Báo Công An Đà Nẵng

Đèn cổ giữ lửa đam mê

Thứ sáu, 26/12/2014 09:55

(Cadn.com.vn) - Tôi bị cuốn hút khi được ngắm trọn bộ sưu tập đèn cổ của nhà thư pháp Hồ Công Khanh. Mỗi chiếc đèn một cuộc đời, một thời khắc, một chân giá trị thực sự. Mỗi hạt bụi thời gian có lẽ sẽ ngưng đọng đâu đó trong cuộc đời này, ở một góc nào đó thẳm sâu nhất của tâm hồn để rồi một lúc nào đó, ngồi ngẫm lại chặng đường đã đi qua, mới hay, thời gian là những dấu mốc kết nối cuộc đời với số phận. Mọi thứ đã không mất đi mà ngưng lại, được giữ ấm và sạch tinh tươm bởi một tâm hồn đôn hậu.

Kết tinh tâm hồn, giữ lại thời ánh sáng

Ai cũng từng ấp ủ trong tim mình một đam mê và nếu đốt cháy được đam mê đó, hẳn sẽ sống trọn vẹn với cuộc đời. Khi chọn sưu tập những chiếc đèn dầu, nhà thư pháp Hồ Công Khanh đã "vay tạm" thời gian những ngọn ánh sáng mang hơi thở của thời gian. Bắt nhịp với những cái mất đi đó của cả một đời, Hồ Công Khanh đuổi theo những dự định mà theo ông, chắc chắn rằng, nếu làm được sẽ giữ lại giúp cuộc đời này một Thời ánh sáng. Bắt đầu bằng những chiếc đèn dầu mà bây giờ đã gọi là bộ sưu tập đèn cổ mà ông rất trân quý trong nhà mình. Đèn là ánh sáng. Đèn là thời khắc. Đèn là mắt thời gian. Ông kể cái duyên đến với đèn chỉ đơn giản bằng việc nhớ lại, hình dung lại lịch sử của thời đèn dầu mà có. Đèn sách gắn với văn hóa Việt Nam từ rất xưa. Đẹp biết bao, trân trọng biết bao khi nghĩ về hình ảnh các sỹ tử đi thi, đêm đêm miệt mài nghiên bút trước ánh đèn dầu...

Tất cả sẽ mất đi nếu không có ai đó bỏ công ghi lại, sưu tầm lại những chiếc đèn dầu thân thương, gần gũi. Ông sợ mọi cái sẽ mất đi vĩnh viễn hoặc chỉ còn tồn tại trong những tác phẩm văn học đơn thuần hư cấu. Ông muốn xây dựng một kho tàng văn hóa cổ cho riêng mình và cho những ai cùng niềm đam mê, cùng muốn lưu giữ ký ức thời gian trên những chiếc đèn dầu.

Hồ Công Khanh bên bộ sưu tập đèn cổ.

Hơn 20 năm sưu tập đèn, hiện tại, ông Khanh đã có hơn 150 cây đèn "độc" các loại, trong đó có nhiều cây đèn có tuổi trên 500 năm, thời Lý Trần, thời Chămpa. Với ông, mỗi cây đèn là một kỷ niệm, được sưu tập ở nhiều nơi và nhiều nước, nhưng nhiều nhất vẫn là ở Việt Nam. Có cả những chiếc đèn được những người bạn cùng niềm đam mê sưu tầm rồi gửi tặng. Chiếc đèn đầu tiên ông lượm được trên vỉa hè đường Bạch Đằng, Đà Nẵng năm 1992, và đến bây giờ, ông vẫn say mê sưu tập đèn để làm phong phú thêm niềm đam mê giữ lửa cho một thời ánh sáng. Với ông, mọi cây đèn đều vô giá, không định lượng được, bởi vì, nếu đưa bất cứ một cây đèn nào đó lên và khẳng định nó là quý nhất, thì hẳn nhiên những chiếc đèn còn lại sẽ không "bị xáo trộn".

Ông phân biệt các cây đèn dưới dạng niên đại, sắp xếp một cách ngẫu hứng nhưng đầy ý tưởng và chiều sâu văn hóa. Cả bộ sưu tập là một chân giá trị bền vững chứ không mang ý nghĩa đơn lẻ. Mỗi cây đèn có linh hồn, có một sức lôi cuốn kỳ lạ, tạo nên một bộ sưu tập có giá trị cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Tất cả khai mở một thế giới ánh sáng bằng hình ảnh thực và chứa đựng cả cái tâm của người đã cất công hàng chục năm sưu tầm, lưu giữ. Như cái duyên để ông nhìn lại ánh sáng chứ không phải là động cơ để ông sưu tập nó.

Xây dựng một địa chỉ văn hóa cho Đà Nẵng

Ngẫu nhiên nhưng lại mang ý nghĩa văn hóa sâu săc, đó là điều mà ông muốn nhắn gửi sau việc mình đã tốn không biết bao công sức, tiền bạc để bỏ công sưu tầm đèn cổ. Trong tâm sự của mình về văn hóa Đà Nẵng, ông còn nhiều băn khoăn về những điểm đến cho du khách. Làm du lịch cần phải có cái nền tảng giá trị văn hóa vốn có của địa phương. Sẽ có lúc con người cần có thời gian nhìn lại quá khứ mà loài người đã trải qua, chí ít những chiếc đèn dầu đã gắn với loài người từ thời xưa cổ. Dẫu bây giờ đã có đèn điện thay thế, nhưng đèn dầu vẫn hiện hữu trong đời sống con người như ánh sáng thực. Ông vẫn cứ mong trong dòng chảy thời gian, trong sự phát triển của văn hóa Đà Nẵng, sẽ có một sự lưu tâm đến những giá trị cổ mà ông đang theo đuổi. Văn hóa là những giá trị bên trong, là giá trị có tính kết nối thời gian, không gian và con người.

Với đam mê giữ lại nguồn sáng một thời, ông không tiếc thời gian và hằng ngày vẫn tỉ mẩn giữ gìn độ sáng, độ bóng của những cây đèn. Sống đẹp và để lại cho đời những cái giá trị văn hóa thật sự, đó là tâm niệm của ông và cũng là niềm khát khao của một tấm lòng đang lặng thầm cống hiến cho văn hóa Đà Nẵng. Yêu văn hóa Việt, ngoài bộ đèn cổ, ông còn có bộ sưu tập bút-mực, đá... tất cả như tinh hoa cuộc đời gói trọn trong căn nhà đầy ắp âm thanh và ánh sáng. Như mỗi buổi sáng mở cửa để đón ánh nắng vào nhà, niềm vui như được nhân lên trên từng vật cổ mang nhiều giá trị văn hóa độc đáo của nhà thư pháp Hồ Công Khanh.

Anh Đào