Di tích Chăm Phong Lệ – chờ đến bao giờ?
(Cadn.com.vn) - Được khai quật sau hơn 100 năm ẩn mình, di tích Chăm Phong Lệ (P.Hòa Thọ Đông, Cẩm Lệ) đã trở thành phát hiện khảo cổ lớn ở Đà Nẵng. Thế nhưng, nhiều năm sau khai quật, di tích này vẫn chưa được bảo tồn.
Sau ngày khai quật, di tích Chăm Phong Lệ vẫn chưa được bảo tồn hợp lý. |
Di tích Chăm Phong Lệ được khai quật vào năm 2011, trên cơ sở những hiện vật độc đáo, cùng với nền móng quy mô và giá trị văn hóa Chăm đặc biệt, nơi đây được UBND thành phố Đà Nẵng quy hoạch thành khu bảo tồn. Vì vậy nhiều hộ dân ở P. Hòa Thọ Đông nằm trong diện di dời để làm khu bảo tồn di tích Chăm Phong Lệ. Tuy nhiên, 6 năm qua người dân nơi đây cứ thấp thỏm không biết có di dời không. Sống trên nền di tích Chăm Phong Lệ, bà Lê Thị Út (tổ 3, P.Hòa Thọ Đông) cho biết, nghe thông tin giải tỏa đã lâu nhưng mấy năm qua chưa thấy di dời. "Chính quyền đã đến đo đạc, áp giá đền bù nhưng mấy năm rồi vẫn chưa thấy động tĩnh. Người dân chúng tôi ở đây ai cũng muốn sớm được giải tỏa, chứ nói thật sống trên đất di tích lo lắm", bà Út nói. Cũng như bà Út, anh Phan Văn Hoàng (tổ 3, P.Hòa Thọ Đông) mong chờ sớm được giải tỏa để nhường đất bảo tồn di tích Chăm Phong Lệ. "Sau khi khai quật, di tích không được bảo vệ gì nhiều, các hiện vật cứ lộ thiên như vậy, các hố khai quật bị mưa gió làm xói lở, cuộc sống của người dân chúng tôi cũng xáo trộn nữa, không biết chờ đến bao giờ mới giải tỏa", anh Hoàng bức xúc.
Việc chậm bảo tồn di tích Chăm Phong Lệ đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống người dân. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch UBND Q. Cẩm Lệ cho biết có 24 hộ dân nằm trong diện di dời trong quy hoạch khu bảo tồn di tích Chăm Phong Lệ. "Quận đã hoàn thành việc kiểm định, áp giá đền bù cho các hộ dân và đã chuyển hồ sơ cho Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố. Chúng tôi cũng rất lo lắng về tình trạng hiện nay của di tích Chăm Phong Lệ, nên về phần mình quận sẽ thực hiện nhanh các thủ tục cần thiết để sớm giải tỏa và bố trí đất tái định cư cho các hộ dân, cũng như phát huy di tích Chăm Phong Lệ thành điểm du lịch ở địa phương", ông Sơn nói. Phải nhắc lại rằng, di tích Chăm Phong Lệ được khai quật là phát hiện lớn về di tích Chăm ở Đà Nẵng. Kết quả khảo cổ cho thấy, tại đây có ít nhất 3 tháp Chăm có niên đại khoảng 1.000 năm. Trong đó có một diện tích nền tháp lớn bậc nhất so với tất cả tháp Chăm còn lại hiện nay, cấu trúc lòng tháp (hố thiêng) rất tiêu biểu... Tiến sĩ Lê Đình Phụng, Viện khảo cổ học Việt Nam đánh giá rằng, so sánh với các di tích thuộc cùng nhóm kiến trúc thì Phong Lệ có quần thể kiến trúc lớn, là trung tâm tôn giáo của người Chăm trong lịch sử vùng đồng bằng ven biển. Phế tích tháp Phong Lệ với kỹ thuật xây dựng và phong cách chạm khắc vừa có tính truyền thống Chămpa vừa manh nha dấu hiệu đột phá của phong cách nghệ thuật mới. Đó là tư liệu quý giúp nghiên cứu tìm hiểu về nghệ thuật điêu khắc Chămpa trong tiến trình phát triển của nền văn hóa này. Khi di tích Chăm ở Phong Lệ được khai quật, các nhà nghiên cứu đã thu thập được nhiều tư liệu quý về văn hóa Chăm ở Đà Nẵng. Lúc đó ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cho biết sẽ tiến hành thêm cuộc khai quật khác trên diện tích lớn hơn, rồi sau đó sẽ xây dựng nơi đây thành vườn khảo cổ hoặc bảo tàng ngoài trời để phục vụ việc tham quan và nghiên cứu. Thế nhưng, sau nhiều năm các hố khai quật vẫn nằm trơ gan với nắng mưa, duy chỉ có hố thiêng là được che chắn bằng mái tôn. Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VH-TT TP Đà Nẵng cho biết đang khẩn trương tiến hành việc bảo tồn di tích Chăm Phong Lệ. "Phải nói rằng thời gian qua, việc bảo tồn và phát huy di tích Chăm Phong Lệ chưa thực hiện tích cực. Tuy nhiên, di tích này có giá trị rất đặc biệt đối với văn hóa Chăm ở Đà Nẵng, nên phải hết sức cẩn trọng trong việc khai quật và bảo tồn", ông Hùng nói. Ông Hùng cũng cho biết, trong năm 2011, chỉ mới khai quật được 500m2, vì vậy nếu khai quật hết hơn 2.600m2 ở di tích Phong Lệ thì sẽ còn phát hiện thêm nhiều hiện vật giá trị khác. Vừa qua, Sở VH-TT phối hợp với Sở Xây dựng và Viện Quy hoạch xây dựng thành phố đề xuất và được UBND thành phố đồng ý chủ trương mở rộng ranh giới quy hoạch khu khai quật và bảo tồn di tích Chăm Phong Lệ lên diện tích hơn 17.000 m2, đồng thời lập thủ tục để xếp hạng di tích cấp quốc gia đối với di tích này. "Công việc đang được chúng tôi tiến hành. Khi hoàn thành nơi đây sẽ thành một khu bảo tồn di sản văn hóa Chăm, trưng bày các hiện vật Chăm từng được khai quật ở di tích Phong Lệ, kết hợp với bày bán các sản phẩm truyền thống của địa phương và trình diễn nghệ thuật truyền thống... Do tính chất đặc biệt của di tích Chăm Phong Lệ nên chúng ta phải thực hiện cẩn trọng, để từng bước đưa nơi đây trở thành điểm tham quan phục vụ du khách, cũng như công tác nghiên cứu văn hóa Chăm ở Đà Nẵng", ông Hùng chia sẻ.
Với những giá trị đặc biệt ẩn chứa trong di tích Chăm Phong Lệ, thiết nghĩ thành phố cần có sự đầu tư thỏa đáng, bởi không phải địa phương nào cũng tồn tại một di tích Chăm độc đáo như ở Phong Lệ.
Hoàng Anh