Báo Công An Đà Nẵng

Di dân kiểu... đem con bỏ chợ

Thứ hai, 17/03/2014 12:25

(Cadn.com.vn) - Những tưởng sau khi nhường đất cho thủy điện Đăk Đrinh, 196 hộ dân ở xã Đăk Nên (H. Kon Plông, Kon Tum) dọn về nơi ở mới sẽ có cuộc sống tốt hơn nhưng thực tế không phải vậy. Sau nửa năm về nơi ở mới, những đôi tay hay làm, đôi chân quen lên rẫy nhưng nay chẳng có gì để làm nên người dân chỉ biết ăn và ngủ vì không có đất sản xuất...

"Chạy" tiến độ

Trước khi thủy điện tích nước theo kế hoạch, H. Kon Plông bắt buộc phải di dời 196 hộ dân xã Đăk Nên. Phải di dân bắt buộc bởi công tác định canh, định cư nơi đây đã chậm hơn so với tiến độ công trình...

Nhường những mảnh đất màu, bằng phẳng cho thủy điện, người dân nơi đây được tái định cư... trên núi. Theo quy định, mỗi hộ dân về nơi ở mới sẽ được cấp nhà và đất vườn với diện tích mỗi hộ cả nghìn mét vuông. Nhưng thực tế, tại các điểm tái định cư (TĐC) thì người dân chỉ được cấp những căn nhà mới rộng từ 65-85m2 (tùy số khẩu của từng hộ).

Trên lý thuyết là vậy nhưng thực tế tại khu tái định cư thôn Xô Luông và thôn Vương (nơi tập trung đông dân nhất, tất cả đều di dời trắng) chẳng hề có đất vườn, thay vào đó các căn nhà TĐC được xây chi chít. Nhìn dãy nhà TĐC cho người đồng bào Tây Nguyên mà cứ tưởng như nhà phố, cứ bước ra cửa là gặp nhà... hàng xóm. Thực tế, trong tổng số 196 hộ thì có tới 65% số hộ chỉ có nhà mà chẳng có đất vườn gắn liền với nhà. Tại nơi ở mới, trước mặt nhà là con đường nội bộ rồi đến vực sâu. Sau nhà cũng vậy- vực và vực. Ngoài ra, cũng vì di dân ngoài "tính toán" của huyện nên suốt thời gian qua người dân về nơi ở mới chẳng có rẫy hay ruộng để làm, nên mọi người chỉ biết ăn chơi (việc tái định canh, định cư do H. Kon Plông làm chủ).

Trước thực tế trên, ông Nguyễn Văn Lân, Chủ tịch UBND H. Kon Plông khẳng định: "Bởi vì riêng TĐC của H. Kon Plông đồi núi nhiều cho nên vấn đề để chúng ta xử lý mặt bằng rất là khó. Tuy nhiên những hộ nào thiếu đất thì huyện cấp bù vùng lân cận". Song việc cấp bù đất vùng phụ cận như lời lãnh đạo H. Kon Plông khẳng định cũng vẫn là chuyện của... tương lai.

Khu TĐC ở xã Đăk Nên được xây dựng san sát như... nhà phố.

Dân than, chính quyền lạc quan... tếu!

Ông Nguyễn Văn Lân khẳng định: "Đến thời điểm này dân đã ổn định cuộc sống. Khi dân về nơi ở mới, H. Kon Plông đã có hỗ trợ thêm mỗi hộ 2 con lợn, 1 con bò cùng các nhu yếu phẩm khác. Ngoài ra, mỗi nhân khẩu còn được hỗ trợ 30kg gạo/tháng và xuyên suốt trong 4 năm. Hiện huyện đang triển khai phương án khai hoang đồng ruộng, ưu tiên cho dân tự khai hoang để dân được hưởng số tiền đó. Còn chỗ nào không có điều kiện tự khai hoang thì huyện tổ chức bằng cơ giới, đảm bảo đủ đất màu mỡ phục vụ lúa ruộng cho dân".

Mặc dù Chủ tịch huyện khẳng định như vậy nhưng thực tế thì hàng loạt hộ dân đã bỏ nơi ở mới và tiếp tục một cuộc di cư khác để tìm kế sinh nhai cho mình. Nhiều hộ dân bỏ nhà mới để dựng hàng loạt căn nhà ván xập xệ ven đường để mưu sinh ở những mảnh đất cũ còn sót lại khi thủy điện tích nước. Nhà mới bỏ hoang, trong khi đó có hàng loạt căn nhà ngoài quy hoạch đã mọc dọc trên đường.

"Nhà nước chưa cấp rẫy, ruộng. Đất vườn trồng mỳ thì mỳ không ra, muốn làm rẫy cũng không được. Giờ mình ở không nuôi con"- chị Đinh Thị Thân (trú làng Xô Luông) tâm sự. Còn anh A Sanh, hàng xóm của chị Thân thì khá hơn khi nhà và đất vườn được cấp liền kề nhưng anh cũng chẳng biết bao nhiêu. Nói là đất vườn nhưng thực chất là cùng một quả đồi, mặt trước ủi phẳng làm nhà. Mặt sau nền đất cao hơn mái nhà được gọi là vườn. Trước nhà là vực, sau vườn cũng là vực. "Đất gì mà trồng không lên được cây gì. Em đã trồng mỳ, bắp, cây cải nhưng không lên được vì đất khô quá. Nước thì lúc có lúc không nên cả dãy nhà này chỉ có 5-6 hộ ở", A Sanh cho biết.

Bất an vì... "sấm đất"

Ngoài ra, theo phản ánh của người dân thì từ khi công trình tích nước đã có hàng loạt tiếng nổ trong lòng đất kèm những dư chấn trên mặt đất xảy ra khiến mọi người hoang mang lo lắng. "Đang đêm nó rung sợ lắm, mình không dám ngủ. Mấy bữa sau cũng rung", chị Y Phương (trú thôn Xô Luông) khẳng định với chúng tôi. Còn anh La Văn Ba (trú thôn 7, xã Đăk Ring) cho biết, thường thường nghe nổ buổi đêm rất nhiều. Có một lần nổ rung hết cả đất cả nhà. Nó cứ rung nổ nhiều như thế này thì không biết sự cố nó sẽ như thế nào. Chúng tôi nhờ các nhà khoa học, cấp trên nghiên cứu như thế nào đó không thì bà con rất lo lắng, sống không an tâm.

Người dân cho hay, trước đây khi thủy điện chưa tích nước thì không bao giờ có hiện tượng nổ trong lòng đất trên. Tuy nhiên từ lúc lòng hồ tích nước thì chiều tối hay xảy ra các tiếng nổ, mặt đất rung chuyển. Hiện tượng trên đã được người dân phản ánh đến chính quyền địa phương. Tuy nhiên, hiện nay chính quyền và chủ đầu tư vẫn chưa đưa ra được một câu trả lời hay biện pháp nào để an dân.

Dường như với các hộ tái định canh, định cư của thủy điện Đăk Đrinh thì cuộc sống nơi ở mới vẫn chưa an cư được.

N.T