Di sản Đặng Tiểu Bình và 30 năm cải cách Trung Quốc
Thâm Quyến đã trở thành
(Cadn.com.vn) - Trải qua 30 năm cải cách và mở cửa, Trung Quốc đã nỗ lực vươn dậy, thay đổi diện mạo của đất nước và trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới.
một trung tâm kinh tế của Trung Quốc.
Hội nghị Trung ương lần thứ 3, khóa 11 của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 18-12-1978 diễn ra tại Bắc Kinh với quyết định cải cách và mở cửa đã mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước này. Quyết định của Hội nghị đã khơi mào đưa Trung Quốc vươn lên từ sự sụp đổ kinh tế sau Cách mạng văn hóa (1966-1976). Cha đẻ của công cuộc hiện đại hóa, kiến trúc sư của công cuộc cải cách, mở cửa vĩ đại tại đất nước đông dân nhất thế giới này là cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình.
Lúc đó, ông Đặng Tiểu Bình tuyên bố: “Chúng ta phải học cách quản lý kinh tế bằng các phương tiện kinh tế”. Theo đó, ở bước đi đầu tiên, chính sách công xã trong nông nghiệp và công nghiệp được hủy bỏ, thay vào đó là các trang trại tư nhân quy mô nhỏ... Lên nắm quyền từ năm 1978 trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang ở bên bờ vực thẳm với mức thu nhập bình quân đầu người chỉ 250 USD, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình khuyến khích người dân tự vươn lên sản xuất, làm giàu bởi theo ông, “nghèo không phải là xã hội chủ nghĩa”.
Chính ông đã thiết lập một nền tảng vững chắc cho công cuộc cải tổ và các chính sách mở cửa, xây dựng học thuyết hiện đại. Ông chủ trương hòa bình và phát triển là 2 vấn đề quan trọng của thế giới đương đại, tạo cơ sở cho Đảng và chính phủ Trung Quốc chuyển trọng tâm sang hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa. Nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình kiên định quan điểm phải mở cửa để hội nhập với thế giới bên ngoài, mở rộng trao đổi với các nước khác trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi... Năm 1980, Thâm Quyến - đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc - được thành lập, là sự thử nghiệm của mô hình kinh tế thị trường. Từ một làng chài với 30.000 dân, Thâm Quyến đã trở thành một trung tâm kinh tế có 12 triệu người, kéo theo sự ra đời sau đó của các đặc khu kinh tế khác: Chu Hải, Sán Đầu và Hạ Môn, tạo ra động lực phát triển cho toàn bộ đất nước Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào thăm làng Wuzhi,
thành phố Jiaozuo, tỉnh Hà Nam. Ảnh: THX
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cho rằng: “Không có vị lãnh đạo Đặng Tiểu Bình sẽ không có những chính sách cải cách, mở cửa và sẽ không có một xã hội văn minh, hiện đại”. Theo ông Hồ Cẩm Đào, học thuyết của Đặng Tiểu Bình và những thay đổi lớn trong 30 năm qua đã chứng minh phương hướng, đường lối cải cách và mở cửa Trung Quốc là hoàn toàn đúng đắn. Cải cách và mở cửa là động cơ cốt lõi của tất cả những thành tựu và tiến bộ mà người dân Trung Quốc đã đạt được.
Tháng 11-2001, Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), chính thức trở thành một thành viên trong hệ thống thương mại đa phương toàn cầu. Tháng 8-2008, Trung Quốc tổ chức thành công Thế vận hội Olympic, được đánh giá là có quy mô hoành tráng và thành công nhất trong lịch sử các kỳ đại hội. Ngoài ra, thế giới còn phải kinh ngạc về những thành tựu chinh phục vũ trụ của đất nước này. Việc tàu Thần Châu 7 ngày 28-9-2008 đưa nhà du hành Trác Chí Cương bước ra ngoài không gian trong 20 phút đã ghi danh Trung Quốc trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới thực hiện thành công cuộc đi bộ ngoài không gian.
Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, mức thu nhập trung bình của người Trung Quốc năm 1985 chỉ là 293 USD, nhưng đến năm 2006 đã lên mức 2.025 USD. Tuổi thọ người dân tăng thêm 7 năm, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm 40%, số người nghèo ở nông thôn giảm 95% so với 30 năm trước. Trong 3 thập niên qua, Trung Quốc duy trì tỷ lệ tăng trưởng trung bình hằng năm 9,8%, gấp 3 lần so với tỷ lệ trung bình của thế giới. GDP tăng từ khoảng 360 tỷ NDT (khoảng 52 tỷ USD theo tỷ giá hiện nay) vào năm 1978 lên 24,95 nghìn tỷ NDT (3,6 nghìn tỷ USD) năm 2007, biến Trung Quốc thành nền kinh tế lớn thứ 4 trên thế giới.
Các học giả Trung Quốc khẳng định: Cải cách và mở cửa là sự lựa chọn tự nhiên của đất nước này để đối phó với khủng hoảng tài chính thế giới hiện tại. Sau 30 năm, Trung Quốc vẫn khao khát cải cách và mở cửa. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào vẫn cho rằng không thể tự bằng lòng về những gì đã đạt được bởi “đứng yên và giật lùi sẽ chỉ dẫn đến đường cùng”. Ông vẫn chủ trương tập trung vào tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội, dựa vào vai trò lãnh đạo của Đảng và tiếp tục phát triển chủ nghĩa xã hội với những đặc trưng của Trung Quốc.
Thảo Phương