Báo Công An Đà Nẵng

Đi qua "miền đất hứa" (2)

Thứ tư, 16/09/2015 10:57

* Bài cuối: Sống trong vùng kịch độc

(Cadn.com.vn) - Lo âu, thấp thỏm là tâm trạng chung của người dân xã Tam Lãnh (H. Phú Ninh) khi liên tiếp trong thời gian qua Cơ quan CSĐT CAH Phú Ninh đã phát hiện và bắt giữ khối lượng lớn Cyanua. Sống trên vùng đất lắm vàng nhưng sự giàu có vẫn còn là điều quá xa vời trong khi trước mắt, sức khỏe, hạnh phúc của nhiều gia đình đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Sông Bồng Miêu "kêu cứu"

Xã Tam Lãnh có diện tích gần 7.000 ha. Bên cạnh sự tồn tại của nhà máy vàng Bồng Miêu, đây cũng  là địa điểm "quần cư" của nhiều đối tượng đào đãi vàng trái phép. Cyanua được xem là một trong những chất vô cùng độc hại khi chỉ cần nhiễm một lượng nhỏ cũng khiến người khỏe mạnh rơi vào hôn mê, nặng hơn là tử vong. Chuyện cá chết hàng loạt, nguồn nước thi thoảng có mùi lạ đã là chuyện quá bình thường trong cuộc sống của người dân nơi đây. Vào những ngày mưa lớn nước trên nguồn đổ xuống cuốn theo hóa chất đãi vàng khiến trẻ em ngứa ngáy tay chân, bị dị ứng xảy ra thường xuyên. Vừa qua, người dân thôn Trà Sung phát hiện cá nổi trắng trên sông Bồng Miêu. Đây là hệ thống sông lớn cung cấp nguồn nước tưới tiêu và sinh hoạt cho nhiều hộ dân. Trước đó, vào năm 2010, 2011, 2013 hiện tượng cá chết cũng liên tục xảy ra tại khúc sông Bồng Miêu chảy qua thôn Đà Thượng.

Theo lời một số người dân, khu vực này là cửa ngõ duy nhất xả nước thải của nhà máy luyện vàng Bồng Miêu. Anh Hoàng (người dân thôn Trà Sung) cho biết: "Chuyện cá chết này đã ý kiến rất nhiều lần rồi nhưng mà lần nào cũng lập đoàn kiểm tra xong nói cá chết do người dân đánh bắt bằng mìn còn hệ thống xả thải của công ty rất tân tiến, không có chuyện ô nhiễm. Chúng tôi là người dân nghe thế nào thì biết thế nấy chứ làm thế nào được. Mà bây chừ công ty làm ăn thua lỗ nợ thuế nhà nước cũng chẳng còn quan tâm chi tới môi trường sống của người dân nữa vì vậy chúng tôi phải tự bảo vệ mình".



Người dân đào đãi vàng tự phát tại xã Tam Lãnh.

Ung thư vì đãi vàng

Bên cạnh những mỏ vàng được khai thác hợp pháp thì số lượng người làm vàng tự phát, tự sắm sửa thiết bị tách vàng tại nhà nhiều vô kể. Chất kịch độc Cyanua là hợp chất không thể thiếu trong quá trình chiết vàng nguyên chất từ quặng. Lẩn khuất trong những điểm nóng về khai thác vàng như Núi Kẽm, Hố Gần, Hố Ráy, chất kịch độc này đang được tuồn vào một cách chóng mặt. Không phải chỉ là tình hình an ninh trật tự bị ảnh hưởng mà việc tuồn Cyanua trái phép vào Tam Lãnh đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng trong đời sống con người nơi đây. Những cái chết bất ngờ vì căn bệnh ung thư, những đứa trẻ ra đời bị dị tật, khờ khạo ngày càng gia tăng.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm dân số kế hoạch hóa gia đình H. Phú Ninh, hiện nay toàn huyện có gần 300 trẻ bị dị tật, trong đó xã Tam Lãnh có gần 70 em. Một điều đau lòng hơn nữa là những gia đình có thế hệ sau bị ảnh hưởng hầu hết có cha mẹ làm nghề "mót sái" ở các bãi vàng. Không có máy móc, họ trực tiếp tiếp xúc với các hóa chất, tự tay đào đất và cũng ăn uống ngay tại những địa điểm trên. Ông Ung Văn Long (Trưởng thôn Trà Sung) cho biết thôn đã nhiều lần gửi đơn cho tỉnh yêu cầu giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường: "Thôn Trà Sung có 99 hộ dân với gần 300 nhân khẩu đã trở thành "làng ung thư" từ khi có những cái chết đầy bất ngờ xảy ra. Chúng tôi cũng không dám khẳng định nguyên nhân gây ra ung thư là gì nhưng thấy môi trường ô nhiễm quá nên lo lắng. Trước đây, người dân và công ty đã có buổi đối thoại nhưng rồi cũng đâu lại vào đó".

Những trẻ em vùng cao vẫn phải sống trong cảnh thiếu thốn.

Còn nhiều nỗi lo

Từ thực tế trên cho thấy, việc dùng các hóa chất trong đào đãi vàng trong đó có chất kịch độc Cyanua đang là hiện thực đầy nhức nhối đối với người dân và chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, từ cuối năm 2014, quá trình tạm đóng cửa Công ty vàng Bồng Miêu đã khiến tình trạng đãi vàng tự phát càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Chiều ngày 17-3, tổ công tác Đồn CA Tam Lãnh phối hợp với CAX Tam Lãnh tổ chức tuần tra bắt quả tang một vụ vận chuyển Cyanua lớn vào địa bàn. Theo đó, đối tượng Nguyễn Thị Hồng Nhung đã bị bắt giữ khi đang vận chuyển 400 kg Cyanua vào bãi Nhà Thùng. Trước đó vào năm 2014, CAH Phú Ninh cũng đã bắt giữ hơn 10 vụ vận chuyển chất độc trên. Ông Nguyễn Văn Thanh (Trưởng CAX Tam Lãnh) cho biết: "Vì nguồn lợi cho mỗi chuyến vận chuyển quá lớn nên nhiều đối tượng bất chấp tất cả kể cả sức khỏe, tính mạng của người khác. Những đối tượng này thường là phụ nữ trong vai người đi chở rau, bán chuối để che giấu hành vi của mình. Địa hình Tam Lãnh rộng và nhiều đồi núi, vì vậy rất khó khăn trong công tác quản lý những đối tượng trên. Đây cũng là vấn nạn lớn nhất tồn tại trên địa bàn".

Ông Nguyễn Thế Vinh (Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh, H. Phú Ninh) nói thêm: "Tuy chưa có ai chứng thực rằng những hệ quả đau lòng trên hoàn toàn là do Cyanua gây nên nhưng có một điều rõ ràng rằng môi trường ở Tam Lãnh đang bị đe dọa nghiêm trọng. Đa số những người làm vàng ở địa phương đều là tự phát nên không có phương tiện bảo hộ lao động. Hầu hết đất đai ở Tam Lãnh đã được dùng để đào đãi vàng, diện tích trồng trọt còn rất ít nên người dân bắt buộc phải đi làm vàng kiếm sống. Mặc dù khó khăn nhưng xã cũng đã nỗ lực trong việc khuyến khích người dân giao nộp quặng, tuyên truyền không đào đãi vàng trái phép. Ngày 15-8 vừa qua, cơ quan chức năng đã thu 10 tấn quặng do người dân tự nguyện giao nộp để đi tiêu hủy".

Đồng Dao