Đi tìm sự thật!
(Cadn.com.vn) - Nhiều người đang đặt ra câu hỏi liệu cuộc chiến tranh của Mỹ ở Afghanistan trên thực tế đã chấm dứt thật sự hay chưa? Bởi lẽ, trên thực tế, chính quyền Tổng thống Barack Obama có kế hoạch giữ các căn cứ ở Kandahar và Jalalabad qua năm 2015 và xa hơn nữa.
Mỹ đang từng bước rút quân ra khỏi Afghanistan, chấm dứt cuộc chiến kéo dài và thảm bại. Tuy nhiên, trong động thái đảo ngược những tuyên bố của Nhà Trắng, 2 căn cứ quân sự Mỹ ở Kandahar và Jalalabad, nơi đang xảy ra những cuộc chiến ác liệt nhất quốc gia Nam Á này, có nhiều khả năng sẽ vẫn ở lại. Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đang có chuyến thăm Mỹ, gặp người đồng cấp Barack Obama, Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter.
Mỹ đang từ bỏ kế hoạch giảm lực lượng tại Afghanistan xuống 5.500 quân vào tháng 12-2015, sau khi được đề nghị để thêm quân tại nước này. Dù Nhà Trắng tuyên bố sẽ duy trì số lượng 9.800 binh sĩ hiện tại ở Afghanistan cho đến cuối năm 2015, nhưng Tổng thống Ghani tránh trả lời câu hỏi, ông muốn bao nhiêu quân Mỹ tiếp tục lưu lại Afghanistan. Trong khi đó, ông Ghani cho rằng, sự linh động của Mỹ khi duy trì thêm binh sĩ sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình cải cách và giúp huấn luyện lực lượng Afghanistan tốt hơn.
Theo tuyên bố, lịch trình rút quân cụ thể vào năm 2016 sẽ được xác định vào cuối năm 2015 để tạo điều kiện cho Lầu Năm Góc củng cố sự hiện diện tại Đại sứ quán ở Kabul trước cuối năm 2016. Phía Washington cho rằng, việc kéo dài quy mô binh sĩ Mỹ ở Afghanistan thêm vài tháng là "bõ công", nhưng khẳng định quá trình rút lực lượng tổng thể vẫn không hề thay đổi so với mục tiêu năm 2017.
Quan hệ Mỹ-Afghanistan đầy rắc rối dưới thời người tiền nhiệm của ông Ghani, cựu Tổng thống Hamid Karzai, người từng ngụ ý, quân đội Mỹ ở Afghanistan đã thông đồng với Taliban gây rắc rối. Quan hệ hai bên ấm dần trong thời gian qua nhưng giờ đây, việc Mỹ nỗ lực ngăn chặn đóng cửa các cơ sở quân sự ở Kandahar và Jalalabad sẽ càng khiến mối quan hệ thêm căng thẳng. Các cơ sở quân sự này là điểm rất quan trọng, giúp lực lượng không quân non kinh nghiệm của Afghanistan, thành công trong các cuộc không kích chống các chiến binh.
Nhưng động thái này báo hiệu một sự thay đổi trong vai trò của Washington ở Afghanistan. Trung Quốc và Pakistan, chứ không phải Mỹ, đi đầu trong việc thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình với Taliban, vốn đang có những chuyển biến tích cực. Mặc dù Ngoại trưởng Kerry đã đến Kabul vào tháng 8-2014 để làm trung gian cho một thỏa thuận bầu cử giữa ông Ghani và đối thủ Abdullah Abdullah - người hiện nắm giữ vị trí như là "giám đốc điều hành" của quốc gia - nhưng liên minh của họ vẫn trong tình trạng lộn xộn. Tệ hơn nữa, cả hai không muốn tiến lại gần nhau hơn.
Hiện chưa rõ Nhà Trắng sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng như thế nào ở Afghanistan trong năm tới. Nhưng có thể ngoài đào tạo và trang bị cho lữ đoàn ANSF tại Kandahar và Jalalabad, Mỹ sẽ đóng vai trò lớn hơn.
Thanh Văn