Báo Công An Đà Nẵng

Đi để “cứu vãn”

Thứ ba, 15/05/2018 10:30

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngày 14-5 đã đến thủ đô Moscow của Nga, như một phần trong hàng loạt các chuyến đi ngoại giao quốc tế nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân lịch sử, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), sau khi Mỹ quyết định rút lui.

Hôm 13-5, khi đến Bắc Kinh, ông Zarif đã tìm kiếm được sự ủng hộ của Trung Quốc đối với JCPOA, với tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ vững thỏa thuận đã được ký kết vào năm 2015 này. Và phía Iran cũng nhận được cái gật đầu đảm bảo của Nga khi Moscow khẳng định sẽ tuân thủ JCPOA bất chấp việc Mỹ rút lui. Tehran và Moscow cũng tuyên bố sẽ làm mọi cách để duy trì thỏa thuận này.

Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận này và khẳng định sẽ áp đặt lại mức độ trừng phạt kinh tế cao nhất đối với Iran. Washington hiện đang muốn phối hợp với các đối tác Châu Âu về một thỏa thuận mới với Iran. Nhưng Tehran lâu nay vẫn khẳng định sẽ không đàm phán lại. Các quốc gia tham gia ký kết thỏa thuận, gồm Nga, Trung Quốc, Đức, Pháp, Anh, cũng nói rằng họ muốn giữ nguyên bản hợp đồng ban đầu. Các quốc gia đồng minh Châu Âu của Mỹ cũng muốn khởi động đàm phán về chương trình tên lửa và hạt nhân Iran sau năm 2025, thời điểm thỏa thuận chính thức hết hiệu lực.

Nhưng Washington vẫn phớt lờ và khăng khăng với quyết định của họ. Phía Iran đã ra “tối hậu thư” cho Đức, Pháp và Anh trong 60 ngày phải cung cấp cho Tehran “đầy đủ đảm bảo để họ có thể ở lại trong thỏa thuận”. Ngoại trưởng Zarif sẽ tiếp tục gặp gỡ những người đồng cấp của 3 quốc gia Châu Âu này tại Brussels vào hôm nay (15-5) để thảo luận về tương lai của thỏa thuận.

Ngoại trưởng Zarif cũng đã gửi thư lên Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cáo buộc Mỹ “hoàn toàn thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế” liên quan quyết định rút khỏi JCPOA. Thực tế, quyết định của Mỹ đang làm bùng nổ lo ngại về một cuộc chạy đua hạt nhân ở Trung Đông khi một số quan chức và chính trị gia hàng đầu của Iran đã cảnh báo sẽ sớm khởi động lại chương trình hạt nhân của nước này. Các nhà lãnh đạo Châu Âu đang nỗ lực ve vuốt Tehran. Thủ tướng Anh Theresa May đã nói chuyện với Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm 13-5 để đảm bảo với ông về sự ủng hộ của bà đối với thỏa thuận này.

Bởi xem ra, các nước Châu Âu cũng không vui vẻ gì khi Mỹ trừng phạt mạnh vào Iran. Hiện nay, nhiều Cty của EU đang hợp tác làm ăn với đối tác Iran, và rồi có thể trở thành nạn nhân của các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ.

THANH VĂN