Báo Công An Đà Nẵng

Đền thiêng Ta Prohm

Thứ sáu, 14/08/2015 09:14

(Cadn.com.vn) - Lần đầu đến đây tôi đã mê mẩn với không khí trầm mặc, u tịch có từ ngàn năm của ngôi đền chứa đầy huyền thoại này. Cho dù đôi bàn chân đã mỏi nhưng mắt tôi vẫn không rời khỏi những đường nét uyển chuyển, sống động của một lối kiến trúc bí ẩn, mê hoặc lòng người...

Buổi chiều, thành phố Siem Reap chìm dần vào sương khói. Một mình tôi lang thang tìm đến Ta Prohm, một ngôi đền linh thiêng nằm trong quần thể Angkor, nơi được người dân Khmer cung kính gọi là Lăng mộ Hoàng hậu. Con đường dẫn vào khu vực đền cây cối um tùm, len lỏi giữa khu rừng nhiệt đới hoang vắng, đầy bí hiểm. Điêu tàn, hoang phế là cảm nhận đầu tiên của bất kỳ lữ khách nào khi đến viếng Ta Prohm. Và đó cũng là lý do tại sao Hollywood lại chọn nơi này để Angelina Jolie, nữ diễn viên nổi tiếng, đóng bộ phim "Bí mật ngôi mộ cổ" (Tomb Raider) cho dù chỉ có 30% thời gian được quay tại đây.

Bộ phim hoàn thành, công diễn vào năm 2001, đem lại cho Hollywood 300 triệu USD. Và cũng nhờ hiệu ứng của bộ phim này, lượng du khách trên thế giới bắt đầu đổ xô về Ta Prohm. Chỉ riêng trong năm 2001, du khách nước ngoài đến ngôi đền này tăng vọt đến 250.000 (trước đó chỉ có 50.000 - 60.000 khách mỗi năm). Cũng từ thời điểm này, nhờ "viên ngọc quý" Angkor, ngành du lịch Campuchia trở thành mũi nhọn kinh tế hàng đầu, đứng sau công nghiệp dệt may của đất nước Chùa Tháp này.

Du khách viếng đền Ta Prohm.

Đền Ta Prohm (được gọi là Rajavihara) nằm trong quần thể Angkor, được vua Khmer Jayavarman VII xây theo phong cách Bayon (dài 1.000 m, rộng 650 m) để làm tu viện và trường học Phật giáo Đại thừa. Sau khi lên ngôi vào năm 1181, Jayavarman VII bắt đầu tạo dựng các đền đài, tạo nên quần thể kiến trúc vĩ đại với 600 công trình nằm rải rác trong một vùng rừng núi rậm rạp rộng 45 km2. Ta Prohm là một trong những ngồi đền đầu tiên được xây dựng vào năm 1186, lãng mạn bậc nhất trong các đền đài ở Angkor. Tương truyền rằng, để xây ngôi đền, nhà vua đã tiêu tốn đến 5 vạn lượng vàng, 5 vạn lượng bạc và vô vàn đá quý để tưởng niệm Hoàng hậu Jayarajachudanami (mẹ vua Jayavarman VII) và người thầy của vua có tên là Jayamangalartha. Vào những đêm trăng sáng, 4 bức tường bằng đá có gắn kim cương quanh ngôi mộ mẹ vua phản chiếu rực rỡ. Sau này, những viên kim cương này cùng với các cổ vật quý giá khác tại ngôi đền đã bị đánh cắp.

Thời thịnh trị, với tên gọi ban đầu Rajavihara (có nghĩa là hoàng gia), đền Ta Prohm có hơn 12.500 dân sinh sống xung quanh. Họ sống thanh bình, có nhiều sản vật, tài nguyên phong phú như vàng, ngọc trai và vải vóc. Cuối thế kỷ XIII, những cuộc chiến tranh liên miên xảy ra, cùng với sự chiếm đóng của quân đội Thái Lan, Miến Điện khiến ngôi đền bị tan nát theo thời gian. Vương triều Angkor sụp đổ, đền Ta Prohm dần trôi vào quên lãng gần 700 năm sau đó. Mãi đến đầu thế kỷ XX, cùng với sự hồi sinh của Angkor, đền Ta Prohm được thế giới biết đến như một viên ngọc quý của nhân loại. Vẫn cảnh vật như xưa, những rễ cây Tung và Kơnia ma quái bao trùm lấy ngôi đền khiến những người yếu bóng vía khó có đủ can đảm để bước sâu vào những hành lang dài hun hút.

