Đến Quy Hòa, nhớ Hàn Mặc Tử
(Cadn.com.vn) - Một buổi chiều thu dịu nắng, từ trung tâm TP Quy Nhơn, chúng tôi đi thăm làng phong Quy Hòa. Qua hết phố phường ra phía ngoại ô, rẽ đường lộ lớn, đi vòng hết con đường bê-tông dài chừng vài cây số vắt qua sườn núi xanh ngắt cây rừng, làng phong Quy Hòa hiện ra trước mắt, nằm gọn trong thung lũng như giữa vòng tay ôm. Không gian mát mẻ, xanh, sạch, nhiều hoa và đẹp một cách ấn tượng, hệt như khu nghỉ dưỡng kỳ thú mang kiến trúc kiểu Pháp.
Chúng tôi lang thang theo những lối nhỏ ngoằn ngoèo dẫn ra bãi biển, tìm kiếm chút dư âm xưa của người thơ Hàn Mặc Tử mà mình yêu mến...
Làng phong Quy Hòa thành lập năm 1929 bởi một linh mục người Pháp là Paul Maheu (1869-1931). Ông thuộc dòng Thừa Sai Paris. Bức tượng bán thân ghi nhớ công ơn của ông được dựng trong một công viên xinh xắn. Qua lòng đường nhỏ, sát về phía biển là khu vườn tượng các danh nhân y học trong và ngoài nước. Nổi bật là tượng Hippocrate, ông Tổ của nền y học hiện đại với bảng tiểu sử khắc trên những tấm đá. Sau năm 1975, khu điều trị phong Quy Hòa được thành lập trên cơ sở khu điều trị do người Pháp giao lại, rồi đổi tên thành Bệnh viện Phong-Da liễu Quy Hòa. Làng phong ngày nay không duy trì hoạt động như mô hình làng phong năm xưa, mà là làng xóm của những người bệnh cũ ở lại lập nghiệp. Các thế hệ con cháu của họ tiếp nối nhau tạo thành một cộng đồng dân cư mới. Chuyện tình đất, tình người cũng có nhiều niềm vui và nỗi đau riêng khó mà nói hết được. Nơi Hàn Mặc Tử đến nằm và siêu thoát trở thành nhà tưởng niệm, chốn kiếm tìm của các tao nhân mặc khách và những người yêu mến thơ ông. Xa xa, bên mé núi vắng lặng là di tích nơi an táng Hàn Mặc Tử lần đầu, trước khi được dời về đồi Thi Nhân ở Ghềnh Ráng năm 1959.
Tượng LM Paul Maheu - người sáng lập làng phong. |
Quy Hòa có tên gọi xa xưa là Vũng Dừa, chẳng biết có phải vì nơi đây trồng nhiều dừa hay không? Làng phong Quy Hòa được gọi từ ngày thành lập cho đến nay. Gọi là "làng" vì cách tổ chức bài trí và sinh hoạt giống như mô hình của một làng thu nhỏ gồm nhà thờ, các khu điều trị nam-nữ riêng biệt, nhà ở của nhân viên, nhà ở của bệnh nhân, nhà trẻ, nhà giặt... và các khu trồng hoa. Số người mắc bệnh phong từ các tỉnh, thành phố trong nước quy tụ về làng khi mới thành lập khoảng 150 người. Bác sĩ Lemoine và hai Soeur thuộc dòng Nữ Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ (Franciscan Missionaries of Mary) lo việc khám bệnh, điều trị và chăm sóc. Tất cả họ đều là người Pháp, khả ái, nhân từ với đức hy sinh vô bờ bến khi tình nguyện đến phục vụ vào thời điểm mà cộng đồng còn nhiều kỳ thị, ruồng rẫy những người mắc bệnh.
