Báo Công An Đà Nẵng

Di sản cuộc khởi nghĩa Duy Tân

Thứ ba, 17/05/2016 09:02

(Cadn.com.vn) - Cách đây 100 năm, cuộc khởi nghĩa Duy Tân năm 1916 trở thành sự kiện chấn động ở Việt Nam. Trong cuộc khởi nghĩa ấy, lịch sử không chỉ khắc ghi lòng yêu nước của vua Duy Tân, mà còn là khí tiết bất khuất của Thái Phiên - Trần Cao Vân, hai chí sĩ tổ chức cuộc khởi nghĩa.

Mộ của chí sĩ Thái Phiên tại Huế.

Vua tôi đồng lòng khởi nghĩa

Năm 1915, khi tổ chức Việt Nam Quang Phục hội thành lập, Trần Cao Vân và Thái Phiên được cử vào ban lãnh đạo,  hai chí sĩ này đã nghĩ đến việc tổ chức cuộc khởi nghĩa. Hai ông đã bí mật xây dựng lực lượng, rèn đúc vũ khí để chuẩn bị khởi nghĩa. Tuy nhiên, điều làm cho Thái Phiên - Trần Cao Vân quan tâm nhất là làm sao tiếp cận, vận động được vua Duy Tân tham gia cuộc khởi nghĩa. Các tài liệu lưu giữ trong hồ sơ của Pháp cho thấy, hai vị thủ lĩnh này đã bàn định nhiều lần về việc tìm cách liên lạc với vua Duy Tân.

Thái Phiên đề nghị phải tiếp xúc với vua Duy Tân và tổ chức khởi nghĩa sớm, bởi ông cho rằng: "Nghe nói cách đây 2 năm, Hoàng Thượng của chúng ta phàn nàn việc chính phủ bảo hộ đã hạn chế rất nhiều quyền lực của ngài. Làm sao có cách liên lạc để chúng ta tâu lên Hoàng Thượng những kế hoạch của mình". Trần Cao Vân đồng ý với đề nghị này, bởi sự đồng thuận của vua Duy Tân sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với cuộc khởi nghĩa. Sau đó, Thái Phiên và Trần Cao Vân lên kế hoạch liên hệ với vua Duy Tân. Lúc bấy giờ thực dân Pháp theo dõi vua Duy Tân rất sát sao nên việc gặp được vua rất khó khăn. Thái Phiên và Trần Cao Vân đã đóng vai người câu cá để tiếp cận hoàng thượng.

Trong bản cung thẩm vấn Thái Phiên của thực dân Pháp lưu giữ cho thấy khá rõ và chi tiết cuộc gặp lịch sử này. "Lại gần chúng tôi, Đức Vua hỏi: "Các khanh có câu được cá không?". Chúng tôi trả lời: "Thưa bệ hạ, chưa ạ!". Nghe vậy, Đức Vua bỏ đi, một lát sau, ngài trở lại và bảo: "Cá không đi theo đàn. Các khanh phải hợp lực lại để bắt cá tốt hơn". Sau đó Ngài nói bóng gió: "Từ khi Trẫm lên ngôi, Trẫm cảm thấy nhiều bất bình. Trẫm biết các khanh là bầy tôi trung thành, là những thần dân có ý nguyện khôi phục đất nước. Vậy bao giờ các khanh sẽ khởi sự để khỏi bỏ lỡ mất cơ hội thuận lợi này?". Chúng tôi trả lời: "Nếu bệ hạ muốn vậy, chúng thần sẽ cố gắng hết sức để chuẩn bị cuộc khởi nghĩa, nhưng chúng thần nghĩ phải hoãn lại đến tháng Tư hoặc tháng Năm âm lịch để mọi việc được sẵn sàng". Đức Vua nói thêm: "Phải gấp lên, vì Trẫm còn phải đi Cửa Tùng chưa biết ngày nào về".

Học sinh Đà Nẵng thắp hương tưởng niệm nhà chí sĩ yêu nước Thái Phiên.

Di sản cuộc khởi nghĩa

Từ sau khi gặp vua Duy Tân, hai vị thủ lĩnh Thái Phiên, Trần Cao Vân càng đẩy mạnh việc chuẩn bị khởi nghĩa. Từ đây trách nhiệm của hai ông được phân định cụ thể, Thái Phiên  phụ trách chỉ huy tấn công quân sự, còn Trần Cao Vân sẽ chịu trách nhiệm thường xuyên liên lạc với nhà Vua, để dự thảo các văn kiện khởi nghĩa quan trọng trình cho nhà vua trước khi ban bố; khi nhà vua xuất cung thì Trần Cao Vân sẽ tháp tùng, bảo vệ ngài. Cuộc khởi nghĩa ở khắp Trung Kỳ năm 1916 đã huy động được một lực lượng rất lớn khiến mật vụ Pháp rất bất ngờ.

