Báo Công An Đà Nẵng

Đi tìm hòa bình bị đánh cắp tại Islamabad

Thứ tư, 26/11/2014 09:58

(Cadn.com.vn) - Afghanistan và Pakistan phải xóa bỏ những bất đồng trong quá khứ nếu muốn có tương lai tốt đẹp.

Trong chuyến thăm nước ngoài lần thứ 3 sau khi đến Saudi Arabia và Trung Quốc, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đến Pakistan để thảo luận về vấn đề hòa bình mà Kabul đang rất cần. Chuyến thăm của ông Ghani diễn ra 2 ngày sau chuyến thăm của tân Tổng giám đốc Cơ quan Tình báo Nội địa Pakistan (ISI), tướng Rizwan Akhtar đến Kabul đàm phán về cùng chủ đề.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, chỉ huy quân đội Pakistan và Tổng giám đốc ISI có thể không thảo luận về vấn đề hòa bình ở Afghanistan. Sự nghi ngờ này xuất phát từ sự hợp tác không mấy thân thiện của quân đội Pakistan và cộng đồng tình báo trong nhiều thập kỷ qua tại Afghanistan.

Pakistan sẽ nỗ lực vì hòa bình?

Có những thực tế khó khăn, những nghi ngờ nghiêm trọng, và các câu hỏi bức xúc xung quanh câu trả lời cho vấn đề duy nhất này. Cựu Tổng thống Karzai có lẽ là nhà lãnh đạo Afghanistan duy nhất trong lịch sử hiện đại nỗ lực vì một giải pháp chính trị với Pakistan.

Sống ở Pakistan như người tị nạn và hoạt động chính trị hỗ trợ lực lượng Mujahideen từ năm 1980, ông Karzai nhận thấy mối quan hệ quyền lực ở Pakistan và vai trò quan trọng đối với sự bất ổn hoặc một nền hòa bình bền vững trên quê hương.

Ông Karzai làm những gì ông có thể làm với vai trò tổng thống của đất nước bị chiến tranh tàn phá để đạt mục tiêu đó. Tháng 10-2011, ông nói rằng, Afghanistan sẽ đứng về phía Pakistan nếu Mỹ - nhà tài trợ và là đồng minh của Afghanistan thời kỳ hậu Taliban- tiến hành chiến tranh chống lại Pakistan.

Tháng 10-2006, Tổng thống Karzai và cựu Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf tham dự cuộc họp ba bên tại Washington do Tổng thống Mỹ G.W. Bush tổ chức. Họ đã đồng ý triệu tập Đại hội đồng các bộ tộc Afghanistan (JIRGA) truyền thống để mở khóa các tiến trình hòa bình. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán hòa bình cho đến nay vẫn khó nắm bắt.

Tổng thống Ashraf Ghani (trái) gặp Thủ tướng Nawaz Sharif trong chuyến thăm Pakistan. Ảnh: Diplomat

Một Pakistan “bất đắc dĩ”

Có một câu nói rằng “Nếu bạn sống bên cạnh một người hàng xóm nghèo, bạn phải suy nghĩ nhiều hơn về sự an toàn của mình”. Pakistan đã sống bên cạnh Afghanistan và chứng kiến Kabul trải qua 30 năm hỗn loạn, 15 năm chuyển đổi chính trị nghiêm trọng và hiện giờ vẫn bất ổn. Các lãnh đạo tình báo và quân sự Pakistan chắc chắn phải nghĩ đến những mối đe dọa mà một Afghanistan bất ổn có thể gây ra cho Pakistan dài hạn.

Pakistan là một cường quốc hạt nhân, nhưng không theo đuổi vai trò bá chủ trong khu vực. Islamabad vẫn khó khăn về kinh tế, tăng trưởng bấp bênh và bạo lực sắc tộc. Vì những lý do này, Pakistan phải miễn cưỡng tham gia vào một thỏa thuận hòa bình với Afghanistan.

Kể từ sau sự sụp đổ của chế độ quân chủ ở Afghanistan vào năm 1973 và cuộc chiến của Liên Xô vào năm 1979, Pakistan là “người chơi” lớn tại Afghanistan. Islamabad  đào tạo và viện trợ cho quân nổi dậy Mujahideen tại Afghanistan và sau đó là Taliban, nhóm khủng bố nắm quyền tại Afghanistan vào năm 1996. Tuy nhiên, thời kỳ hậu Taliaban thay đổi cuộc chơi. Pakistan trở nên tức giận bởi vai trò ngày càng quan trọng của Ấn Độ ở Afghanistan.

Xóa bỏ lịch sử

Afghanistan và Pakistan bị lôi kéo vào cuộc xung đột lãnh thổ kéo dài và phức tạp tại đường Durand, được Anh phân định vào năm 1892 chia Pashtun thành hai phần.

Đến nay, Kabul không chỉ từ chối công nhận đường Durand là biên giới hợp pháp giữa hai nước mà nhiều lần tuyên bố ủng hộ Pashtunistan độc lập có thể thống nhất người Pashtun của cả hai nước. Dù nỗ lực ngoại giao vì hòa bình với Pakistan trong 13 năm qua, ông Karzai mạnh mẽ bác bỏ bất cứ thỏa thuận hay đàm phán nào về việc công nhận đường Durand.

Giờ đây, quên đi lịch sử có thể là giải pháp tốt nhất để sửa chữa những bất hòa Afghanistan và Pakistan. Ông Ghani sẽ tiếp tục thăm Islamabad, nhưng thành công cuối cùng sẽ chỉ đến nếu những người hàng xóm phiền hà ở Nam Á chứng tỏ lòng can đảm để phá vỡ từ lịch sử, và mở ra tương lai mới.

An Bình
(Theo Diplomat)