Đến ngày 3-12, Quảng Nam có 14/17 chỉ tiêu đạt và vượt Nghị quyết HĐND tỉnh giao
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Đức Dũng đánh giá: Năm 2024 là năm thứ tư thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2026, trong bối cảnh cả nước nói chung và Quảng Nam nói riêng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song với sự tập trung, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực.
Theo đó, tính đến ngày 3-12 có 14/17 chỉ tiêu ước đạt và vượt Nghị quyết HĐND tỉnh. Kinh tế phục hồi tích cực so với năm 2023; quy mô nền kinh tế ước đạt 129 nghìn tỷ đồng, tăng gần 16,5 nghìn tỷ đồng so với năm 2023. Khu vực công nghiệp - xây dựng lấy lại đà tăng trưởng, tăng 14% so với năm 2023. Khu vực dịch vụ tăng trưởng 5,8%; hoạt động du lịch diễn ra sôi động, khởi sắc, thu hút nhiều lượt khách quốc tế. Ước thu ngân sách nhà nước là 26 nghìn tỷ đồng, đạt 110,2% dự toán; cơ cấu nguồn thu có sự chuyển biến. Kết cấu hạ tầng tiếp tục được quan tâm đầu tư; tỉnh đã có nhiều sự quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp.
Giáo dục, đào tạo được quan tâm với nhiều kết quả nổi bật. Công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đối tượng chính sách, an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ. Quốc phòng an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, đối ngoại được tăng cường. Hoạt động của HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh cũng ngày càng được đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả; công tác giám sát ngày càng được phát huy.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Đức Dũng, bên cạnh các kết quả đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn thách thức, như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) chưa đạt kế hoạch đề ra. Tiến độ thực hiện các dự án đầu tư còn chậm; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Phát triển sản xuất gắn với liên kết sản phẩm theo chuỗi giá trị còn hạn chế, giảm nghèo chưa thực sự bền vững. Công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, chi tiết ở địa phương còn chậm trễ, chất lượng quy hoạch chưa cao. Công tác quản lý, bảo vệ rừng, môi trường, khai thác khoáng sản còn nhiều tồn tại, diễn biến phức tạp ở một số địa bàn. Đời sống của một bộ phận người lao động, Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.
Song, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đức Dũng phấn khởi cho biết, vừa qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương đảng đã tổ chức Hội nghị toàn quốc, triển khai, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XXII, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế với nhiều nội dung hết sức quan trọng, nhiều vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện, nhiều giải pháp mang tính đột phá đã và đang được Trung ương và các địa phương trên cả nước quyết tâm triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, ngày 3-12 vừa qua, Hội nghị Tỉnh ủy Quảng Nam lần thứ 18 cũng đã diễn ra thành công, đề ra nhiều chỉ tiêu lớn, nhiều định hướng quan trọng và giải pháp để tháo gỡ các điểm nghẽn nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; đạt mức tăng trưởng từ 9,5 - 10%.
“Trong bối cảnh đặc biệt đó, kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 của HĐND tỉnh có ý nghĩa quan trọng với nhiều nội dung, nghị quyết phải xem xét, thông qua. Để kỳ họp đạt kết quả tốt nhất, đề nghị quý vị đại biểu HĐND tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, đoàn kết, dân chủ, dành thời gian nghiên cứu kỹ các tài liệu, tập trung cho ý kiến, thể hiện rõ quan điểm về từng nội dung, nhất là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, tạo sự thống nhất cao để HĐND tỉnh có những quyết định đúng đắn, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân”- ông Nguyễn Đức Dũng nhấn mạnh.
Để thực hiện tốt những nội dung đó, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Đức Dũng lưu ý các đại biểu tập trung một số nhóm vấn đề, trong đó trọng tâm là xem xét các báo cáo của UBND tỉnh và cơ quan liên quan, đánh giá những kết quả đạt được trên các lĩnh vực: Kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; công tác chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh. Đồng thời, chỉ ra khuyết điểm, hạn chế, làm rõ nguyên nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp căn cơ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2025. Bên cạnh đó, đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, bám sát vào các nội dung lớn, đó là vấn đề hoàn thiện thể chế; việc đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” và các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, hoàn thành các mục tiêu đề ra…
Kỳ họp thứ hai mươi tám HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 dự kiến diễn ra trong 3 ngày (4 đến 6-12). Kỳ họp này có rất nhiều nội dung, trong đó đáng chú ý là các nội dung chuyên đề sẽ được xem xét, bàn thảo. Cụ thể: Đề án thành lập thị trấn Tak Pỏ thuộc huyện Nam Trà My; thành lập thị trấn A Tiêng thuộc huyện Tây Giang; mở rộng địa giới hành chính thị trấn Hương An thuộc huyện Quế Sơn; Quy định chính sách hỗ trợ đối với giáo viên công tác ở miền núi cao tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2025 – 2026; Quy định chế độ ưu đãi miễn tiền thuê đất đối với dự án sử dụng đất vào mục đích sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư hoặc thuộc địa bàn ưu đãi đầu tư; kỳ họp cũng tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với các thành viên UBND tỉnh...
TRẦN TÂN