Báo Công An Đà Nẵng

ĐH Huế: Tuyển không ra thí sinh, nhiều ngành học "ngắc ngoải"

Thứ tư, 15/08/2018 09:42

ĐH Huế năm nay tuyển sinh gần 13.000 chỉ tiêu (CT) với 2 hình thức xét tuyển, vừa xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia vừa xét điểm học bạ cấp 3. Tuy nhiên, tính đến hết ngày 12-8, chỉ có khoảng 8.500 thí sinh (TS) đến ĐH Huế đăng ký thủ tục nhập học. Có nghĩa, ĐH Huế vẫn còn thiếu khoảng hơn 4.000 CT.

TS đến nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 1 tại ĐH Huế vào sáng 14-8. 

Trường ở top cao, trường thấp lè tè

Theo Ban Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH Huế, tính hết ngày 12-8, tức là kết thúc giai đoạn đón tiếp TS xác nhận nhập học đợt 1 (từ ngày 7 đến 12-8), ĐH Huế mới có khoảng 8.500 TS xác nhận nhập học trong tổng số hơn 12.500 TS trúng tuyển. So với CT tuyển sinh đề ra (gần 13.000), lượng TS nhập học chỉ đạt gần 70%. TS Hoàng Tịnh Bảo - Trưởng Ban Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH Huế cho biết, khác với năm trước, năm nay số TS đến làm thủ tục đăng ký nhập học tại ĐH Kinh tế - ĐH Huế tăng đột biến, chiếm tỷ lệ rất cao (104,91% tỷ lệ TS nhập học/chỉ tiêu). Nhiều ngành học có đông TS nhập học gồm: Kinh tế, quản trị kinh doanh, marketing, kinh doanh thương mại…

Nói về nguyên nhân vì sao năm nay Trường ĐH Kinh tế lại "hút" lượng lớn TS thì TS Hoàng Tịnh Bảo cho rằng, do một số trường ĐH Kinh tế trong khu vực khi tự chủ về tài chính thì mức đóng học phí khá cao nên không đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận người dân trung bình. Trong khi đó, mức học phí tại ĐH Kinh tế - ĐH Huế thấp hơn nên đó có thể là lý do mà nhiều TS ở khu vực miền Trung tập trung về, khiến cho tỷ lệ TS nhập học của trường này cao.

Cũng "được mùa" như ĐH Kinh tế, năm nay ĐH Ngoại ngữ - ĐH Huế tỷ lệ TS nhập học/CT lên đến 105,45%. Trong đó, nhiều ngành học như: Ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Trung Quốc và ngôn ngữ Nhật thu hút nhiều TS đăng ký nhập học. "Có nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, Trung Quốc và một số quốc gia sử dụng tiếng Anh đang đến khu vực miền Trung để kinh doanh, làm ăn, nhu cầu tuyển dụng của các nhà đầu tư này cũng rất lớn. Nắm bắt được nhu cầu thị trường đang "khát" những vị trí việc làm này nên các em đã lựa chọn ngành học phù hợp với mục đích khi ra trường sẽ có được việc làm theo nguyện vọng và đúng ngành nghề mà mình đã đào tạo", một giảng viên Trường ĐH Ngoại Ngữ- ĐH Huế chia sẻ. Một số trường có tỷ lệ TS nhập học/CT khá cao như: Trường ĐH Y Dược Huế là 90,96%, Khoa Du lịch 89,43%, Đại học Luật gần 80%.

Theo TS Hoàng Tịnh Bảo, bên cạnh một số trường có tỷ lệ TS nhập học/CT ở top cao thì một số trường đạt tỷ lệ thấp như: ĐH Nông Lâm chỉ có 47,51%, ĐH Sư Phạm 35,71%, Đại học Khoa học 44,52%, Khoa Giáo dục Thể chất 20%. Và, tỷ lệ TS nhập học/CT thấp nhất của ĐH Huế là Phân hiệu của ĐH này tại Quảng Trị chỉ chiếm 1,79%.

Các tình nguyện viên hướng dẫn TS đến làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Khoa học Huế.

