Báo Công An Đà Nẵng

Đi qua làng cổ... (Kỳ 1: Những làng chài "dần khuất" ven sông)

Thứ bảy, 14/03/2020 16:41

Như một cuộc viễn chinh thần tốc, sau hơn 20 năm phát triển, Đà Nẵng băng qua sông Hàn với hàng chục cây cầu hiện đại, vươn mình ra mặt tiền biển với phương châm "kéo dài bờ biển, kéo dài dòng sông", khai thác hợp lý các yếu tố tự nhiên khác như sông, núi, đồng bằng, trung du. Cùng với bộ mặt đô thị thay đổi, lột xác từng ngày, đời sống nhân dân khởi sắc, thì đến nay, Đà Nẵng cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trở ngại. Chỉ xét về khía cạnh văn hóa, nhất là văn hóa, tín ngưỡng của cư dân ven sông, ven biển, một thực tế rõ ràng là ngày càng bị mai một; thậm chí có nhiều thực thể mang giá trị văn hóa, lịch sử đã và đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.

 Quá trình đô thị hóa đã làm cho không gian sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng các làng chài bị thu hẹp.

Làng trong ký ức

Đà Nẵng là địa phương gắn liền với sông, với biển, lẽ đương nhiên, lịch sử hình thành và phát triển của Đà Nẵng không thể tách rời, nói cách khác luôn gắn liền với biển, với sông. Và thực tế, những tên đất, tên làng như Nam Ô, Nam Thọ, Hà Khê, Nại Hiên... là "chỉ dẫn địa lý" đặc trưng khi nhắc đến Đà Nẵng. Thế nhưng theo thời gian, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, đô thị hóa thần tốc khiến các làng chài ven sông, ven biển cuối cùng này đang bị xóa dần, nguy cơ mất dấu tích.

Ông Nguyễn Văn Ánh, quản lý lăng Ông Nam Thọ (P. Thọ Quang, Q. Sơn Trà) dẫn tôi đi thăm "làng biển cũ". Nói làng cũ là bởi, tên làng Nam Thọ giờ đã không còn trên bản đồ hành chính. Và tất nhiên, hình ảnh làng chài xưa giờ chỉ được hiển hiện như những thước phim quay chậm qua lời kể của ông và sự liên tưởng của... người đối diện, bởi làng đã không còn thực tiễn trên đất Đà Nẵng hàng chục năm trời. Trên nền đất cũ, làng Nam Thọ giờ đã là khu đô thị mới ven theo đại lộ Hoàng Sa, nối tít tắp ra bán đảo Sơn Trà. Ở đó, những khu phố xá thêng thang, những tòa nhà cao tầng mọc lên mang tên các dự án du lịch sang trọng đã đi vào khai thác. Số còn lại hình như cũng đã hoàn tất việc phân lô bán nền, hoặc đang trong quá trình triển khai các dự án quy mô lớn...

Dấu tích làng chài Nam Thọ còn hiện hữu là đình làng và miếu thờ cá ông lạc lõng giữa các tòa nhà cao tầng sang trọng. Cảnh bến cá sầm uất bán buôn, dưới biển tàu bè vào ra tấp nập giờ không còn nữa. Thay vào đó là lèo tèo dăm ba cái thuyền thúng, lác đác những chiếc môtô nước, tàu dịch vụ du lịch. "Dân Nam Thọ giờ không còn mấy người làm nghề biển. Cuộc sống chuyển thay, kinh tế phát triển, đời sống ngày càng nâng cao và người làng cũng không tránh khỏi bị tác động bởi quy luật phát triển ấy. Thế nhưng, nhiều lúc vẫn cảm thấy như mất đi một điều gì đó, xưa cũ, luyến tiếc lắm", ông Ánh trầm ngâm. Có thể một trong nhiều cái "mất đi" theo như lời ông Ánh, đó là làng chài Nam Thọ vốn nổi danh là nơi đầu tiên sáng tạo ra thuyền nan của Đông Dương, nhưng điều đặc biệt đó giờ không mấy người bản địa còn biết đến.

Rời làng biển Nam Thọ, chúng tôi đến làng biển Mỹ Khê (P. Phước Mỹ, Q. Sơn Trà). Nằm về phía hữu ngạn sông Hàn, là một trong những làng chài được hình thành khá sớm ở Đà Nẵng, khoảng những năm cuối thế kỷ XVI. Bên cạnh ngư nghiệp giữ vai trò chủ đạo, dân làng Mỹ Khê còn trồng lúa và hoa màu. Năm 1972, Mỹ Khê sáp nhập với làng Phước Trường thành P. Phước Mỹ, Q. III, sau 1997, đổi tên là Q. Sơn Trà. Dù chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 1km nhưng cho đến tận những năm cuối thế kỷ XX, bờ Tây và bờ Đông sông Hàn dường như vẫn là 2 thế giới cách biệt và đối lập. Rồi những chiếc cầu nối liền hai bờ, bắt đầu quá trình đô thị hóa, cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh sang phía Đông. Sự bùng nổ của ngành "công nghiệp không khói" đã tác động mạnh mẽ đến làng biển nhỏ bé này.

