Báo Công An Đà Nẵng

Di sản ảnh xưa phố Hội

Thứ tư, 01/11/2017 11:50

Phố cổ Hội An (Quảng Nam) đầy hoài cổ với những con phố ngoằn ngoèo, mộng mị như "thổi" vào tâm hồn du khách một xúc cảm vấn vương kỳ thú. Bởi vậy, Hội An đã đi vào thi ca, tranh ảnh như một mạch nguồn sáng tạo bất tận. Chỉ riêng những con người, làng cổ, những hoạt động thường nhật ở đô thị cổ cách đây hàng chục năm đã là thứ "đặc sản" vô giá khiến Hội An luôn "hút hồn" du khách. Tuy cùng với sự đô thị hóa, những nét rêu phong, cổ kính bây giờ đã có phần đổi mới. Nhưng, để có thể nhìn lại những vết chân xưa, một Hội An thuần khiết của những ngày đầu giải phóng, tại Bảo tàng Hội An, nhiều họa sĩ đã kịp gửi lại ở đây một nét phố Hội khi vừa mới định hình để những dấu vết hoài cổ không phai mờ...

Tác phẩm "Quán ăn cao lầu" của họa sĩ Lưu Công Nhân. 

Nhiều họa sĩ nổi tiếng khắp mọi miền đất nước về Hội An tìm nguồn sáng tạo đã phải thốt lên rằng, Hội An, đâu đâu cũng là góc thẩm mỹ. Điều đó là hoàn toàn có căn cứ khi nhiều tác phẩm của những các họa sĩ tên tuổi như Lưu Công Nhân, Trần Lưu Hậu, Loka, Nguyễn Phi Long, Nguyễn Văn Ký... vẽ về những hoạt động thường nhật có giá trị cao về nghệ thuật, góp phần quảng bá hình ảnh Hội An. Từ cảnh Hội An mùa nước lớn, cảnh hoàng hôn đỏ, cảnh chợ tan đến những cảnh góc phố rêu xanh... như tô điểm cho mảnh đất thật sự đáng sống.

Theo bà Lê Thị Tuấn, Trưởng phòng Bảo tàng Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Hội An, tại Bảo tàng Hội An hiện lưu giữ hơn 2.500 hiện vật, tranh ảnh, tài liệu liên quan đến Hội An. Trong đó, phải kể đến hơn 300 bức tranh vẽ về Hội An ở những khoảng thời gian khác nhau được các họa sĩ hiến tặng cho Bảo tàng, bổ sung vào quỹ hiện vật, phục vụ công tác nâng cao chất lượng chỉnh lý nội dung trưng bày đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng. "Các tác phẩm được các họa sĩ vẽ xong đã có nguyện vọng gửi tặng cho Bảo tàng. Nhiều tác phẩm thật sự đạt đến đỉnh cao nghệ thuật, có giá trị vượt thời gian khi mà những dấu vết về Hội An đều được khắc họa chi tiết, góc cạnh và đầy súc tích", bà Tuấn cho hay.

Hầu hết các họa sĩ khi đến Hội An đều có những trải nghiệm thực tế dài ngày và luôn bị Hội An níu chân. "Có những họa sĩ vì mê quá đến nỗi chiều 30 Tết vẫn còn lai vãng ở những góc phố, con đường để vẽ về Hội An. Với họ, nghệ thuật là không có điểm dừng, chỉ khi ta chạm được mạch ngầm hứng thú thì thời gian như ngưng đọng", bà Tuấn nói. Cũng chính từ tinh thần đó, trên tầng 3 Bảo tàng Hội An hiện nay là cả một kho tàng tư liệu quý về Hội An từ tranh. Họa sĩ Nguyễn Văn Ký (Hà Nội) là một trong những họa sĩ giàu tâm huyết với phố cổ, tất cả 76 tác phẩm ông vẽ Hội An đều được gửi tặng cho Bảo tàng.

Tác phẩm "Hoàng hôn đỏ".

Với "Phổ cổ vẫn còn nhà cổ", là một Hội An chớm nở, nhìn từ trên cao, cả Hội An thu nhỏ với những ngôi nhà cổ, mái ngói đặc trưng cùng cảnh sinh hoạt, hăng say lao động của những người dân địa phương cách đây chừng 30 năm. Họa sĩ Nguyễn Văn Ký từng chia sẻ, vẽ Hội An là thú vị nhất, nhìn gì vẽ nấy. Bởi, chính những điều bình dị, đơn giản mới là điểm hấp dẫn, cuốn hút. Tác phẩm "Hoàng hôn đỏ", vẽ về một góc Hội An cảnh chiều tàn, với bầu trời đỏ, cuộc sống tấp nập, vội vã trở về nhà của người dân địa phương. Ngoài ra, từng góc phố, con đường, quán ăn cao lầu... với những cảm xúc khác biệt của Hội An ở thập niên 1990 - 2000 cũng được lưu giữ nguyên vẹn qua tranh thật sự thu hút người xem.

Những bức tranh Hội An được các họa sĩ thể hiện bằng nhiều chất liệu như sơn dầu, tranh bột, màu nước, gián giấy, ký họa... Theo ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, đó là những di sản vô giá, di sản về ảnh xưa phố Hội cho người xem thấy được một Hội An với dặm dài phát triển, luôn giữ trong mình những nét xưa cũ, những giá trị truyền thống lâu đời vẫn được ghi nhớ, trân trọng cho dù cuộc sống có nhiều biến động, đổi thay...

PHI NÔNG