Đi tìm bia ghi công tích mở đường đèo Le
Đèo Le đã khá quen thuộc với nhiều người. Đây là tuyến giao thông bộ huyết mạch kết nối huyện Nông Sơn với miền xuôi, là ranh giới của hai huyện Nông Sơn và Quế Sơn anh em (Quảng Nam). Nói đến đèo Le, hẳn nhiều người liên tưởng đến nhiều giai thoại, nhưng với tôi kỷ niệm đáng nhớ nhất là thời gian đi tìm bia ghi công tích mở đường đèo Le.
Bia ghi công tích mở đường đèo Le. |
Tìm bia công tích người mở đường
Sử sách đã ghi: “Khi về hưu tại quê nhà ông Nguyễn Đình Hiến là người có công rất lớn mở con đường đèo Le tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương và phát triển kinh tế cho vùng đất quê hương. Nguyễn Đình Hiến tự Dực Phu, hiệu Ấn Nam, thụy Mạnh Khả, sinh ngày 29-3-1872 trong một gia đình danh gia vọng tộc ở làng Lộc Đông (xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn bây giờ). Năm 1900 ông đỗ cử nhân, năm 1901 đỗ phó bảng trong kỳ thi Hội. Triều đình bổ giữ chức Hàn lâm viện kiểm thảo, sau đó được bổ giữ nhiều chức vụ quan trọng khác ở các địa phương và trong triều đình Huế. Năm 1928 ông được thăng làm Hiệp tá Đại học sĩ và xin về hưu cũng trong năm này, đến năm 1931 thì về sống ở quê tại làng Lộc Đông. Ông mất ngày 17-3-1947, hưởng thọ 75 tuổi”.
Có nghe thông tin trước đây người ta chuẩn bị dựng bia nói về lịch sử đèo Le trên đỉnh đèo, nhưng vì một nguyên nhân nào đó nên không dựng được. Chính vì điều đó đã thôi thúc tôi tìm hiểu về lịch sử của con đường đèo Le mà đặc biệt là tấm bia. Khi đến địa phương, các cụ cao niên cho biết, trước đây vùng này bốn bề là rừng rậm núi cao chưa có đường bộ, mọi sự giao lưu với bên ngoài đều đi bằng đường thủy theo sông Thu Bồn. Dần về sau, nhu cầu đi lại càng nhiều, người dân phải cắt rừng, vượt núi để đi. Lâu dần thành lối mòn, nhưng đường rất khó đi, phải len lỏi vượt qua rừng rậm núi cao hiểm trở cả buổi đường mà chưa xuống được vùng Đông.
Lần theo nhiều thông tin, tôi gặp ông Trần Đình Khởi, Hồ Ngọc Huệ nghe ông kể về đức độ và công lao của cụ Nguyễn Đình Hiến đối với quê hương trong thời gian ông nghỉ hưu. Lịch sử, công tích mở đường đèo Le được cụ Hiến cho khắc trên bia đá. Bia được khắc 4 tấm, có cả nhà bia, nhưng khi chuẩn bị dựng bia trên đỉnh đèo thì Cách mạng tháng Tám 1945 nổ ra nên không dựng được và phải khiêng đi cất giấu. Sau này nhân dân tìm những tấm bia này về để bên đường, qua nhiều lần làm đường bị thất lạc một tấm. Ông Nguyễn Đình Khởi dẫn tôi đến chỗ những tấm bia đang bị vùi lấp một phần bên vệ đường 611. Về nhà ông đưa tôi bản sao phần phiên âm và dịch nghĩa nội dung 3 tấm bia này...
Tạc ân công tích người xưa
Nội dung tấm bia thứ nhất: “Con đường đèo Le - Quế Sơn lúc bấy giờ thật hiểm trở, chung quanh đều là núi cao tạo nên tường thành. Về phía Đông có bốn tổng Trung Châu, tiếp về phía Tây là tổng Trung Lộc miền cao, thông với đường sông Thu Bồn và giáp miền thượng. Trước đây, người qua lại tổng Trung Lộc đều than thở đường hiểm núi cao, đá chởm, đất bùn. Mùa đông năm Bính Tý (1936), Tổng đốc Ngô Đình Khôi đi kinh lý miền thượng du gặp phó bảng Nguyễn Đình Hiến. Hai ông bèn bàn chuyện thương đồng với quan công sứ để mở đường thông lên miền thượng. Theo kết quả đi khám các con lộ miền trên của công sứ, đường cần mở phải có bề ngang ba thước tây, tuyến đường từ đông sang tây dài bảy ngàn thước tây, băng qua rừng rậm núi cao, hố sâu...
