Đi để lắng nghe
Để đoàn kết một Libya đang bị chia rẽ gay gắt và đánh dấu kết thúc vai trò “đầu não” của nước này trong cuộc khủng hoảng di cư ở Châu Âu, LHQ cử đặc phái viên đến Libya. Và nhiệm vụ của nhân vật này, xem ra tưởng dễ nhưng lại vô cùng khó khăn: Lắng nghe người dân Libya. Đối với nhiều quốc gia bị chia rẽ - hoặc đang trên con đường hình thành - lắng nghe là con đường chính để đi đến hòa bình.
Năm 2011, Libya rơi vào nội chiến nghiêm trọng do làn sóng Mùa xuân Arab khiến chính quyền Tổng thống Muammar Gaddafi bị lật đổ. Một cuộc chiến nổ ra giữa các vùng, các bộ tộc, lãnh chúa, và các nhóm khủng bố. Hồi cuối tháng 7, HĐBA LHQ gửi thông điệp mạnh mẽ cho người dân Libya: Hãy đoàn kết lại. Và giờ đây, một đặc phái viên của LHQ, Ghassan Salame, đến Libya trong tháng 8 này để tìm cách giúp đất nước này sẵn sàng hòa hợp thành một quốc gia - nhà nước dân chủ.
Nghệ thuật lắng nghe là kỹ năng ngoại giao có giá trị trong thời điểm này. Mùa thu này, người Kurd ở Iraq và người dân ở xứ Catalan ở Tây Ban Nha sẽ tổ chức cuộc trưng cầu về việc có nên tuyên bố độc lập. Quốc gia mới nhất trên thế giới, Nam Sudan cũng đang chìm trong nội chiến. Một Scotland có thể giữ cuộc bỏ phiếu về việc có nên rời khỏi nước Anh. Yemen và Syria, giống như Libya, đang bị chiến tranh tàn phá kể từ năm 2011 và đang bị mắc kẹt trong chiến tranh. Và ở Ukraine, khu vực phía đông cũng vẫn chưa đi đến hòa bình.
Nhưng tại sao LHQ hiện nay chú ý đến Libya? Bởi vì sự tan rã của nước này sẽ gây ra vấn đề lớn cho những nơi khác. Libya trở thành “bệ phóng chính” cho người di cư Châu Phi và Arab tìm kiếm tị nạn ở Châu Âu. Ước tính, 530.000 người Libya đang chờ đợi để vượt qua biển Địa Trung Hải và đến Italia. Và cuộc khủng hoảng Libya đã tràn qua biên giới vào nước láng giềng Bắc Phi. Giống như các điểm nóng khác, Libya cũng đã trở nên chín muồi cho sự can thiệp của nước ngoài.
Để hỗ trợ các nỗ lực của LHQ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron giúp hai nhà lãnh đạo Libya ngồi vào bàn đàm phán ở Paris vào tháng trước. Cuộc họp giúp tăng tính hợp pháp của Tổng tư lệnh quân đội Libya Khalifa Haftar, một nhân vật thân cận của cựu Tổng thống Gaddafi. Nhiều người lo sợ ông không thể có cam kết dân chủ. Nhưng thực tế, chừng nào ông còn ở lại với tiến trình hòa bình của LHQ và trong cuộc hội đàm với các cường quốc, phái viên của LHQ có thể thành công.
THANH VĂN