Nhiều ngành thiếu chỉ tiêu trầm trọng

Dù kết thúc thời hạn làm thủ tục xác nhận nhập học nhưng hiện, có nhiều ngành của ĐH Huế tuyển được rất ít hoặc thậm chí chưa có TS xác nhận nhập học. Tại Trường ĐH Sư phạm, ngành Sư phạm tin học lấy 60 CT nhưng chỉ có 1 TS đăng ký nhập học; Sư phạm địa lý lấy 105 CT nhưng chỉ có 8 TS đăng ký nhập học. Tương tự, tại Trường ĐH Khoa học, Toán ứng dụng lấy 40 CT nhưng đến thời điểm này không có TS nào đăng ký nhập học, kỹ thuật địa chất lấy 40 CT chỉ có 1 TS nhập học... Tại Trường ĐH Nông Lâm, ngành công nghệ chế biến lâm sản, ngành lâm nghiệp đô thị đều lấy 35 CT/ngành nhưng hiện mỗi ngành này chỉ có duy nhất 1 TS đăng ký nhập học. Ngoài ra, ngành Khoa học đất của ĐH Nông Lâm lấy 15 CT nhưng không có TS nào đăng ký nhập học. Cùng chung số phận, ngành Quản trị kinh doanh của Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị lấy 30CT nhưng không có TS nào đăng ký nhập học. Hay ngành công nghệ thông tin của Phân hiệu này lấy 50 CT nhưng chỉ có 1 TS đăng ký nhập học. "Nhà em ở TP Đông Hà, nếu học ở Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị thì rất thuận tiện, tiết kiệm được nhiều thứ. Kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia vừa rồi em thừa điểm để đậu vào một số ngành ở phân hiệu này nhưng lo sợ ra trường không có việc làm nên từ đầu em không đăng ký nguyện vọng để xét tuyển vào đây", Quỳnh Anh ở Quảng Trị chia sẻ.

Lãnh đạo của một trường ĐH có các ngành ít TS đăng ký nhập học cho biết, theo quy định những ngành dưới 30% thì phải tạm dừng đào tạo. Vì vậy, có khả năng các ngành có tỷ lệ TS đăng ký học quá thấp thì trường phải vận động các em vào học các ngành tương tự. GS.TS Huỳnh Văn Chương - Phó Giám đốc ĐH Huế cho biết, Hội đồng tuyển sinh ĐH Huế cùng các trường đã thảo luận, nghiên cứu kỹ về CT tuyển sinh, những đơn vị như Trường ĐH Khoa học, Trường ĐH Nông lâm, Trường ĐH Sư phạm vì còn thiếu nhiều nên phải tuyển bổ sung nhiều. Trái lại, Trường ĐH Y Dược và Khoa Du lịch cơ bản đáp ứng được chỉ tiêu ở các ngành nên không tuyển thêm. Riêng Trường ĐH Nghệ thuật và Khoa Giáo dục Thể chất phải tuyển thêm nhưng điều kiện TS phải thi năng khiếu, quan điểm của ĐH Huế là sẽ tạo điều kiện vì đây là các ngành đặc thù. Ở đợt này, điều kiện xét tuyển của tất cả các ngành là bằng hoặc cao hơn điểm chuẩn đợt 1.

Trước tình trạng số lượng TS nhập học chưa đủ chỉ tiêu, ngày 13-8, Hội đồng tuyển sinh ĐH Huế đã thông báo xét tuyển bổ sung đợt 1 (theo phương thức xét kết quả thi THPT Quốc gia năm 2018 và xét học bạ của cấp 3) với 3.091 chỉ tiêu của 74 ngành thuộc 9 trường thành viên, khoa, phân hiệu trực thuộc. Trường ĐH Khoa học là đơn vị tuyển bổ sung nhiều nhất với 1.032 chỉ tiêu của 21 ngành, kế đến là Trường ĐH Nông lâm với 935 chỉ tiêu của 20 ngành và Trường ĐH Sư phạm với 744 chỉ tiêu của 13 ngành. Theo kế hoạch, ĐH Huế nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển bổ sung đợt 1 từ ngày 14 đến 21-8, sau đó sẽ công bố kết quả trúng tuyển trước 17 giờ ngày 26-8.

Trả lời câu hỏi của P.V "liệu đợt xét tuyển bổ sung của ĐH Huế có đáp ứng được hàng ngàn chỉ tiêu mà ĐH Huế đang thiếu hay không?", TS. Hoàng Tịnh Bảo tỏ ra lo lắng và cho rằng, thông thường các đợt bổ sung khó thu hút TS, nhiều lắm có khoảng thêm vài trăm TS đến đăng ký nhập học. Nếu như vậy thì ĐH Huế vẫn còn thiếu hàng ngàn CT.

H.LAN