Công trình được xem là để khai sáng này quá lớn, bèn thành lập ban vận động lạc quyên gồm ông Lâm Xuân Quế (tú tài) ở xã Phước Bình, Nguyễn Đình Dương (hàm cửu phẩm) ở xã Lộc Đông. Ban lạc quyên đi vận động nhân dân trong tổng được 4.600 đồng lẻ, cùng trích số bạc tư ích ở các tổng và thu bạc hội chợ rồi giao cho quan lục lộ cùng tri huyện Nguyễn Trọng Thuần đốc thúc tiến hành. Mùa hạ năm Đinh Sửu (1937) khởi công khai phá rừng rậm, nào là bắn đá, đào lấp hố sâu, bắc cầu xây cống vất vả kéo dài đến mùa hạ năm Kỷ Mẹo (1939). Suốt ngần ấy năm dầm mưa dãi nắng, con đường đèo Le mới được hoàn thành. Ngày khánh thành (nay là địa điểm tại cây số 26) có tổng đốc và công sứ đến dự. Tất cả đều chúc mừng nhân dân tổng Trung Lộc từ nay đã có đường, xe thông từ đông sang tây, các thành phần sĩ-nông-công-thương có cơ hội phát triển thuận lợi”.
Tấm bia thứ hai: “Công đức các quan tỉnh, huyện và các nhà hảo tâm cần phải ghi tạc bia truyền... Từ nay thiên hạ qua lại đều hoan hỷ sự bằng phẳng của đèo Le tiện bề sinh hoạt các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội ở miền núi... Từ nay tiếp tục đến miền thượng du, dạy cho dân mở rộng chính trị, dạy nghề nghiệp, mở rộng quản lý tài nguyên. Trước hết làm chắc, sau sẽ nối tiếp, sẽ làm những đường mới thay cho các đường cũ nhất là miền. Để khỏi phụ lòng người hảo tâm xin khắc ghi công đức và ghi tạc danh sách lạc quyên ở các bia hai bên. Ngõ hầu không mất điều lành nên khắc bia ghi là vậy”. Phía dưới bia có đề “Bia được lập năm Bảo Đại thứ 14. Do Hiệp tá đại học sĩ hưu trí hiệu Ấn Nam Nguyễn Đình Hiến cẩn soạn. Phái viên đi lạc quyên: tú tài Lâm Xuân Quế, cửu phẩm Ngô Đình Dương, hiệp cùng sở tại chánh tổng Hồ Ngọc Thành, phó tổng Phan Khôi”. Tấm thứ ba, ghi lại địa điểm và năm dựng bia.
Hiện nay, đèo Le nhiều lần được chính quyền địa phương cải tạo mở rộng thêm, tráng nhựa bằng phẳng, giao thông thuận lợi hơn. Trên đỉnh đèo lại có suối Nước Mát luôn có nguồn nước mát lạnh được thiên nhiên hào phóng ban tặng cho lữ khách khi qua đèo. Từ đỉnh đèo phóng tầm mắt ra xung quanh một bức tranh phong cảnh hữu tình với những con đường làng ngoằn ngoèo thấp thoáng mái nhà, những chân ruộng mướt xanh... làm đắm say lòng người.
Cứ mỗi lần qua đèo Le, những câu chuyện về sự hiểm trở và cảnh mở đường hơn 60 năm trước cứ hiện về trong tôi. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương nên tìm cách phục dựng lại bia đá năm xưa để khi qua đèo thế hệ con cháu được hiểu về lịch sử hình thành của con đèo này thì có ý nghĩa biết bao.
Trần Vũ