Báo Công An Đà Nẵng

Đi tìm kẻ tàn sát con tin Mỹ

Thứ bảy, 23/08/2014 08:18

(Cadn.com.vn) - Một cuộc săn lùng quốc tế đang được mở ra nhằm tìm cho ra kẻ đao phủ bịt mặt đã xuống tay chặt đầu dã man nhà báo người Mỹ James Foley - vụ việc gây chấn động thế giới trong những ngày qua.

Giới truyền thông Anh và cả thế giới đang lan tràn những suy đoán về việc, chiến binh IS này đến từ đâu. Đầu mối quan trọng bắt đầu ở nước Anh. Bởi lẽ, các quan chức London cho biết, cách phát âm của kẻ giết người mang đậm chất dân bản xứ Anh. Các chuyên gia ngôn ngữ học cũng cho rằng, giọng nói cho thấy, người này đến từ phía đông nam nước Anh hoặc London hoặc là thủ phủ vùng East End.

Khi những thông tin chi tiết về kẻ máu lạnh này xuất hiện, Thủ tướng Anh David Cameron rút ngắn kỳ nghỉ hè, triệu tập cuộc họp quan trọng của Ủy ban Khẩn cấp, được gọi là COBRA, ở London bàn về mối đe dọa của nhóm IS.

Thủ tướng Cameron lên án vụ sát hại là "tàn nhẫn, man rợ" và nói rằng "nhiều khả năng" đây là phần tử thánh chiến Hồi giáo người Anh. Nhưng với khoảng 400-500 chiến binh người Anh được tuyển mộ hoạt động ở Syria và Iraq - mặc dù nhiều người tin rằng số người còn cao hơn nhiều - việc xác định danh tính kẻ giết người là một nhiệm vụ khó khăn và tốn nhiều thời gian.

Mỹ, Anh và các đồng minh đang ráo riết truy lùng kẻ đao phủ bịt mặt (phải) ra tay tàn sát dã man nhà báo Foley (trái). Ảnh: ABC

Trong khi danh tính kẻ giết người man rợ này vẫn là một câu hỏi bí ẩn, nạn nhân người Mỹ James Foley đang trở thành đề tài được nói đến nhiều nhất. Ông được ca ngợi là "nhà báo quả cảm" có "số phận bi thương". Afghanistan. Libya. Syria. Tất cả đều ghi dấu chân Foley. Dường như, nơi đâu có chiến tranh, nơi đó có Foley.

Năm 2011, khi cuộc nội chiến ở Libya lên đến đỉnh điểm, nhà báo Mỹ này bị lực lượng chính phủ Libya "bắt cóc" trong 44 ngày vì họ muốn ông an toàn hơn sau khi một nhiếp ảnh gia người Nam Phi tên Anton Hammerl bị giết. Tuy nhiên, ông không hài lòng. 6 tháng sau, ông lại đến Libya, Tổng biên tập tờ Global Post - một trang mạng tin tức quốc tế có trụ sở ở Boston (Mỹ) cho biết.

Ở Libya, Foley và một nhóm nhỏ các nhà báo bị chỉ trích khi cố gắng tiến gần đến thành phố Brega. Đó là nơi rất nguy hiểm. Nhưng Foley đã làm được điều mình muốn. Ông muốn biết liệu các phiến quân đã thực sự nắm quyền kiểm soát hay chưa và liệu họ có lắng nghe không.

Thành quả của ông là đã có đầy đủ tài liệu về kết cục bi thảm của cố Tổng thống Muammar Gaddafi. Foley trở về an toàn từ Libya. Nhưng thế giới đầy xung đột và Foley lại "xách ba-lô lên và đi". Nơi ông chọn là Syria - điểm đến định mệnh của cuộc đời ông. Tại đây, ông lại bị bắt cóc vào tháng 11-2012.

Trong đoạn băng khủng khiếp mà nhóm IS công bố hôm 19-8, Foley - nhìn hốc hác và mệt mỏi trong chiếc áo sơ mi màu cam - đã bị chặt đầu dã man. Người ta cho rằng, ông bị giết do Mỹ từ chối trao tiền chuộc và do những cuộc không kích của Mỹ nhằm vào các chiến binh IS ở Iraq. Ông thật sự là nạn nhân trong nước cờ sai lầm của Mỹ chăng?

Thanh Văn