Báo Công An Đà Nẵng

Đi phượt ai vui, ai lo?

Thứ bảy, 04/02/2023 10:22
Cảnh sát cứu hộ vất vả suốt nhiều giờ trong rừng để tìm kiếm và cứu phượt thủ bị nạn.

Không chỉ vụ việc trên, trong những năm gần đây tại bán đảo Sơn Trà và đèo Hải Vân và một số thác nước nằm sâu trong rừng ở Hòa Vang đã xảy ra không ít vụ việc tương tự. Nguyên nhân xuất phát từ sự chủ quan, thiếu kỹ năng của các phượt thủ dẫn đến tổn hại sức khỏe bản thân và làm khó lực lượng ứng cứu. Thậm chí vào năm 2019, có trường hợp “vì việc nghĩa”, tìm cách cứu một nhóm phượt thủ mà đánh đổi tính mạng mình.

Xin nhắc lại câu chuyện như lời cảnh tỉnh đối với một bộ phận người trẻ. Tối 27-8-2019, anh Trần Long Khải (30 tuổi, trú huyện Gio Linh, Quảng Trị) đang câu cá ở khu vực Mũi Nghê thì nghe tiếng kêu cứu của nhóm phượt gồm 2 nam, 2 nữ (tuổi từ 19 đến 27, trú tại TP HCM và Thừa Thiên - Huế). Đây là nhóm người đi tham quan bán đảo Sơn Trà và bị lạc đường khi bất chấp biển cảnh báo nguy hiểm để đến Mũi Nghê; một người trong nhóm này bị trượt chân ngã xuống vực. Anh Khải cùng một bạn câu cá đã đến ứng cứu nhóm phượt, song trên đường đi anh không may bị ngã xuống vách đá và không qua khỏi. Lực lượng chức năng của TP phải rất vất vả trong mưa lớn, địa hình phức tạp để tìm kiếm và giải cứu các nạn nhân. Sau vụ việc, chính quyền TP gửi thư chia buồn, cảm ơn và tổ chức đoàn thăm gia quyến của anh Khải tại quê nhà Quảng Trị. Thời điểm đó, cộng đồng lại bàn tán câu chuyện về trách nhiệm của nhóm bạn trẻ khi để xảy ra sự việc đau lòng như trên đối với gia đình anh Khải. Chính sự liều lĩnh đã đánh đổi bằng tính mạng người khác.

Quay trở lại câu chuyện tại bãi Sủng Cỏ, phượt thủ đã có quãng thời gian dài dằng dặc và gian khó nhất cuộc đời mình khi một mình nằm giữa rừng thiêng nước độc. Ai cũng chia sẻ và nếu không có sự may mắn cùng trách nhiệm của lực lượng tìm kiếm thì mọi chuyện có thể xấu hơn. Câu chuyện về phượt thủ được cứu sau 5 ngày ở dưới vực sâu được cộng đồng mạng bàn tán xôn xao những ngày qua. Nhiều câu hỏi được đặt ra như: Làm cách nào để một người bị thương có thể sinh tồn trong 5 ngày; Vì sao người này lại quyết định tìm đường đến bãi Sủng Cỏ khi thời điểm mồng 3 Tết TP Đà Nẵng bắt đầu mưa, lạnh và dự báo thời tiết cũng thể hiện rõ. Bên cạnh đó, câu hỏi được đặt ra nhiều nhất là việc đi phượt như thế nào là đúng cách.

Theo Thiếu tá Nguyễn Huy Linh – Đội trưởng Đội Công tác chữa cháy và CNCH, người được đào tạo bài bản và từng tham gia thực hiện nhiều vụ CNCH ở các tình huống nguy cấp, địa hình hiểm trở khác nhau chia sẻ: Đi phượt phải luôn đi cùng nhau, ít nhất có hai người một nhóm. Bạn trẻ trong vụ việc ở đèo Hải Vân vừa qua đã rất may mắn khi điện thoại còn khả năng sử dụng được nên mới báo tin và được cứu sống. Bài học rút ra là hãy luôn thông báo cho người thân, bạn bè mỗi khi bạn có ý định đi đâu xa. Nếu có bất trắc thì người khác sẽ dễ khoanh vùng tìm kiếm. “Trong những chuyến đi vào nơi hoang dã, cần chuẩn bị chu đáo, kĩ càng về sức khỏe, vật dụng, thực phẩm, thiết bị định vị, kĩ năng sinh tồn… để có một chuyến đi an toàn và thành công”, Thiếu tá Linh chia sẻ thêm.

Ai cũng có sở thích riêng nhưng trước khi thực hiện sở thích đó nên suy nghĩ kĩ xem có lợi hay hại, lợi nhiều hay hại nhiều. Ai được vui và ai sẽ phải hồi hộp, lo lắng trong từng chuyến hành trình của bạn. Điều quan trọng nhất là biết quý trọng bản thân và quý trọng những người thân yêu của mình.

MAI VINH