Đèn tre Bao La xuất ngoại
(Cadn.com.vn) - Làng nghề mây tre đan Bao La ở xã Quảng Phú, H. Quảng Điền, TT-Huế từng mai một do sản phẩm nghèo nàn, đơn điệu. Thế nhưng, bằng cả tâm huyết với nghề thủ công truyền thống gắn bó bao đời, một số nông dân làng lát Bao La đã tìm tòi, học hỏi, sáng tạo ra nhiều sản phẩm mới không chỉ đáp ứng thị trường trong nước mà còn vươn ra thế giới.
Những chiếc đèn tre Bao La đa dạng về mẫu mã, kích thước và sắc sảo từng đường đan. |
Ông Thái Phi Hùng (64 tuổi), hơn 35 năm gắn bó với nghề đan lát, người được phong tặng danh hiệu nghệ nhân vào năm 2012, kể: "Nghề đan lát là nghề cha ông truyền lại, đã tồn tại nhiều đời nay. Nhưng vào những năm 2000 thì sản phẩm người dân làm ra bán không chạy. Từ đó, nhiều người cũng bỏ nghề, thanh niên không có việc phải đi làm ăn xa; chỉ còn lại một vài gia đình làm nhỏ lẻ...". Làng mây tre đan Bao La trước nguy cơ mai một khiến ông Hùng trăn trở, day dứt. Tình cờ một hôm, ông đạp xe lên thành phố có việc, khi đi ngang quầy lưu niệm bán hàng cho khách du lịch, ông dừng lại khi nhận ra sản phẩm bằng mây tre của Bao La cũng không thua kém chi các mặt hàng thủ công khác. Về nhà, ông Hùng đem chuyện này kể với một số người cũng từng "trăn trở" như ông. Từ đó, ông Hùng tìm tòi, bắt tay sáng tạo nhiều mẫu đèn tre làm trang trí. Những sản phẩm đầu tay được đưa lên ký gửi ở các quầy hàng lưu niệm, chỉ vài hôm là "cháy" hàng...
Khi du khách chọn lựa đèn mây tre Bao La để làm quà ngày càng nhiều, những người gắn bó lâu năm với nghề cho rằng, không thể sản xuất đơn lẻ mà phải làm tập trung. Từ đó, HTX mây tre đan Bao La ra đời. Với 25 xã viên ban đầu, đến nay đã có hơn 80, chủ yếu là người trong làng. Phần lớn, HTX đều tập trung, đầu tư đan đèn lồng bằng mây, tre để phục vụ trang trí ở các khách sạn, nhà hàng...Đèn mây tre Bao La đa dạng về kiểu dáng như đèn quả lựu, đèn con cá, đèn lục giác, đèn bát giác tổ ong, đèn hoa sen... "Từng chiếc đèn ở đây đều do các nghệ nhân trong làng như nghệ nhân Thái Phi Hùng, nghệ nhân Võ Chức tự mày mò, tìm hiểu, thiết kế công phu. Những chiếc đèn được làm bằng chất liệu truyền thống vừa mang dáng dấp hiện đại này có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm làm bằng chất liệu khác trên thị trường, bởi giá rất "mềm"- ông Võ Văn Dinh, Chủ nhiệm HTX cho biết.
Đèn tre hình bát giác thường được sử dụng trang trí ở khách sạn. |
Với thế mạnh là sản xuất hàng lưu niệm mỹ nghệ truyền thống từ chất liệu tre và mây, đến nay, HTX mây tre đan Bao La đã cho ra đời gần 300 mẫu mã các loại như: nông cụ dùng trong nông nghiệp, vật dụng trang trí, đèn lồng. Không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà sản phẩm đèn mây tre Bao La đã nhận được nhiều đơn đặt hàng của các đối tác mua để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... Nghệ nhân Thái Phi Hùng phấn khởi: "Khi sản phẩm đèn được nhiều người ưa chuộng, tui rất vui vì đó là thành quả từ đôi bàn tay mình làm nên. Đèn tre do những người thợ thủ công của làng làm ra có thể sử dụng trong khoảng 10 năm và chủ yếu được treo trong các khách sạn, khu resort nhằm tạo nên sự tinh tế nhưng bình dị. Sắp tới, chúng tôi sẽ cố gắng nghiên cứu để làm ra nhiều loại đèn lồng có mẫu mã khác nhau, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước". Từ khi thành lập đến nay, HTX mây tre đan Bao La đã tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân trong làng. Thu nhập bình quân của mỗi xã viên từ 1,8 triệu đến 2,2 triệu mỗi tháng. "Nghề chính của bà con ở đây là làm ruộng, nghề đan lát chỉ làm thêm những lúc rảnh rỗi. Rứa mà, từ khi tham gia vào HTX mây tre đan Bao La, mỗi tháng cũng thu nhập được thêm 2 triệu đồng/người. Nhờ có tiền đó mà nhà nào cũng có điều kiện nuôi chữ cho con"- bà Nguyễn Thị Suối (58 tuổi)- một xã viên của HTX Bao La chia sẻ.
H.Lan-N.Thùy
Sản phẩm bộ đèn lồng bằng tre của làng nghề Bao La từng đạt giải nhất trong cuộc thi bình chọn sản phẩm Công nghiệp Nông thôn tiêu biểu của tỉnh TT-Huế. Mỗi năm, làng nghề này đón gần trăm lượt đoàn du khách đến tham quan. Để có thể trưng bày sản phẩm cho du khách tới tham quan, mua sắm; hiện HTX Bao La đang đề xuất UBND tỉnh TT-Huế xin mở phòng trưng bày. |