Ngày 16-5, tại Trường THPT Thái Phiên, Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng phối hợp với các sở ngành thành phố tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày Thái Phiên hy sinh vì đại nghĩa.

Vào ngày 27-4-1916, ở nhà tú tài Đỗ Tự, tại làng Miếu Bông đã diễn ra cuộc họp giữa các thủ lĩnh để quyết định cuộc khởi nghĩa. Bản báo cáo của Khâm sứ Trung kỳ Trigon ngày 10-7-1916 thuật lại về cuộc họp này như sau: "Trong đêm 27-4, tại làng Miếu Bông, tỉnh Quảng Nam, đã tiến hành một cuộc họp lớn của những người đồng mưu. Tại cuộc họp này đã phổ biến chiếu chỉ của nhà Vua gửi quan lại ba miền kêu gọi mở cuộc chiến đấu, tổng khởi nghĩa lấy tên là "Nghĩa"-của những người trung thành - vào đêm ngày 2 rạng ngày 3 tháng Tư âm lịch - tức đêm ngày 3 rạng sáng 4-5- 1916.

Chiếu chỉ này cũng bổ nhiệm 4 nhân vật cao cấp như sau: Trần Cao Vân-Cố vấn tối cao, người bảo vệ nhà Vua, phụ trách về quân sự. Thái Phiên-Phụ tá cố vấn tối cao, phụ trách kinh tế, tài chính. Lâm Nhĩ-Thống chế.  Nguyễn Quang Siêu - Tổng quản kinh đô và Hoàng cung". Phan Thành Tài-người tham gia cuộc khởi nghĩa cũng thuật lại rằng, trong cuộc họp suốt đêm 27-4-1916,  các thủ lĩnh đã phân công trách nhiệm phụ trách khởi nghĩa đối với từng người ở mỗi địa phương như sau: Trần Cao Vân và Thái Phiên sẽ phụ trách chỉ đạo khởi nghĩa ở Huế; Phan Thành Tài phụ trách chỉ huy khởi nghĩa ở Đà Nẵng và Tỉnh thành La Qua tại Điện Bàn; Lê Đình Dương phụ trách chỉ huy khởi nghĩa ở Hội An. Cuộc khởi nghĩa dự định nổ ra tại Huế vào đêm 3-5-1916, tuy nhiên phút cuối đã bại lộ ở Quảng Ngãi. Ông Lê Hồng Khánh cho rằng cuộc khởi nghĩa bị lộ đầu tiên tại Quảng Ngãi là do một đảng viên Việt Nam Quang phục. "Võ An, người phủ Tư Nghĩa (là lính tập đóng trong thành Quảng Ngãi, được tổ chức vận động và trở thành đảng viên của Việt Nam Quang phục hội), trước khi bị đổi đi Phú Yên đã dặn người em là Võ Huệ rằng: "Đến ngày 1 tháng 4 Bính Thìn (tức ngày 3-5-1916), em hãy về quê và xa lánh công đường vì bữa đó tất có biến!".

Nghe tin, Võ Huệ lo sợ đến bẩm báo với Án sát Quảng Ngãi là Phạm Liệu, liền bị Phạm Liệu bắt tra khảo để dò tìm kế hoạch khởi nghĩa. Phát hiện mưu đồ của Việt Nam Quang phục hội, Phạm Liệu bèn tức tốc báo cho Khâm sứ Trung Kỳ tại Huế là Charles". Kế hoạch bị lộ nên thực dân Pháp nhanh chóng đàn áp cuộc khởi nghĩa. Sau đó, vua Duy Tân bị bắt đày sang đảo Reunion, Trần Cao Vân, Thái Phiên, Nguyễn Quang Siêu và nhiều chí sĩ  khác bị chém ở pháp trường An Hòa vào ngày 17-5-1916...

100 năm qua, cho dẫu cuộc vận động khởi nghĩa chống Pháp cứu nước do vua Duy Tân và các lãnh đạo của Việt Nam Quang Phục Hội tổ chức và chỉ đạo năm 1916 bất thành, nhưng sự kiện đó đã để lại di sản tinh thần to lớn về tình yêu quê hương, tinh thần tự chủ, tự cường đánh giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Qua đó, chúng ta thấy được tinh thần vì nước tận hiến của vua Duy Tân và nhiều chí sĩ như Thái Phiên, Trần Cao Vân.

Hoàng Anh