Đi theo chính nghĩa
(Cadn.com.vn) - Là Đảng tiên phong của giai cấp vô sản, song với tôn chỉ, mục đích nhân văn lớn lao và tinh thần quốc tế trong sáng, trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chinh phục, thu hút nhiều tầng lớp, giai cấp xã hội tham gia: nhân sĩ, trí thức, thương nhân... Câu chuyện dưới đây kể về hai thầy trò, đều là kỳ nhân làng võ xứ Quảng, đã giác ngộ và đi theo Đảng từ rất sớm, đấu tranh cho chính nghĩa...
Võ sư Hồ Cưu, người gốc làng Châu Bí, nay thuộc xã Điện Tiến, H. Điện Bàn (Quảng Nam) là một tài năng xuất chúng trong làng võ Việt. Từ năm 1935 đến năm 1940, Hồ Cưu đã giành được các danh hiệu Vô địch Quảng Nam, Vô địch miền Trung, Vô địch miền Nam, và trong 2 năm 1937-1938, ông vô địch trận đài 5 xứ Đông Dương (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Campuchia và Lào) do Pháp tổ chức. Năm 1942, Hồ Cưu tham gia phong trào Việt Minh, làm công tác truyền bá chữ quốc ngữ, vừa huấn luyện võ thuật, vừa làm Đội phó đội Quyết Tử của tổng Định An. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Hồ Cưu công tác tại Tỉnh đội Quảng Nam và hy sinh năm 1948 trong một lần đi công tác vượt sông Thu Bồn, khi mới 36 tuổi.
Đình làng Quảng Đại (xã Đại Cường, H. Đại Lộc) |
Ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng lẫn khí chất của người thầy, học trò cưng của Hồ Cưu là ông Nguyễn Nhị (Nguyễn Đăng Nhị) người xóm Bàu, làng Quảng Đại, xã Lộc Phước (nay thuộc xã Đại Cường, H. Đại Lộc, Quảng Nam), cũng tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Trong Cách mạng Tháng Tám 1945, ông từng được Ban lãnh đạo khởi nghĩa Tổng Quảng Hòa giao nhiệm vụ truy bắt phản động thân Nhật. Ông hy sinh năm 1968 khi đang giữ cương vị Bí thư chi bộ kiêm Chủ tịch UBND cách mạng xã Lộc Phước. Cũng như người thầy, ông quan niệm người học võ phải theo chính nghĩa, sức lực phải phục vụ dân, phục vụ đất nước, học võ không phải để đánh người mà là để cứu người... Quan điểm này thể hiện trong hai câu chuyện sau đây.
Chuyện đầu tiên xảy ra thời trước Cách mạng Tháng Tám. Có một địa chủ tận Tí, Sé, Dùi Chiêng (nay thuộc H. Nông Sơn) cho người xuống rước dân võ làng Quảng Đại lên giúp giữ trật tự để thu hoạch mùa vụ. Ông Nguyễn Nhị cùng một số anh em giỏi võ đồng ý giúp. Song đến nơi, tìm hiểu ra ông mới biết đối tượng địa chủ nọ cần các ông "dằn mặt" là người dân nghèo khó trong vùng. Vậy nên, ông và nhóm võ sinh vừa tiếp cận, trò chuyện với dân trong vùng, cương quyết tránh tình trạng "đối đầu". Địa chủ ngầm biết chuyện, cho một đám trai tráng giả làm kẻ "bất phục" tay dao, tay thước vây lấy anh em võ sinh, quyết ăn thua đủ. Song với tài nghệ của mình, ông Nhị và một người tên Chưởng mỗi người cầm lấy một đoạn gốc tre đực, "múa" ào ào giữa trưa hè nắng gắt. Đám tráng đinh kia hoảng hốt, bỏ cả dao, thước chạy mất mật. Biết đó là chiêu "thăm dò" của địa chủ nọ, nhiều võ sinh thắc mắc hỏi tại sao không đánh, bắt một, hai tên tra hỏi, vạch mặt tay địa chủ chơi đểu kia, ông Nhị ôn tồn bảo: "Một sự nhịn là chín sự lành. Học võ là để cứu người, chớ không phải để đánh người".