Nông nghiệp, ngư nghiệp không còn là hai ngành nghề chính ở nơi đây, cư dân đã chuyển đổi thế mạnh sang dịch vụ. Cùng với đó là quá trình chỉnh trang đô thị diễn ra sôi động trên địa bàn toàn phường, làm thay đổi hẳn diện mạo của P. Phước Mỹ nói chung, làng biển Mỹ Khê nói riêng. Thậm chí thay đổi luôn thành phần dân cư nơi đây khi không ít người làng bán đất chuyển đi nơi khác định cư để nhường chỗ cho phát triển các dịch vụ du lịch như nhà hàng, khách sạn... Rồi cũng như làng Nam Thọ, làng biển Mỹ Khê cũng dần mất hút khi những chủ thể của làng ít hoặc không còn theo nghề cũ. Sự chuyển đổi nghề nghiệp, nơi ngụ cư đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa, tín ngưỡng của cư dân ven biển khu vực này.

Ông Đoàn Văn Kháng, P. Phước Mỹ (Q. Sơn Trà) - một trong số ít người am hiểu về lịch sử của làng cho biết, hiện nay, đô thị hóa thành phố khiến cảnh quan sinh thái xung quanh các cơ sở thờ tự của làng không còn như trước. Từ nơi tĩnh mịch, tách rời khu dân cư, nay nhiều cơ sở thờ tự được ra "mặt tiền", nằm trên các trục đường giao thông chính của phường, của quận như đình Mỹ Khê, lăng Bà Mỹ Khê. Mặt khác, không gian yên tĩnh, rộng lớn của các cơ sở thờ tự bị phá vỡ bởi sự gia tăng dân số tự nhiên và cơ học. Sự thu hẹp diện tích nơi thờ tự là một tất yếu không thể tránh khỏi...

Tại Đà Nẵng, hiện rất ít làng chài ven biển còn duy trì được nghề đánh bắt truyền thống.

Văn hóa, lịch sử bị bào mòn

Tiến sĩ Lê Thị Thu Hiền, giảng viên khoa Lịch sử (Trường ĐHSP Đà Nẵng) cho rằng, sự thay đổi không gian thiêng ở các làng ven biển đã dẫn tới sự thay đổi trong sinh hoạt tín ngưỡng của cư dân. Tại làng Mỹ Khê, lễ hội Cầu ngư vắng bóng trong đời sống tín ngưỡng của cộng đồng cư dân đã hơn 20 năm, hiện chỉ còn lễ tế Đức Ngư Ông được tiến hành lồng ghép vào lễ cầu an đầu năm của làng trong ngày 24 tháng giêng, kéo dài vẻn vẹn khoảng nửa giờ đồng hồ. Có thể lý giải nguyên nhân là do số lượng hộ theo nghề biển ở làng hiện chỉ vỏn vẹn đếm trên đầu ngón tay. Điều này dẫn đến sự "thờ ơ" với vị thần bảo trợ nghề đi biển (ít hoặc không thờ cúng và tham gia lễ hội)...

Cũng theo TS Hiền, thời gian qua, mặc dù thành phố đã chú ý đến việc hỗ trợ ngư dân, khuyến khích người dân bám biển nhưng thực sự chưa hiệu quả. Thu nhập của lao động nghề biển thấp, bấp bênh do phụ thuộc rất lớn vào mùa vụ và thời tiết. Môi trường lao động biển khắc nghiệt, thường xuyên phải xa gia đình dẫn đến xu hướng lao động biển chuyển sang làm các nghề phổ thông trên bờ. Bên cạnh sự bấp bênh của nghề biển, sự phát triển du lịch biển đã tạo cơ hội việc làm cho dân ven biển sang lĩnh vực dịch vụ du lịch, chưa kể quy hoạch lại cơ sở hạ tầng ven biển, sự hình thành các khu du lịch ven biển... đã di dời một số lượng lớn ngư dân đến nơi khác sinh sống và buộc phải bỏ nghề biển, như làng Nam Thọ, Mỹ Khê, Tân Lưu. "Một khi dân biển - chủ thể của tín ngưỡng suy giảm thì tất yếu sẽ kéo theo sự suy yếu của các hình thái tín ngưỡng cộng đồng ở các làng ven biển Đà Nẵng, đồng thời đưa đến những khó khăn trong vấn đề duy trì thờ cúng, huy động kinh phí sửa chữa", TS Hiền dẫn chứng.

Theo ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VH-TT Đà Nẵng, thời gian qua, Đà Nẵng là một trong những địa phương có tốc độ đô thị hoá mạnh nhất. Không gian đô thị được mở rộng gấp 4 lần. Đô thị hoá là xu hướng tất yếu để phát triển, tuy nhiên, ở góc độ văn hóa đã nảy sinh một số vấn đề, đặc biệt là truyền thống văn hóa, tín ngưỡng của ngư dân miền biển. Do đô thị hóa nên có một số làng chài, nơi ngư dân cư trú, sinh sống, sinh hoạt, tổ chức các hoạt động mang tính tín ngưỡng văn hóa cũng bị xóa sổ theo. Ví như làng Tân Lưu (P. Hòa Hải), làng chài Mỹ Khê (Phước Mỹ), gần đây có một làng chài cuối cùng tại Đà Nẵng cũng suýt bị "khai tử" là làng Nam Ô... "Đô thị hóa đã làm cho một số làng chài bị biến mất, đã ảnh hưởng đến tín ngưỡng dân gian của cư dân. Tín ngưỡng rõ nhất là tục thờ cúng cá Ông, lễ hội Cầu Ngư, các hình thức diễn xướng hò/hát bã trạo... Khi làng nghề mất rồi thì mất luôn nền tảng và tín ngưỡng văn hóa", ông Hùng nhìn nhận.

Doãn Hùng