Lúc Hàn Mặc Tử được đưa đến, ngày 20-9-1940, làng phong đã có hơn 600 công dân. Bệnh án của Hàn Mặc Tử lúc nhập viện mang số 1134. Khi đó mọi người chỉ biết có một bệnh nhân phong còn rất trẻ, tên là Nguyễn Trọng Trí, 28 tuổi. Ngày được đưa vào viện, bệnh của Trí đã rất nặng, thân thể suy mòn và bị hành hạ bởi những cơn đau. Sáng 11-11-1940, tức 52 ngày sau khi nhập viện, bệnh nhân "đặc biệt" này bước vào cõi vĩnh hằng... Nguyễn Trọng Trí làm báo, làm thơ nổi tiếng với bút danh Hàn Mặc Tử, sử dụng tiếng Pháp như tiếng mẹ đẻ. Lúc bấy giờ khi mang căn bệnh phong, ông đã giấu thân phận của mình bởi nỗi chán chường đến tận cùng tuyệt vọng của người thơ. Trong hồi ký "Nhớ Hàn Mặc Tử" của Nguyễn Văn Xê, một bệnh nhân phong trẻ hơn Hàn Mặc Tử 7 tuổi, có đoạn viết: "Trên đường trở về nhà thương, vừa đi tôi vừa suy nghĩ về Trí, về sự khiêm nhường của Trí là từ ngày vô cho đến chết Trí chưa hề nói một tiếng Pháp với bất cứ mẹ nào. Lúc nào tôi cũng là người thông ngôn. Biết Trí làm thơ viết văn thì tôi lại càng áy náy hơn, nhưng sự thật tôi vẫn chưa hề biết Trí là nhà thơ có tiếng tăm ngoài đời".
Hai công dân cao tuổi của làng phong Quy Hòa. |
Lang thang giữa làng phong trong niềm băn khoăn suy tưởng về những dòng hồi ức đầy ám ảnh đó, tôi tự hỏi rằng mấy ai trong những người cầm bút chúng ta học được đức tính khiêm nhường ấy của Hàn Mặc Tử? Hỡi những gốc thông già và những ghế đá phai màu cũ kỹ kia ơi, nơi nào Hàn Mặc Tử đã ngồi cô đơn, khắc khoải giữa những cơn đau đớn của một kiếp đời ngắn ngủi... Biển vẫn xanh màu hoang sơ như khi Hàn Mặc Tử đến. Những gốc thông cỗi cằn vết tích của tháng năm có còn lưu dấu gì không về một người thơ tài hoa, nhưng bạc phận đã có lần qua đây. Thơ Hàn như đang ám ảnh tôi trong một tâm trạng bùi ngùi:
"Một mai kia ở bên khe nước ngọc
Với sao sương, anh nằm chết như trăng
Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc
Đến hôn anh và rửa vết thương tâm..."
Trong chốc lát, tôi dường như quên mất rằng đi bên tôi còn có cô bạn nhà báo, nhà thơ là người đang hướng dẫn tôi đi thăm làng. Không gian xung quanh cũng dường như lãng đãng và mịt mờ khói sương... Một công dân làng đã đưa tôi thoát khỏi sự ám ảnh của người thơ xưa khi lên tiếng "Chào cô chú!". Trên ghế đá bên đường làng là một cụ ông nhỏ thó, gầy gò với đôi tay và các ngón bàn chân đã mòn. Hai bàn chân được bọc trong băng và đi trên đôi dép sản xuất riêng cho từng người. Bên cạnh là một chiếc xe đạp cũ kỹ, hình như ông đi đâu đó quanh làng mới về và ngồi nghỉ lấy sức. Ông vắn tắt vài dòng tiểu sử là người Phú Thuận, Đại Lộc (Quảng Nam), vào đây đã hơn 55 năm, làm phụ hồ. Bây giờ sống với 400 ngàn trợ cấp mỗi tháng. Tôi xin chụp với ông tấm hình làm kỷ niệm. Một ông lão khác bất ngờ hiện ra với cái chân phải đã bị cắt cụt đến gối, phía dưới nay là khúc chân gỗ. Chỉ có tiếng nói và nụ cười là còn mang sức sống. Ông cũng trở thành công dân làng đã hơn 50 năm, là người ở Bình Hiên, Đà Nẵng. Tôi không ngờ rằng mình đã gặp cả hai người đồng hương tại đây...
Chiều ở làng phong Quy Hòa gió và hoa vấn vít. Hoa được trồng quanh các khu nhà và trên các lối đi. Gió từ biển ùa vào từng cơn mê mải. Tôi hiểu rằng, trong hoàn cảnh nào đó thì cuộc đời vẫn cứ đáng sống, đáng yêu khi có những đôi bàn tay tràn ngập niềm nhân ái sẵn sàng mở ra vì đồng loại. Thời gian rồi sẽ qua đi. Lớp người mới tươi tắn, lành lặn sẽ thay thế lớp người cũ, nhưng ký ức đẹp về những tấm lòng nhân ái vẫn mãi mãi trường tồn.
Mai Hữu Phước