Đến Hiroshima, nhìn lại nỗi đau bom nguyên tử
(Cadn.com.vn) - Gần 70 năm sau khi quân đội Mỹ thả quả bom nguyên tử (BNT) đầu tiên xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản), đánh dấu chấm dứt kết thúc Thế chiến II, nơi đây vẫn là một trong những điểm thu hút du lịch nổi tiếng nhất cả nước.
Theo báo cáo đăng trên tờ Japan Times, số du khách nước ngoài đến thăm Bảo tàng tưởng niệm hòa bình Hiroshima đạt mức cao kỷ lục: 200.086 người trong năm 2013. Thật sự, bảo tàng đang thu hút một số lượng ngày càng tăng khách du lịch đến nghiên cứu các đống đổ nát bị cháy, lời khai nhân chứng và những nỗi đau còn lại sau sự phá hủy kinh hoàng của BNT. Ngoài ra, còn nhiều yếu tố khiến Hiroshima hút du khách.
Điểm thu hút hàng đầu
Một số người mô tả, Hiroshima là nơi hấp dẫn của loại hình "du lịch tối", "du lịch đau buồn" hay "du lịch chiến trường", chẳng hạn như các trại tập trung của Đức quốc xã ở Châu Âu, nhà tù tra tấn và những cánh đồng chết của Campuchia, cá cảng nô lệ ở Tây Phi và hiện trường vụ khủng bố 11-9 ở Manhattan.
Du khách luôn vô cùng kinh ngạc khi đến thăm Vòm bom nguyên tử (VBNT) vốn được UNESCO công nhận di sản thế giới vào năm 1996. Công trình mang tính biểu tượng này được một kiến trúc sư Czech thiết kế vào năm 1915 với tên gọi "Phòng xúc tiến công nghiệp tỉnh Hiroshima". Khi Mỹ thả BNT xuống đây vào ngày 6-8-1945, nó phát nổ ngay trên nóc, nhưng không hoàn toàn phá hủy tòa nhà.
Theo số liệu thống kê gần đây, có khoảng 363.000 du khách đến thành phố Hiroshima trong năm 2012, trong đó nhiều nhất là du khách Mỹ, Australia... "Cái tên Hiroshima nổi tiếng do lịch sử, và gần đây vì được nhắc đến thường xuyên nên càng nổi tiếng hơn", ông Taeko Abe, đại diện Cục Công ước và Du lịch Hiroshima nói với CNN. Bảo tàng tưởng niệm hòa bình Hiroshima xếp số một trong danh sách những điểm du lịch nổi tiếng nhất Nhật Bản đối với du khách nước ngoài.
Bảo tàng tưởng niệm Hòa bình Hiroshima và VBNT cũng đứng đầu trong danh sách "Top 20 điểm đến du lịch cho du khách nước ngoài tại Nhật" năm 2012.
Vòm bom nguyên tử, nơi quả BNT của Mỹ được thả xuống. Ảnh: CNN |
Từ sự tàn phá... đến hy vọng
Quả BNT được thả xuống Hiroshima từ máy bay ném bom B-29 của Mỹ. Vụ nổ phá hủy hoàn toàn mọi thứ trong 10km2 ở khu vực trung tâm thành phố, giết chết 60.000-80.000 người. Nhiễm độc phóng xạ sau đó gây ra vô số các căn bệnh khác, cướp mạng sống của 135.000 người.
Vượt qua sông Motoyasu, chảy trước VBNT, Bảo tàng tưởng niệm hòa bình Hiroshima trưng bày các kỷ vật nhắc mọi người nhớ đến sự kiện kinh hoàng ngày trước, trong đó có xe ba bánh mà một cậu bé 4 tuổi đang ngồi. Vụ nổ khiến cậu bé cháy khô. Các bức ảnh và phim tài liệu, bản vẽ những người sống sót về cơn ác mộng, những giải thích khoa học cộng với các hiện vật khác như thủy tinh nóng chảy, quần áo cháy, khiến du khách rùng mình khi tưởng tượng ra ngày kinh hoàng đó.
Khái niệm "hòa bình" là một trong những điểm hấp dẫn nhất của Hiroshima. "Thành phố Hiroshima phục hồi sau thảm họa và đã theo đuổi hòa bình thế giới", ông Taeko Abe cho biết. "Du khách nói rằng họ cảm thấy thông điệp mạnh mẽ nhất là niềm hy vọng, và tầm quan trọng của hòa bình. Ấn tượng nhất khi đến Hiroshima là du khách có cơ hội gặp gỡ và giao tiếp với người dân địa phương", ông Abe nói.
Những tranh cãi còn đó
Chủ đề Mỹ nên hay không nên thả bom xuống Hiroshima và Nagasaki vẫn tiếp tục được tranh luận. "Tất nhiên, tôi không muốn Nhật bị ném bom, nhưng lúc đó, chiến tranh đang theo hướng phức tạp. Tokyo hay Washington đều không muốn thua cuộc. Đó là câu chuyện bi thảm", ông Hayden nói.
Bảo tàng tưởng niệm Hiroshima không phải là một nơi thú vị trong kỳ nghỉ, nhưng rõ ràng, đó là một trải nghiệm quan trọng mà mọi người có thể học được rất nhiều điều. Một số vẫn do dự không muốn thăm nơi đây. "Nếu tôi có cơ hội, tôi không biết có nên đến đó hay không. Tôi nên đi vì tôi là một công dân Nhật, nhưng thật tình mà nói, tôi cảm thấy rất miễn cưỡng", Maki Hakui, 43 tuổi, một nhà xuất bản và dịch thuật ở Tokyo, cho biết.
Tuy nhiên, Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản mô tả Hiroshima chỉ đơn giản là "di sản văn hóa tiêu cực miêu tả những sai lầm của nhân loại".
An Bình
(Theo CNN)