cướp trên biển. Còn nếu như đánh bắt cá gần bờ quá thì bị cấm, thậm chí bị xử phạt, cho nên nhiều lúc anh em phải về tay trắng”.

Dù khó khăn như vậy nhưng ngư dân vẫn quyết tâm bám biển, vươn khơi xa hơn, vì trên hết là giữ gìn vùng biển đảo của ông cha mình. Chú Trần Mới (P. An Hải Bắc, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng), người đã có nửa cuộc đời đi biển, khẳng định: “Mặc dù nhiều lần bị tàu lạ xua đuổi nhưng chúng tôi không hề nhụt chí mà luôn đoàn kết, giữ liên lạc tốt giữa các tàu thuyền để giúp đỡ lẫn nhau, đồng thời lòng yêu nước thúc giục chúng tôi cần có trách nhiệm, nghĩa vụ với Tổ quốc. Chúng tôi quyết tâm dù hoàn cảnh nào cũng một lòng bám biển”. Nghe chú Mới nói như vậy chúng tôi càng khâm phục cho ý chí kiên cường của những ngư dân khi mỗi lần vươn khơi bám biển như đang đánh cược với tính mạng của mình.

Gần sáng, khi chợ phiên Thọ Quang càng nhộn nhịp hơn cũng là lúc những chiếc thuyền đánh cá nổ máy rồi lần lượt vươn ra biển mang theo niềm tin về một chuyến xa khơi thành công như chính sự chờ đợi từ đôi mắt của những người sinh sống chủ yếu bằng nghề cá ở bến cảng Thọ Quang này.

Hữu Đức