Báo Công An Đà Nẵng

Đi tìm "Hoa biểu tượng" cho Đà Nẵng

Thứ sáu, 09/09/2016 10:06

(Cadn.com.vn) - Những năm gần đây diện mạo đô thị của Đà Nẵng đã có nhiều khởi sắc rất đáng tự hào, trong đó không thể không nói đến diện mạo về độ cây xanh, thảm hoa, cỏ trên những con đường, dải phân cách, đảo giao thông, công viên và cả trong khuôn viên, ban công của những căn nhà mặt phố...

Ở đây, xin đề cập đến chuyện hoa ở Đà Nẵng, một yếu tố rất cần quan tâm cho một đô thị đang hướng đến mục tiêu xanh - sạch - đẹp, một "Thành phố môi trường" như Đà Nẵng. Không thể phủ nhận, phố phường Đà Nẵng ngày càng "khoe hương tỏa sắc" theo thời gian. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận một cách khách quan, về mảng xanh của Đà Nẵng nói chung, về hoa nói riêng, vẫn còn thiếu một cái gì đó mang tính đặc thù của Đà Nẵng, như chủng loại chưa phong phú, chưa tạo bản sắc riêng,  chưa có những kiểu bài trí tạo ấn tượng…

Một dãy phố rực màu hoa giấy ở Hội An (Quảng Nam).

Ở tầm cỡ quốc gia đã có "Quốc hoa" mà Việt Nam ta hoa sen đã được xem là đại diện, còn mỗi địa phương, cũng nên có nhưng loại hoa riêng của mình hay nói nôm na là "địa phương hoa". Cũng nên hiểu là không phải chỉ duy nhất một loại hoa nào đó đâm chồi nẩy lộc, khoe sắc tỏa hương ở địa phương nào đó mới được chọn là hoa riêng của mình. Vấn đề ở đây là sự phổ biến, sự hòa hợp trong bức tranh chung của mỗi đô thị. Chẳng hạn, hoa Chăm Pa (hoa Sứ, hoa Đại) đâu phải chỉ mọc duy nhất ở nước Lào nhưng được nước họ chọn làm "Quốc hoa". Hay như cây Phong đâu phải chỉ mọc ở Canada mà người ta chọn lá phong là biểu tượng trên quốc kỳ của đất nước mình…

Gần gũi hơn là ở nước ta, cây phượng vĩ hầu như từ Nam chí Bắc đều có nhưng TP Hải Phòng lại được mệnh danh là "Thành phố hoa phượng đỏ", hay Hà Nội với hoa sữa.. v.v... Chính vì vậy, nêu Đà Nẵng chọn một loại hoa, chẳng hạn như hoa giấy (còn gọi là bông giấy)  làm biểu tượng hoa của mình cũng không có gì là bất thường, cái chính là chưa nơi nào chọn loại hoa này là "địa phương hoa" của mình cả. Loại hoa này tỏ ra rất thích hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của thành phố, chịu được nắng gió, hoa nở hầu như quanh năm, với nhiều màu sắc khác nhau, không cần đầu tư chăm sóc nhiều. Có một người bạn đã nói với người viết rằng: Đường Phạm Văn Đồng của Đà Nẵng mà làm những mái vòm cho  hoa giấy bám vào, du khách có thể lững thững dưới những vòm hoa giấy ấy cả lúc ban trưa, ban chiều thì thú vị biết mấy. Thực ra đã có vài giàn hoa giấy nằm "lẻ loi" ở vài con đường như Bạch Đằng chẳng hạn nhưng chưa tạo ấn tượng cho lắm.

Nói thêm về loại hoa giấy, cái tên thoạt nghe như là một loài hoa giả, được làm bằng giấy lại là một loài hoa thật. Tại sao lại gọi bằng hoa giấy? Người ta lý giải rằng, tại vì hoa này mỏng như giấy, rất mong manh. Và ý nghĩa của hoa giấy là sắc đẹp mong manh quyến rũ.  Gọi là hoa nhưng thực ra, những cánh hoa mà ta thấy với đủ sắc màu kia, thực chất, nói theo chuyên môn của ngành thực vật học, chỉ  là lá bắc biến thái, còn "hoa thứ thiệt" chỉ là một ống có 4 cánh nhỏ trên đầu, mà ta tưởng lầm là nhị hoa. Hoa giấy có nhiều giống lá xanh và lá hai màu xanh trắng gọi là hoa giấy lá bạc. Có giống hoa kép, có giống hoa đơn, có nhiều màu đỏ, màu da cam, vàng, tím, hồng và hai màu hồng và trắng. Nổi bật nhất có thể kể đến là loại hoa giấy có màu hồng xác pháo, bởi nó là cái màu vừa tươi, vừa dịu dàng, không "đẹp chói lóa" nhưng vẫn có cái gì đó kiêu sa, đằm thắm...

Mới đây, Thành ủy Đà Nẵng đã giao UBND TP chỉ đạo cơ quan chuyên môn trồng thí điểm cây hoa Giấy trên một số tuyến đường lớn và đường ven biển của thành phố. Đây là một tín hiệu vui cho nhưng ai yêu và muốn Đà Nẵng ngày càng đẹp và giàu bản sắc hơn. Hy vọng, trong tương lai không xa, Đà Nẵng sẽ có những "con đường hoa giấy" hoặc xa hơn là "thành phố hoa giấy" để mỗi khi nhắc đến Đà Nẵng thì bạn bè gần xa sẽ nhớ ngay đến loài hoa đặc trưng cho thành phố biển xinh đẹp này.

Dân Hùng