Báo Công An Đà Nẵng

Đến Đại Bình...

Thứ tư, 14/12/2016 09:04

(Cadn.com.vn) - Nằm bên sông Thu Bồn, lưng dựa vào đồi núi, như một ốc đảo xanh biếc bốn mùa, làng Đại Bình (xã Quế Trung, H.Nông Sơn, Quảng Nam) từ lâu được biết đến là làng trái cây Nam Bộ trong lòng xứ Quảng. Đại Bình được bồi đắp phù sa màu mỡ nên trồng được rất nhiều giống cây ăn quả, tạo thành một đảo xanh trù phú. Rất nhiều loại trái cây Nam Bộ được đem về trồng tại đất này như  cam sành, quýt, trụ, lòn bon, sầu riêng, mít tố nữ, măng cụt...Với phong cảnh hữu tình, làng là sự hội tụ của ba yếu tố: sông, núi và cây xanh. Con đường làng là nét đẹp gây ấn tượng khó tả của nhiều du khách khi đến với Đại Bình. Hàng chè tàu hai bên đường uốn lượn theo đường làng giữa những vườn trái cây xum xuê quả. Với những tiềm năng và vẻ đẹp của làng, Đại Bình đã trở thành một địa danh du lịch của xứ Quảng, với lượng khách viếng thăm ngày càng tăng lên. Vì thế trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội H. Nông Sơn đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, chiến lược phát triển du lịch của tỉnh Quảng Nam đã xác định làng Đại Bình là một điểm du lịch quan trọng của huyện và nằm trong tuyến du lịch Hội An - Mỹ Sơn và vùng phụ cận như Hòn Kẽm Đá Dừng, suối nước nóng Tây Viên.

Đại Bình có hệ thống cảnh quan đa dạng với nhiều loại hình như: vườn trái cây, đồi Núi Cấm, sông Thu Bồn, ruộng đồng...Vẻ đẹp của núi đồi và sông ngòi uốn lượn hòa quyện với nhau làm nên phông nền cho bức tranh thiên nhiên làng Đại Bình, với điểm nhấn là lũy tre bao quanh làng dọc theo sông Thu Bồn. Bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp và yên bình này chính là nét cuốn hút lớn nhất của làng. Những ngôi nhà bình dị lọt giữa vườn trái cây phong phú, xum xuê của làng cũng là một trong những nét đẹp hiếm có của miền Trung, sự thanh mát yên bình của những nếp nhà mang đến cho du khách cảm giác thanh bình...

Phong cảnh hữu tình...

Những tài nguyên gắn liền với văn hóa làng Đại Bình có thể được kể đến là nghệ thuật hát tuồng cổ với các gánh hát của ông Chơn, Phó Hường và gần đây là ông Đỗ Tám như một món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Đại Bình. Đây là nét văn hóa đặc trưng của Đại Bình cần phải khôi phục và phát triển trong văn hóa truyền thống của làng vào những dịp lễ, Tết cũng là điểm mạnh thu hút khách du lịch tham gia khám phá. Đồng thời, tại đây còn lưu giữ các nghề truyền thống như làm vườn, làm mía đường thủ công, trồng dâu nuôi tằm, đánh bắt cá. Thống kê số lượng khách hằng năm cho thấy, du khách đến làng Đại Bình chủ yếu tham quan và thưởng thức các hương vị trái cây nổi tiếng của làng tại các vườn trái cây nhà ông Bảy Tín, Soạn, Khách, Chung, Bá..., thăm nhà cổ ông Bá, Tín và qua đó kết hợp theo tour thăm Hòn Kẽm - Đá Dừng. Ngoài ra, du khách còn tham gia các hoạt động dã ngoại như khám phá suối Ồ Ồ, giếng Tiên, đốt lửa trại bên bờ sông Thu Bồn. Tuy nhiên, các hoạt động tham quan nhà cổ, cảnh quan làng quê, các hoạt động dã ngoại, ẩm thực, lưu trú... còn hạn chế, chưa hấp dẫn du khách do việc tổ chức khai thác, điều hành còn mang tính tự phát, chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng.

Về định hướng phát triển du lịch sinh thái Đại Bình dựa theo nguyên tắc bảo tồn và phát huy trên cơ sở những tiềm năng vốn có của làng. Trước hết, cần bảo tồn, phát huy và nâng cao sức hấp dẫn của thiên nhiên Đại Bình. Trong đó, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa như các nhà vườn trái cây của các hộ dân trong làng; sửa chữa, phục hồi các nhà cổ; khôi phục nghệ thuật hát đối đáp, hát tuồng, hát bài chòi... Các dấu ấn lịch sử của làng Đại Bình cũng là nét văn hóa cần được khơi lại và khôi phục như khẩu súng thần công tại căn cứ lịch sử Tân Tỉnh, của cụ Hường Hiệu, thời kỳ 1885-1887 thời kỳ chống Pháp; nâng cao ý thức, tổ chức đào tạo và hướng dẫn về du lịch cho người dân địa phương...

Cây trái sum suê.

Làng Đại Bình đã và đang sở hữu tiềm năng lớn cho sự phát triển du lịch. Vì vậy, việc bảo tồn, phát huy những giá trị ấy cần có kế hoạch chiến lược đúng đắn để phát huy và lưu giữ những giá trị truyền thống cha ông đã dựng xây và gìn giữ qua lăng kính thời gian...

Thảo Nguyên