Báo Công An Đà Nẵng

Di tích Chăm Phong Lệ: Ảm đạm sau khai quật

Thứ sáu, 20/12/2013 07:10

(Cadn.com.vn) - Cuối năm 2012, giới khảo cổ và người quan tâm đến các di tích Chămpa đều bất ngờ, khi Đà Nẵng khai quật được di tích Chăm Phong Lệ (P. Hòa Thọ Đông, Q.Cẩm Lệ). Lúc đó rất nhiều ý tưởng, đề án được đưa ra để di tích này trở thành điểm du lịch của thành phố. Thế nhưng sau một năm, những ý tưởng đó trở nên xa vời, còn di tích thì dần xuống cấp.

Bây giờ tại di tích Chăm Phong Lệ, sự vắng lặng đã thay thế cho không khí tất bật những ngày khai quật năm trước với những phiến đá và gạch Chăm rêu phong bao phủ. Hố thiêng-được xem là phát hiện độc đáo của di tích Chăm Phong Lệ dù được che chắn bạt, bao cát nhưng cũng không ngăn được tác động của thời tiết. Nhìn cảnh ấy, hẳn nhiều người tâm huyết với di tích này không khỏi chạnh lòng. "Sau khi khai quật, chúng tôi cũng nghe nói thành phố sẽ quy hoạch lại khu này, phục vụ du lịch nhưng từ đó đến chừ có thấy động tĩnh chi đâu. Lúc trước cũng thấy đoàn viên thanh niên phường đến dọn dẹp rác nhưng sau thì chẳng thấy gì nữa"-một người dân sống gần di tích Chăm Phong Lệ nói.



Hố thiêng ở di tích Chăm Phong Lệ và những viên đá thạch anh
được tìm thấy trong cuộc khai quật năm 2012.

Còn nhớ khi phát hiện ra di tích Chăm Phong Lệ, Bảo tàng Chăm phối hợp với Trường Đại học khoa học, xã hội và nhân văn Hà Nội tổ chức khai quật thăm dò trên diện tích 506 m2. Cuộc khai quật đó được ví là "mở vào lòng đất" tại Phong Lệ, chấm dứt giai đoạn trăm năm ẩn mình và từng bước hé lộ những thông tin thú vị về kiến trúc Chăm tồn tại ở Đà Nẵng.

Lúc đó ông Nguyễn Chiều-giảng viên bộ môn khảo cổ học (Đại học quốc gia Hà Nội), người trực tiếp khai quật khảo cổ di tích Phong Lệ hào hứng thông báo: "Khi tiến hành khai quật 5 hố với tổng diện tích 206m2 tại khu di tích đã phát hiện 2 phế tích Chăm có quy mô lớn và thu thập được 30 hiện vật tương đối nguyên vẹn và hàng trăm viên gạch, gốm và đá có niên đại cách đây 1.000 năm, nhiều di vật có chạm khắc hoa văn rất tinh tế. Qua các hố khai quật, chỉ mới phát lộ một phần quy mô và một số di vật. Nhưng chừng đó cũng đủ để khẳng định, tại Phong Lệ trước đây hiện hữu 1 công trình kiến trúc Chămpa đồ sộ, xây bằng gạch, có tiền sảnh và cửa hướng về phía đông. Di tích Phong Lệ còn ẩn chứa nhiều điều mới mẻ và thú vị về kiến trúc Chăm".

Sau đó trong cuộc khai quật tiếp theo, giới khảo cổ cả nước thật sự bất ngờ khi phát hiện Hố thiêng trong di tích Chăm Phong Lệ. Hố thiêng được xây rất cẩn thận bằng gạch viên, chia thành nhiều lớp với cấu tạo khác nhau. Trên cùng là 3 lớp gạch viên được mài, gọt và xây ghép cẩn thận. Tiếp theo là lớp gạch vụn đầm, dày khoảng 3-4 cm. Lớp tiếp dày khoảng 1,6 m gồm cuội và cát trắng. Phần lớn cuội có kích thước lớn, thậm chí dài tới 20-30 cm. Chính giữa hố có lỗ tròn đường kính khoảng 1 m.

Trong lỗ là gạch lộn xộn lẫn với đất, cuội và cát. Đáy lỗ có vòng tròn được xếp bằng nhiều viên cuội hình trứng khá đẹp, kích thước khá đều đặn lẫn với thạch anh trắng. Ăn sâu vào vách tường hố còn có những ô nhỏ hình tháp. Mỗi ô được chia làm 2 phần, ngăn cách bởi gạch vuông. Trên viên gạch vuông thường là những viên thạch anh nhỏ, phía dưới là một viên cuội granite hình trứng dựng đứng...

Sau một năm, di tích Chăm Phong Lệ bị rêu phong như thế này.

Nhận định về cuộc khai quật, nhóm nghiên cứu đánh giá, nó đã làm lộ ra khá rõ ràng và chính xác toàn bộ quy mô và cấu trúc nền móng của một tòa tháp Chăm rất lớn. Đặc biệt, tại di tích Chăm Phong Lệ lần đầu tiên đã khai quật được một Hố thiêng có bố cục hoàn toàn khác lạ với những di tích Chăm khác. Việc khai quật trong lòng tháp là một phát hiện rất mới vì trước đó chưa ai đi sâu vào lòng tháp Chăm như thế để thấy được cấu trúc cụ thể của nó. Vì vậy sau khi việc khai quật tiến hành xong,  nhiều người đã nghĩ đến việc xây dựng nơi đây thành Vườn khảo cổ hoặc bảo tàng ngoài trời để phục vụ việc tham quan du lịch và nghiên cứu.

Nhắc lại như vậy để thấy rằng, di tích Chăm Phong Lệ chứa đựng một giá trị lịch sử, văn hóa không hề nhỏ. Thế nhưng một năm qua, di tích Chăm Phong Lệ vẫn còn nằm đó chịu gió mưa, các hố khai quật dần bị hư hại. Tìm hiểu chúng tôi được biết hiện việc lập hồ sơ để di tích Chăm Phong Lệ trở thành di tích cấp thành phố vẫn chưa thực hiện xong, đừng nói gì đến chuyện biến nó trở thành vườn khảo cổ.

Minh Hà