Vẻ đẹp hoang sơ, bí ẩn của đền Ta Prohm.

Từ cổng chính, tôi thả bộ gần 500m dưới những tán lá cây tỏa mát. Vài đứa trẻ bán dạo sách và kỷ vật, một nhóm nhạc công (những nạn nhân bị tàn tật do bom mìn sau chiến tranh) trải chiếu bên lề đường, lặng lẽ ngồi hòa tấu các bản nhạc với nhạc cụ truyền thống của người Khmer. Không gian buồn xen những hoài niệm xót xa về một dĩ vãng thái bình của miền đất Cao Miên hàng ngàn năm trước. Bước qua chiếc cổng nhỏ nằm giữa bức tường thành đá ong cao khoảng 5m, tôi được chiêm ngưỡng một bộ rễ cây Tung khổng lồ, bám phủ mái đền đá xanh, chảy tràn ra nhiều hướng như những con rắn thần Naga nơi đền Angkor Wat.

Rễ luồn vào cửa hông, vách đá, bò ra khoảng không rồi vươn lên, nối nhau qua các nóc đền, quyện với đá, tạo thành một cảnh quan phế tích tuyệt vời chưa từng có. Tôi như bị hút hồn, ngẩn ngơ. Bên trong, nhiều du khách trầm trồ, nuối tiếc khi được hướng dẫn xem một chiếc linga khổng lồ bị lật ngang, dấu tích còn lại của một cuộc truy tìm báu vật. Loanh quanh một hồi, tôi được một người dân Camphuchia dẫn vào bên trong một hành lang dài, tối và ẩm thấp. Tại đây, nếu đập nhẹ tay lên ngực sẽ nghe được tiếng đập vọng phản lại rất mạnh qua những bức tường thành. Người dân địa phương nói rằng, thuở xưa, nhà vua sùng đạo Phật, thường đến nơi đây những đêm rằm để cầu nguyện.

Có lẽ vì thế, bên trong lối rẽ ngang của hành lang, một vài du khách đứng khấn vái, nguyện cầu quanh các linga và yoni còn sót lại trong đền thờ. Lần đầu đến đây nên tôi mê mẩn với không khí trầm mặc, u tịch có từ ngàn năm của ngôi đền chứa đầy huyền thoại này. Cho dù đôi bàn chân đã mỏi nhưng mắt tôi vẫn không rời khỏi những đường nét uyển chuyển, sống động của một lối kiến trúc bí ẩn, mê hoặc lòng người. Đến khi bước ra lối vào chính điện, đứng ngắm lại toàn cảnh, tôi vẫn thán phục trước sự lôi cuốn và hấp dẫn đến từ mọi góc cạnh của ngôi đền cổ hoang sơ này.

Rời Ta Prohm trong hoàng hôn tĩnh lặng để trở về thành phố. Đường phố đã lên đèn, thấp thoáng những cô gái Khmer lặng lẽ đi chùa. Siem Reap dường như huyền ảo, dịu lại hơn sau cơn mưa nhỏ vừa đủ để lòng người chùng xuống. Miền đất xa vắng, yên ả đến lạ thường, thoảng chút gió từ dòng sông Siem Reap thổi về, mơn man một vùng ký ức đẹp lung linh. Ngày mai, tôi lại chia tay những nàng Apsara ở xứ sở Chùa Tháp này, để lại đằng sau miền đất cổ xưa, chôn dấu một nền văn hóa Angkor đầy bí ẩn.

Văn Khoa