Chuyện thứ hai là cuộc chạm trán lịch sử giữa ông Nguyễn Nhị và đại võ sư Huỳnh Tiền. Trong quá trình thượng đài, Huỳnh Tiền từng hạ nhiều tay đấm sừng sỏ như Võ Châu Long, Hồ Thanh Xuân (Bình Định), Trần Văn Ngọ (tức Kim Sang, Quảng Ngãi), Phan Thành Sự (Bến Tre), Lý Soul, Văn Thọ (Campuchia), Văn Hoán (vô địch Bắc Kỳ), Trịnh Thiếu Anh (Khánh Hòa), Trần Cơ (Hải Phòng), Lê Hữu Vĩnh (Rạch Giá), Thái Học Kỳ (Cần Thơ), Lữ Hồng Cơ (Cà Mau), Nguyễn Son (vô địch miền Tây)... Trong số các võ sĩ đương thời, chỉ có mỗi "Võ Vương" Minh Cảnh (vô địch Đông Dương) là thắng được Huỳnh Tiền một trận, còn lại cũng phải chịu 2 trận thua và một trận hòa trong 4 lần so găng. Huỳnh Tiền đoạt chức vô địch Việt Nam (quyền Anh và quyền tự do) năm 1948, 1949, 1953, 1965. Thế nhưng, đã có một "dấu lặng" khó quên đối với Huỳnh Tiền, đó là lần thua điểm tay đấm Nguyễn Nhị trong một độ quyền tự do tại võ đài Hội An (Quảng Nam).
Chuyện là, những năm 50 của thế kỷ trước, võ sư Huỳnh Tiền từ miền Nam ra Hội An rung dây 7 đêm liền thách đấu nhưng không có đối thủ. Lúc này, ông Nguyễn Nhị đang bị Mỹ- Diệm bắt giam ở nhà lao Hội An cùng những người kháng chiến và yêu nước khác. Ông Trương Công Tùy (nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Đại Lộc, đã từ trần) có lần kể lại với thân nhân ông Nguyễn Nhị, rằng: "Thời ấy, tôi cùng bị ở tù với anh Nhị. Không biết nghe ai mách bảo mà đích thân Trưởng Ty Cảnh sát Quảng Nam vào nhà lao mời anh Nhị ra thượng đài và "treo giải": nếu thắng được võ sư Huỳnh Tiền thì được về quê làm ăn, không ai làm khó dễ. Tôi biết, không phải vì tin lời hứa của đối phương mà chính vì sĩ diện và danh dự của làng võ đất Quảng, ở thế chẳng đặng đừng, anh Nhị miễn cưỡng nhận lời".
Trận so tài vô tiền khoáng hậu được tổ chức với sự cổ vũ nhiệt tình của đông đảo khán giả, trong đó có cả những người tù yêu nước được quản tù cho dự khán. Nhìn thân hình ốm yếu của người tù sau những trận đòn roi, nhiều người lo sợ ông Nguyễn Nhị mất mạng trong trận quyết chiến với "Đệ nhất anh hùng miền Đông". Huỳnh Tiền hùng dũng bước ra võ đài sau khi được ban tổ chức cuộc đấu giới thiệu thành tích rất "kêu". Còn ông Nhị khiêm tốn chỉ xưng danh tính và thành thật cho biết chưa một lần thượng đài, vì thường ngày theo thầy học võ chỉ mong bảo vệ sức khỏe mà lo việc nông tang. Khán giả vỗ tay rầm trời. Khi được lệnh của trọng tài, hai người bái tổ, chào nhau, rồi thủ thế, lựa miếng... Kỳ lạ thay, chưa đầy một hiệp đấu, người bị hạ đo ván lại chính là võ sư họ Huỳnh. Xe cứu thương hụ còi inh ỏi đưa ông ta vào nhà thương Hội An cấp cứu trong sự sững sờ của đám thủ hạ. Sau trận này, Huỳnh Tiền tuyên bố không bao giờ ra miền Trung thi đấu nữa!
Vân Thu